Lỗ của Eximbank liên quan đến Eximland?
Nghi vấn liệu có phải Eximland là tác nhân lớn gây ra khoản lỗ trong quý 4/2014 và ảnh hưởng đến lợi nhuận cả năm 2014 của Eximbank vẫn còn nhiều ẩn khuất, trong khi đó Eximland cũng cho rằng do Eximbank chậm tiến độ các giao dịch nên ảnh hưởng đến kế hoạch của Eximland!
* ĐHĐCĐ Eximbank: Chủ tịch Lê Hùng Dũng rút lui, nhân sự HĐQT mới vẫn chờ NHNN
* Vietcombank muốn thoái vốn khỏi Eximbank
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 tuần qua của Eximbank (HOSE: EIB), nhiều cổ đông đã đặt nghi vấn liệu có phải Bất động sản EXIM (Eximland) là tác nhân lớn gây ra khoản lỗ trong quý 4/2014 và ảnh hưởng đến lợi nhuận cả năm 2014 của Eximbank nhưng vẫn chưa nhận được giải đáp cuối cùng.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên của Eximland cách đây khoảng 2 tháng, HĐQT Công ty này cho biết một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc không đạt kế hoạch năm 2014 đến từ việc Eximbank không thực hiện đúng tiến độ các giao dịch tài sản giữa hai bên.
Cụ thể, trong năm 2014, Eximbank gây bất ngờ với khoản lãi sau thuế chỉ khiêm tốn ở mức 56 tỷ đồng, bằng 8% lãi ròng của năm 2013. Và tất cả những bất ngờ này dồn về hết quý cuối cùng của năm với khoản lỗ khủng gần 680 tỷ đồng. Nguyên nhân gây ra khoản lỗ khủng cho Eximbank trong quý 4/2014 ngoài khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gần 590 tỷ đồng còn phải kể đến khoản chi phí khác tăng bất thường lên 344 tỷ đồng (khiến Eximbank lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh trước trích lập gần 290 tỷ đồng). Khi đó Eximbank không có giải trình cụ thể về khoản chi phí khác rất lớn này.
Lợi nhuận qua các năm của Eximbank
ĐVT: tỷ đồng
|
Trước chất vấn của cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2015 về nguyên nhân lỗ khủng trong quý 4/2014, ông Phạm Hữu Phú – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Eximbank cho biết, trước đây Ngân hàng đã hạch toán bán 2 tài sản và ghi nhận vào lợi nhuận năm trước, tuy nhiên cuối cùng không sang tên được 2 tài sản này nên Eximbank phải thoái khoản dự thu với chênh lệch ghi nhận vào chi phí khác là 285 tỷ đồng (lợi nhuận từ việc bán tài sản này đã dùng chia cổ tức cho cổ đông từ những năm trước). Ông Phú không đề cập cụ thể về 2 tài sản này.
Cũng rất trùng hợp là Eximland cũng có giao dịch 2 tài sản chưa sang tên với Eximbank trong năm 2013 và 2014. Cụ thể, trong năm 2013, Eximland đã nhận chuyển nhượng 7 tài sản của Eximbank với tổng giá trị chuyển nhượng 871 tỷ đồng (theo kế hoạch các tài sản này sẽ được chuyển nhượng lại cho Công ty Eximbank AMC trong năm 2013). Theo báo cáo thường niên năm 2014, Eximland cho biết đã hoàn tất thủ tục sang tên đối với 5 tài sản. Trong năm 2014, Eximland đã ký biên bản thanh lý 2 tài sản chưa sang tên và gửi biên bản đề nghị Eximbank sớm tiến hành chuyển nhượng 5 tài sản còn lại.
Cũng trong năm 2014, Eximland đặt kế hoạch riêng cho mảng dịch vụ kinh doanh bất động sản của Công ty với 871 tỷ doanh thu, giá vốn 867 tỷ và lợi nhuận 4 tỷ đồng nhưng không thực hiện được. Giải thích về việc không đạt kế hoạch đặt ra tại ĐHĐCĐ thường niên, Eximland cho biết một trong những nguyên nhân là giao dịch tài sản với Eximbank không đúng tiến độ, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty.
Quay trở lại với câu chuyện của Eximbank, khi cổ đông đi thẳng vào vấn đề liệu có phải Eximland ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Eximbank tại ĐHĐCĐ vừa qua, ông Phạm Hữu Phú cho biết không thể trả lời vì đây là một trong những vấn đề liên quan đến thanh tra tại Eximbank và kết luận cuối cùng vẫn chưa được thanh tra công bố.
Bên lề đại hội, ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ – Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính Eximbank cũng từ chối cung cấp tên cụ thể 2 tài sản khiến Eximbank phải thoái khoản dự thu. Ông Vũ chỉ cho biết đây là 2 bất động sản tại Vũng Tàu và Hà Nội.
Trong khi đó, mối liên hệ giữa Eximbank và Eximland cũng dần đi đến hồi kết khi Ngân hàng công bố đã thanh lý toàn bộ khoản đầu tư gần 11% vốn Eximland và không còn là công ty liên kết. Giao dịch với các bên liên quan của Eximbank năm 2014 cũng không còn ghi nhận các khoản thu nhập từ bán bất động sản như những năm trước. Bản thân Eximland cũng đã thay máu bộ máy nhân sự chủ chốt cùng sự rút lui của người từ Eximbank khỏi HĐQT trong những năm gần đây.
* Quyết định thanh tra đột xuất Eximbank
* ĐHĐCĐ Eximland: Đổi Chủ tịch, thay mới gần hết HĐQT
Toàn bộ khoản vay ngắn hạn Eximbank vào khoảng 456 tỷ đồng tính đến cuối năm 2014 được đảm bảo bằng hàng hóa bất động sản tồn kho (quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất) cũng không còn xuất hiện tại báo cáo tài chính quý 2/2015 của Eximland. Đồng thời, khoản hàng hóa bất động sản trong tồn kho của Eximland từ cuối năm 2014 hơn 490 tỷ đồng để thế chấp cho khoản vay ngắn hạn cũng không còn (hàng tồn kho chỉ còn 118 tỷ từ dự án Khu dân cư Exim Garden).
Dư nợ cho vay qua các năm của Eximland
ĐVT: tỷ đồng
|
Eximland là công ty do Eximbank và một số cổ đông khác thành lập vào năm 2007 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Đến cuối quý 2/2015 vốn điều lệ thực góp của Eximland đạt gần 418 tỷ đồng.
Năm 2014 vừa qua, Eximland đạt doanh thu 873 tỷ và lợi nhuận sau thuế 8 tỷ đồng. Doanh thu và lãi trước thuế của Công ty (riêng lẻ) trong nửa đầu năm 2015 lần lượt là 441 tỷ và 2 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh hợp nhất qua các năm của Eximland
ĐVT: tỷ đồng
|
Các dự án của Eximland tính đến cuối năm 2014 gồm có Cao ốc Satra Eximland (cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho 114/125 căn hộ, mua lại 11% vốn của cổ đông), Khu dân cư Exim Garden (đã ký chuyển nhượng phần đất nhà ở thương mại, còn một phần đất nhà ở xã hội đang thực hiện thủ tục xây dựng), Cao ốc TIE Tower (dự kiến khởi công cuối quý 3/2015), Khu dân cư Hocin (gặp khó khăn đền bù và hạn chế vốn nên sẽ phân lô hộ lẻ và chuyển nhượng đất nông nghiệp để thu hồi vốn). Còn dự án chung cư Phước Kiển (Nhà Bè) dự kiến khởi công vào quý 3/2015, Eximland đã ký chuyển nhượng quyền sử dụng đất dự án với giá chuyển nhượng 20 tỷ đồng (chưa bao gồm tiền sử dụng đất).
|
Minh Hằng
|