Thứ Ba, 21/04/2015 09:52

Biến động tỷ giá USD/VNĐ: Cảnh báo tình huống tháng 6

Việc ổn định tỷ giá USD/VNĐ chịu nhiều áp lực hơn năm ngoái, và cảnh báo gần nhất là tháng 6 tới...

Đối với tỷ giá USD/VND, hướng tác động cụ thể và trực tiếp hơn từ cảnh báo FED có thể tăng lãi suất là đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Tỷ giá là nội dung khá ngắn gọn trong tham luận của TS. Hà Huy Tuấn (Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia) tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015 đang diễn ra tại Nghệ An, nhưng có những cảnh báo đáng chú ý.

Quan điểm được đưa ra trong tham luận trên là Ngân hàng Nhà nước cần kiên định với mục tiêu duy trì giá trị đồng nội tệ, nhằm gia tăng niềm tin vào đồng nội tệ, giảm dần trình trạng đô la hóa diễn ra trong nhiều năm qua.

Chính sách tỷ giá theo đó cần được ưu tiên duy trì ổn định trong giai đoạn trước mắt. Còn trong trung và dài hạn, cần được xem xét, cân nhắc tổng thể các yếu tố của nền kinh tế trên cơ sở theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới và trong nước để chủ động có những kịch bản xử lý linh hoạt khi cần thiết.

Nhận định chung, TS. Hà Huy Tuấn cho rằng, việc giữ ổn định tỷ giá USD/VNĐ năm nay chịu nhiều áp lực hơn năm 2014.

Mặc dù đã được điều chỉnh thêm 1% vào đầu năm 2015 và cam kết không điều chỉnh quá 2% trong năm nay, nhưng tỷ giá vẫn chịu nhiều áp lực, mà theo chuyên gia này tập trung ở ba lý do.

Thứ nhất, đồng USD đang tăng giá nhiều so với các ngoại tệ khác.

Thứ hai, lãi suất đô la Mỹ được kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cho tăng sớm vào tháng 6/2015 làm cho Chỉ số Dollar Index đạt mức cao nhất 12 năm.

Thứ ba, dư địa điều chỉnh tỷ giá không còn nhiều sau khi đã được điều chỉnh 1% vào đầu tháng 1/2015.

Dù không phân tích cụ thể các áp lực từ những nguyên do trên, song có thể nhận thấy nguyên do thứ hai là một cảnh báo đáng chú ý, và đã đến gần: khả năng Fed sẽ sớm tăng lãi suất vào tháng 6 tới.

Tình huống Fed tăng lãi suất cũng đã được một số chuyên gia cảnh báo trong thời gian qua, khi tỷ giá USD/VNĐ có biến động khá mạnh và kéo dài những tháng đầu năm 2015.

Trước biến động đó, Ngân hàng Nhà nước đã có thông tin định hướng, trong đó cũng đề cập đến việc sẽ bám sát những động thái của Fed để có ứng xử linh hoạt và phù hợp.

Trong cảnh báo trên, nếu Fed tăng lãi suất vào tháng 6 tới, đồng USD có thể sẽ tiếp tục lên giá trên thị trường thế giới, vốn dĩ đã thể hiện mạnh từ đầu năm đến nay. Việt Nam và tỷ giá USD/VNĐ cũng chịu những tác động nhất định.

Hướng tác động được các chuyên gia tập trung phân tích gần đây là sự lên giá của đồng USD trên thế giới nhưng lại ổn định với VNĐ ảnh hưởng bất lợi đến xuất khẩu của Việt Nam, nhất là với thực tế nhiều quốc gia đã phá giá đồng nội tệ để hỗ trợ hàng hóa của họ cạnh tranh…

Đối với tỷ giá USD/VNĐ, hướng tác động cụ thể và trực tiếp hơn từ cảnh báo Fed có thể tăng lãi suất nói trên là đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài. Lãi suất USD lên, trong khi lãi suất tại các thị trường mới nổi mà cụ thể là Việt Nam đã giảm xuống thấp, sẽ kích thích vốn ngoại đảo chiều.

Cộng hưởng với đó, yếu tố tâm lý, vẫn thường nổi bật tại thị trường Việt Nam, có thể càng làm gia tăng áp lực đối với tỷ giá USD/VNĐ.

Theo đó, tình huống Fed sẽ sớm tăng lãi suất vào tháng 6 tới hay không là đáng chú ý.

Còn phía Ngân hàng Nhà nước, sau khi đã điều chỉnh tỷ giá thêm 1% đầu năm nay, quan điểm đưa ra là vẫn kiên định mục tiêu giữ ổn định trong khoảng biến động 2% đã đề ra. Nguồn lực dự trữ ngoại hối khá cao với dự báo cán cân tổng thể 2015 vẫn thặng dư lớn là cơ sở để nhà điều hành kiên định.

Cảnh báo tình huống của tháng 6 nói trên theo đó có thể là áp lực mang tính thời điểm.

Nhưng xa hơn một chút, trong tham luận của TS. Hà Huy Tuấn không đề cập đến cụ thể, có một yếu tố nữa cần chú ý đối với áp lực giữ ổn định tỷ giá: bối cảnh nền kinh tế đang khác đi nhiều so với năm 2012, 2013 và 2014 - quãng tỷ giá USD/VNĐ được giữ ổn định.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế đang cho thấy tốc độ cao hơn, gắn với cầu mạnh hơn, trong đó cầu ngoại tệ cho nhập khẩu máy móc thiết bị tăng lên rõ rệt. Cùng đó, cân đối xuất nhập khẩu không còn thuận lợi như trước, khi nhập siêu đã có hơi hướng tăng trở lại.

Áp lực giữ ổn định tỷ giá theo đó cũng thay đổi, theo hướng gia tăng lớn hơn cùng với “bối cảnh mới” của nền kinh tế.

Minh Đức

vneconomy

Các tin tức khác

>   ĐHĐCĐ Sacombank: Cổ đông nhỏ chưa thuận lòng sáp nhập SouthernBank (21/04/2015)

>   ĐHĐCĐ MBB: Nóng với thảo luận cùng cổ đông (21/04/2015)

>   Hơn 50% tổ chức tín dụng kỳ vọng giảm nhẹ mặt bằng lãi suất (20/04/2015)

>   Ông Trầm Bê hé lộ tỷ lệ sáp nhập giữa SouthernBank và Sacombank (20/04/2015)

>   EIB: Xuất hiện thỏa thuận "khủng" hơn 25.6 triệu cp (20/04/2015)

>   Ngân hàng Quốc dân lên kế hoạch tăng vốn và tìm kiếm đối tác ngoại (20/04/2015)

>   Kiều hối tăng mạnh: Thêm nguồn cung ngoại tệ (20/04/2015)

>   ĐHĐCĐ Ngân hàng Phương Nam: Vẫn chờ văn bản chấp thuận sáp nhập Sacombank (20/04/2015)

>   Tại sao ngân hàng phải thông minh hơn? (20/04/2015)

>   Tiếp tục câu hỏi “giải thoát” nợ xấu (20/04/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật