Ưu ái hơn với tín dụng khu vực tư nhân?
Vốn đầu tư của khu vực tư nhân trong nửa đầu năm 2015 đạt 202.800 tỉ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ. So với hai khu vực nhà nước và nước ngoài, khu vực tư nhân ghi nhận mức tăng trưởng tốt nhất trong 6 tháng.
Mặc dù ghi nhận vốn đầu tư (VĐT) của khu vực tư nhân đang tăng trưởng tốt, tuy nhiên, có nhận định cho rằng đang có sự đối xử không công bằng giữa tư nhân có quan hệ tốt với tư nhân không có quan hệ; hay phân biệt giữa các doanh nghiệp (DN) có vốn nước ngoài lớn với khu vực tư nhân nhỏ và vừa ở khâu tiếp cận đất đai, vốn...
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban pháp chế Phòng TM và CN Việt Nam (VCCI) phân tích về báo cáo “Cảm nhận của người dân về Nhà nước và thị trường VN 2014 (CAMS 2014)” do VCCI và NH thế giới (WB) vừa tổ chức, thì nhóm người ủng hộ tư nhân hóa rất cao, khoảng 68-73%.
Ông Tuấn cho rằng, vai trò khu vực tư nhân gần đây đã được đề cao. Sau thất bại của một số tập đoàn nhà nước lớn, các chính sách thu hút, đề cao tư nhân đã được chú trọng. Tư nhân đã được tham gia, kêu gọi đầu tư vào hạ tầng và nhiều lĩnh vực khác như nghị định về đối tác công tư Chính phủ vừa ban hành.
Ở một diễn biến khác, theo số liệu của Ngân hàng Nhà Nước (NHNN), 6 tháng đầu năm 2015, tín dụng của toàn hệ thống tăng trưởng 6,28% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm. Sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng (TTTD) là tín hiệu khả quan và gắn liền với tình hình đầu tư của khu vực tư nhân.
Đồng thời, đang có một sự thay đổi tích cực trong cơ cấu VĐT, theo đó, VĐT của khu vực tư nhân chiếm khoảng 36,6% tổng vốn, gần bắt kịp khu vực Nhà nước với tỉ trọng trong VĐT 38,6%. Có thể nói, TTTD đặt trong chỉ tiêu lớn là tăng trưởng VĐT hàm ý hoạt động kinh doanh của khu vực tư nhân đã khởi sắc trở lại.
Và để tạo sân chơi công bằng, bình đẳng giữa các DN, nhà nước cần chú trọng hơn đến khu vực tư nhân nhỏ và vừa khi khu vực này ưu việt, chiếm phần lớn trong lĩnh vực kinh tế. TTTD cho khu vực kinh tế tư nhân cần hài hoà hoá quan hệ kinh tế tài chính giữa khu vực kinh tế nhà nước, tư nhân và có VĐT nước ngoài. Thậm chí có ý kiến khẳng định, không nước nào phát triển tốt chỉ nhờ khu vực FDI trong khi DN tư nhân trong nước quá nhỏ bé, manh mún...
Về dòng vốn, mặc dù kinh tế khu vực tư nhân đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhưng tín dụng cho DN khu vực tư nhân vẫn phải tuân thủ các quy luật thị trường tài chính tín dụng. Ưu đãi, hỗ trợ tín dụng nếu có thì cũng không thể dành cho những đề xuất vay vốn tín dụng không khả thi, thiếu căn cứ, thiếu hiệu quả theo tiêu chí đánh giá lựa chọn của thị trường tài chính tín dụng.
Nhu cầu vốn tín dụng của DN khu vực tư nhân và khả năng đáp ứng nhu cầu này cần đặt trong mối quan hệ tổng thể, phối hợp, bổ sung với các nguồn vốn, nguồn lực khác. Cho vay vốn cần chú ý tới đặc điểm của vốn tín dụng là phải hoàn trả gốc và trả lãi đúng hạn đi đôi với rủi ro về biến động lãi suất và thay đổi điều kiện tiếp cận tín dụng. Việc sử dụng đòn bẩy nợ, kể cả nợ vay tín dụng quá cao luôn tiềm ẩn khả năng vỡ nợ, thậm chí phá sản.
Trong một bài phân tích về các giải pháp thúc đẩy TTTD đối với DN khu vực tư nhân, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh đã nhấn mạnh đến vấn đề về dòng vốn và nhu cầu vốn của DN khu vực tư nhân như trên. Cũng theo TS. Ánh, các nguyên tắc, quan điểm định hướng trên sẽ thúc đẩy tín dụng cho DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân khi và chỉ khi chúng được vận dụng và phát huy hiệu quả trên thị trường tài chính tín dụng, cả từ phía cung, phía cầu cũng như sự vận động của lãi suất.
Quang Hùng
lao động
|