Giá xăng tiếp tục đưa CPI tháng 5/2015 “bay cao”?
Giá xăng và giá điện đã đẩy CPI tháng 4/2015 tăng 0.14%. Và giá xăng được nhìn nhận sẽ tiếp tục là nhân tố chính đẩy CPI bay cao trong tháng 5/2015.
“CPI tháng 5/2015 sẽ tăng hơn so với tháng 4/2015, cụ thể sẽ tăng khoảng 0.25-0.3% do tác động tăng giá xăng dầu”. Đây là ý kiến dự báo của ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE).
Theo ông Khánh, giá xăng tăng sẽ kéo theo một số nhân tố khác gia tăng như chi phí vận tải, giá cả hàng hóa tiêu dùng,... Nhưng ông nhìn nhận, biến động giá xăng chỉ là một lý do để các đơn vị khác tăng giá theo.
Tuy nhiên, sức cầu của nền kinh tế nói chung sẽ khó có thay đổi nhiều, ít nhất là ở thời điểm hiện tại do không có những nhân tố mạnh kích thích tiêu dùng như các dịp lễ, tết,... Nếu có tác động thì chủ yếu là lực cầu của nhóm doanh nghiệp nhờ việc mở rộng sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.
Cùng quan điểm, ông Bùi Nguyên Khoa – Chuyên viên phân tích cao cấp của CTCK BIDV (BSI) nhìn nhận: “Do tác động tăng giá điện và giá xăng dầu, CPI tháng 5 nhiều khả năng sẽ tăng cao hơn mức tăng trong tháng 4. Dự báo CPI tháng 5 ở mức tăng 0.26% so với tháng trước, tương đương mức tăng 1.05% so với cùng kỳ và 0.3% so với cuối năm 2014”.
Như vậy, sau 5 tháng CPI trong nước vẫn ở mức rất thấp. So sánh với năm trước, CPI 5 tháng đầu năm 2014 đạt 1.08%; cả năm 2014 là 1.84%. Điều này là dấu hiệu cho thấy CPI năm 2015 có thể tiếp tục ở mức thấp và nếu giá dầu thế giới chậm hồi phục, CPI cả năm 2015 có thể chỉ ở mức 2-3%.
Theo ông Khoa, nhóm giao thông là nhóm có trọng số khá lớn trong giỏ CPI và chịu tác động trực tiếp từ giá xăng dầu, sẽ đóng góp mạnh nhất tới CPI tháng 5/2015. Tiếp đến là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt vật liệu xây dựng. Các nhóm còn lại sẽ có biến động không đáng kể do giá cả khá ổn định.
“Với hai lý do chính, là giá xăng gia tăng sẽ tác động trực tiếp-gián tiếp đến các nhóm ngành khác cũng như người tiêu dùng, và tác động tích cực của kỳ nghỉ lễ dài ngày làm giá cả tiêu dùng-dịch vụ ăn uống ngoài xã hội tăng lên sẽ đưa CPI tháng 5/2015 gia tăng. Dự báo mức tăng nằm trong khoảng 0.17-0.2%” là những nhìn nhận của ông Hoàng Công Tuấn – Chuyên viên phân tích CTCK MB (MBS).
Bên cạnh hai nguyên nhân trên, ông Tuấn còn cho rằng biến động tăng giá điện trong tháng 4/2015 cũng sẽ tác động. Ông nhìn nhận, tác động của giá điện đến CPI tháng 4/2015 chưa nhiều do biến động tăng này sát với thời điểm chốt CPI tháng 4. Ngoài ra, các hàng hóa dịch vụ có liên quan đến điện cũng chưa kịp tăng, do đó giá điện sẽ ảnh hưởng đến CPI tháng 5/2015.
Nhận định về mức tăng của CPI cả năm, ông cho rằng có một số yếu tố tích cực như cung-cầu gia tăng, tín dụng gia tăng, tăng trưởng kinh tế cũng cao hơn, lượng tiền cung ra nền kinh tế sẽ nhiều hơn nhưng một số yếu tố như nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế thế giới năm 2015 đều có xu hướng giảm, tín dụng mặc dù tăng so với năm 2014 nhưng ngân hàng nhà nước năm 2015 cũng sẽ duy trì ở mức ổn định chứ không bùng nổ. Các thị trường tài sản như TTCK, BĐS có cải thiện nhưng không nhiều. Những nhân tố này sẽ kìm hãm và CPI khó có bứt phá. Theo đó, ông Tuấn cho rằng CPI cả năm sẽ khó đạt kế hoạch đề ra (5%) và theo ông mức tăng của CPI cả năm chỉ dưới 3.5%.
Duy Hoàng
|