Hàng hóa Việt Nam thiếu sức cạnh tranh: Đâu là nguyên nhân?
Tăng trưởng GDP quý I-2015 của Việt Nam ước đạt 6,03%, là mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây. Tiền đề này có thể gây ảo tưởng về sức mạnh, tính khả thi trong thực hiện các chính sách về kinh tế, nhưng chưa đủ để kết luận là chúng ta có lợi thế cạnh tranh... Đó là nhận định của nhiều đại biểu trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 11-5 khi thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), ngân sách nhà nước năm 2014 và những tháng đầu năm 2015.
Gạo của Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế. Ảnh: Đình Huệ
|
Sức ép trên mọi "mặt trận"
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh khẳng định: Năm 2014, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, mặt bằng lãi suất giảm... Sang năm 2015, tình hình trên cơ bản được duy trì, tăng trưởng GDP quý I ước đạt 6,03%, là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Tuy nhiên, nền kinh tế cũng đã xuất hiện nhiều khó khăn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển, như xuất khẩu giảm nhiều, nhập khẩu tăng cao. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thoái vốn nhà nước còn chậm và chưa đáp ứng yêu cầu đề ra… Có hai vấn đề Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đặc biệt bày tỏ lo ngại là tình hình phát triển doanh nghiệp và tiêu thụ nông sản. "Tỷ trọng cổ phần hóa DNNN thấp, không có tác dụng cải thiện rõ rệt chất lượng hoạt động của DN. Đáng lưu ý hơn, trên mọi "mặt trận", sản phẩm của chúng ta đều gặp sức ép..." - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết thêm: Gạo của Việt Nam đang bị các nước như Ấn Độ, Pakistan cạnh tranh gay gắt. Một số thị trường vẫn nhập nhưng với số lượng hạn chế vì gạo Việt Nam có giá thấp chứ không bởi chất lượng tốt. Nhiều nước cũng đang tái cơ cấu nông nghiệp nhưng họ đi những bước nhanh, vững chắc và rõ ràng hơn chúng ta. Điều này khiến nông sản của Việt Nam ngày càng kém cạnh tranh. Đây tiếp tục là thách thức lớn cho nền kinh tế nửa cuối năm 2015. Theo dự báo của Bộ KH-ĐT, với đà phục hồi tăng trưởng trong quý I-2015, tình hình kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục ổn định là điều kiện quan trọng nhất cho sự phát triến nền kinh tế trong thời gian tới. Tuy nhiên, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh thấp sẽ là thách thức rất lớn khi cộng đồng ASEAN được thành lập vào cuối năm nay. Nếu không có giải pháp quyết liệt tháo gỡ, mục tiêu tăng trưởng cả năm hướng tới đạt 6,5% cũng không dễ dàng.
Nguyên nhân của mọi nguyên nhân
Giải pháp thoát khỏi được mùa mất giá tốt nhất không phải là ứng cứu nông sản kiểu xã hội chung tay bán, vận động người dân mua ủng hộ như thời gian qua. Đó là nhận định của nhiều đại biểu tham dự phiên họp thứ 38 của UBTVQH. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho biết: Chúng tôi cũng tham gia cuộc vận động của Bộ Công thương để mua dưa nhưng không thể cứ mãi trông chờ vào việc mua dưa ủng hộ được. Ông Nguyễn Đình Quyền đặt vấn đề: Tại sao chúng ta có nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn nhưng cho đến nay, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vẫn trong cảnh bị động? Cũng theo ông Nguyễn Đình Quyền, cách tiếp cận lâu nay của Việt Nam là hướng đến trợ giúp mà chưa xem xét kỹ yếu tố cán bộ. Trong khi đó, cán bộ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, từ khâu hoạch định chính sách, triển khai đến tổ chức thực hiện chính sách... đều có vấn đề về năng lực, trách nhiệm. Những tồn tại này được báo trước rất nhiều năm nhưng vẫn hiện hữu. "Trong quá trình chuẩn bị Đại hội Đảng xem xét nhân sự khóa tới, rồi từng cơ quan từ TƯ đến địa phương phải đánh giá nghiêm túc vai trò, đội ngũ cán bộ trong bộ máy nhà nước, đặc biệt đội ngũ điều hành xem năng lực đáp ứng đến đâu, mới có giải pháp nâng cao năng lực. Vì chất lượng cán bộ mới là cơ sở quan trọng quyết định sự phát triển KT-XH trên rất nhiều lĩnh vực."- ông Nguyễn Đình Quyền đề xuất.
Cùng chung quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai kiến nghị, để cạnh tranh được với các tập đoàn trên toàn cầu trong lĩnh vực nông nghiệp, không chỉ vận động mua hàng bằng tấm lòng. Chính phủ nên phân tích và có giải pháp mạnh hơn.
Dẫn những đánh giá của Chính phủ về sản xuất kinh doanh vẫn khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động lớn, tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động có lãi thấp… nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ có sự đánh giá, phân tích cụ thể để làm rõ hơn lý do vì sao trong khó khăn nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng như báo cáo đã nêu? Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Đồng thời với sự đổi mới về chính sách, nguồn lực đối với nông nghiệp, việc quan trọng không kém là xem xét hạn chế của công nghiệp, dịch vụ. Đang có nhiều mặt hàng sản xuất ra nhưng không tiêu thụ được, thua ngay trên sân nhà nhưng lại thiếu giải pháp. Nếu cứ như thế này thì không chỉ năm nay mà các năm sau cũng vẫn bị động. Không thể để người dân sản xuất mà không biết sẽ tiêu thụ thế nào. Cần nghiên cứu kết nối thị trường, tìm mọi cách để thay đổi năng suất lao động; đồng thời đưa khoa học công nghệ vào sản xuất. "Nếu không đầu tư kỹ cho nhóm này, Việt Nam dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình" - ông Phùng Quốc Hiển cảnh báo.
Hà Nội được thưởng thu vượt dự toán
Ngày 11-5, tại Hà Nội, đã khai mạc phiên họp thứ 38 của UBTVQH dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Trong ngày làm việc đầu tiên, UBTVQH đã đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2014 và những tháng đầu năm 2015. Chiều cùng ngày, UBTVQH thông qua phương án phân bổ số vượt thu ngân sách trung ương năm 2014, cho ý kiến vào quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013, báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014.
Thông tin đáng lưu ý là các đại biểu thống nhất dành và chuyển nguồn sang năm 2015 để thực hiện chính sách tiền lương 10.000 tỷ đồng; thưởng vượt dự toán thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cho 3 địa phương: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh 1.612,8 tỷ đồng; bố trí khoảng 3.500 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng theo cơ chế tài chính đặc thù cho Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. UBTVQH còn thống nhất thông qua việc dành 1.700 tỷ đồng cho việc chống hạn ở Ninh Thuận và xây đường cao tốc.
Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu Chính phủ bên cạnh việc chỉ ra tồn tại thì cũng cần biểu dương các đơn vị làm tốt.
Hồ Bách
|
Hà Phong
Hà Nội mới
|