Thứ Hai, 27/07/2015 09:17

Khi tín dụng tăng, lãi suất sẽ tăng

Tín dụng tăng trưởng vượt kỳ vọng trong hai quí đầu năm là nguyên nhân chính khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây có quyết định nới room tín dụng cho một loạt ngân hàng. Tuy vậy, đi kèm với đà tăng tốc của tín dụng, áp lực tăng lãi suất cho vay cũng ngày một tăng dần.

Tại một điểm giao dịch của NH Vietcombank. Ảnh Uyên Viễn

Áo chật nên cần nới!

Tín dụng tăng tốc mạnh trong sáu tháng đầu năm là một trong những tín hiệu rõ nét về sự khởi sắc trở lại của khu vực đầu tư tư nhân. Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng tính đến hết tháng 6 đạt mức tăng 6,28% so với cuối năm 2014, gấp 1,68 lần mức tăng 3,72% của cùng kỳ năm ngoái. Tín dụng được cải thiện bắt đầu từ quí 1 năm nay (đạt mức tăng trưởng dương 0,8% trong hai tháng đầu năm trong khi cùng kỳ năm 2014 vẫn ở mức âm 1,16%), tuy nhiên từ tháng 4 tới tháng 6 thì tăng trưởng tín dụng mới thể hiện rõ sự bứt tốc (trung bình đạt khoảng 1,5 %/tháng).

Nếu xét tình hình tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng, thì có sự phân hóa nhưng nhìn chung là tích cực. Chẳng hạn BIDV tăng 9,1% trong hai quí đầu năm; Vietcombank tăng 6,5%; Techcombank tăng 11,8%; VP Bank tính đến hết quí 1 đã tăng gần 9%... Nếu tín dụng tiếp tục giữ được tốc độ tăng như những tháng vừa qua, gần như chắc chắn các ngân hàng sẽ vượt room tăng trưởng tín dụng mà NHNN đã quy định đối với từng ngân hàng thương mại.

Trong bối cảnh như vậy, NHNN đã phải nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho 12 ngân hàng gồm Vietcombank (16%), VietinBank (16%), SeABank (35%), TienphongBank (35%), Techcombank (30%), LienVietPostBank (30%), VPBank (18%), NamABank (25%), SHB (15%), VIB (20%), BaovietBank (36%), NCB (24%).

Sự phân tốp là khá rõ khi các ngân hàng gốc quốc doanh là Vietcombank và VietinBank có trần tín dụng mới không quá cao (chỉ là 16%), trong khi khối ngân hàng thương mại cổ phần có mức trần tăng trưởng tín dụng cao hơn hẳn (20-30%), thậm chí một vài ngân hàng có quy mô nhỏ còn được nới mức trần lên hơn 30%.

Tuy vậy, cần lưu ý là mặc dù tốc độ tăng trưởng có thể thấp hơn nhưng bốn ngân hàng thương mại mà Nhà nước vẫn đang nắm giữ cổ phần chi phối là Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank đã chiếm gần 50% tổng tín dụng của nền kinh tế. Do vậy, cho dù khối này có mức tăng trưởng thấp hơn khối ngân hàng cổ phần nhưng sẽ vẫn có ảnh hưởng chủ yếu đến mức tăng trưởng chung của toàn hệ thống. Với quyết định này của NHNN, tín dụng của cả nền kinh tế có cơ hội đạt mức tăng trưởng trên 16% trong năm nay.

Tiền tăng thêm sẽ chảy vào đâu?

Theo công bố của NHNN, tính đến cuối tháng 5-2015, tăng trưởng tín dụng chung cho toàn hệ thống đạt 5,22%; trong đó tín dụng dành cho khu vực nông lâm thủy sản tăng 5,82%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,67%; hoạt động vận tải thương mại và viễn thông tăng 4,43%; các hoạt động dịch vụ khác tăng 6,16%.

Như vậy là tín dụng cho hai khu vực nông lâm thủy sản và hoạt động dịch vụ khác có mức tăng cao hơn mức tăng trưởng chung. Riêng tín dụng cho lĩnh vực bất động sản (chủ yếu là hoạt động cho vay mua nhà, nhiều khả năng được thống kê trong mục hoạt động dịch vụ khác) tính đến cuối tháng 6 đã tăng 10,89% so với cuối năm 2014, cao hơn hẳn mức tăng tín dụng chung của toàn hệ thống. Tuy nhiên, tỷ trọng của lĩnh vực này chỉ chiếm khoảng 8,3% tổng quy mô tín dụng, nên mặc dù có tốc độ tăng trưởng cao nhưng xét theo giá trị tuyệt đối thì không hẳn tiền ngân hàng đã rót vào đây nhiều.

Với việc nới lỏng tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại, câu hỏi đặt ra là trong sáu tháng cuối năm, nguồn tiền nới thêm này sẽ ưu tiên chảy vào những lĩnh vực nào?

Về cơ bản, tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều có cơ hội tiếp cận với nguồn tín dụng của ngân hàng miễn là đáp ứng đủ điều kiện. Cho vay cá nhân trong đó có cho vay mua nhà, sửa chữa nhà ở, vay mua ô tô và vay thẻ tín dụng vẫn là những lĩnh vực thu hút sự quan tâm lớn đối với các ngân hàng. Tuy nhiên, dù tăng trưởng nhanh nhưng các lĩnh vực này hiện vẫn chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, do vậy để đảm bảo lợi nhuận, các ngân hàng vẫn sẽ dành phần lớn nguồn lực cho các ngành truyền thống như nông nghiệp nông thôn, công nghiệp - xây dựng, xuất khẩu…

Một vấn đề nữa cũng cần lưu ý là liệu mặt bằng lãi suất cho vay có chịu sức ép tăng khi tín dụng được nới thêm room?

Câu trả lời là nhiều khả năng lãi suất cho vay sẽ tăng nhưng mức độ tăng sẽ rất phân hóa giữa các ngân hàng. Trên thực tế, một đợt điều chỉnh lãi suất huy động thêm 0,2-0,5% đã diễn ra vào đầu tháng 6 vừa qua tại hầu hết các ngân hàng. Điều này phản ánh thực tế thanh khoản của hệ thống không còn ở trạng thái quá dư thừa và nếu cầu vốn tăng tốc mạnh trong sáu tháng cuối năm, viễn cảnh tăng lãi suất cho vay sẽ không còn xa. Tuy vậy, mức độ tăng là bao nhiêu sẽ tuỳ thuộc vào khả năng cân đối cung - cầu vốn và khả năng co kéo giữa lãi suất huy động và cho vay, đầu tư (NIM) nhằm giữ chân khách hàng của từng ngân hàng.

Xem thêm tại đây ...

Linh Trang

tbktsg

Các tin tức khác

>   Nợ xấu - nhưng nợ xấu trên cái gì? (26/07/2015)

>   Tỉ giá “hại” nông sản (26/07/2015)

>   Ưu ái hơn với tín dụng khu vực tư nhân? (26/07/2015)

>   Tăng bảo mật thẻ ngân hàng: Còn gian nan (26/07/2015)

>   VNM: Chủ tịch HĐQT HDBank sẽ là "nữ tướng" tiếp theo thay bà Mai Kiều Liên (26/07/2015)

>   Phao cứu sinh cho doanh nghiệp (25/07/2015)

>   Thêm “nỗi đau” cho cổ phiếu dầu khí (24/07/2015)

>   Khi chủ ngân hàng lấy tiền ra tiêu! (24/07/2015)

>   Phó tổng giám đốc NamABank giữ chức Chủ tịch Công ty Kiểm định vàng bạc đá quý Việt Nam (24/07/2015)

>   Đi siêu xe, ở biệt thự vẫn chây ì trả nợ ngân hàng (24/07/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật