Thứ Ba, 21/04/2015 08:49

[Bài cập nhật]

ĐHĐCĐ Sacombank: Cổ đông nhỏ chưa thuận lòng sáp nhập SouthernBank

Sáng 21/04, ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank (HOSE: STB) tái thông qua chủ trương sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam – SouthernBank (PNB) trong năm 2015. Tại Đại hội, hàng loạt câu hỏi liên quan đến thương vụ này được đưa ra.

* Ông Trầm Bê hé lộ tỷ lệ sáp nhập giữa SouthernBank và Sacombank

* ĐHĐCĐ Ngân hàng Phương Nam: Vẫn chờ văn bản chấp thuận sáp nhập Sacombank

12h45: Ý kiến từ đại diện NHNN.

Đại diện từ NHNN cho biết các chỉ tiêu hoạt động của STB tăng trưởng ổn định theo chiều hướng tích cực, trên mức bình quân chung của các ngân hàng trên địa bàn TPHCM. Về vị thế, tính đến cuối năm 2014, STB đứng thứ hai về thị phần, tổng tài sản, đứng đầu về lợi nhuận trên địa bàn. Hệ số an toàn vốn tốt, tỷ lệ nợ xấu của STB thấp, đảm bảo bền vững cho STB trong thời gian tới. Hoạt động mạng lưới của STB có quy mô lớn, đặc biệt là ngân hàng có mạng lưới lớn nhất trong khối TMCP trên toàn quốc.

Về tái cơ cấu, đại diện NHNN chia sẻ PNB và STB được chỉ định sáp nhập, cổ đông tất nhiên sẽ quan tâm đến quyền lợi như thế nào. Tuy nhiên vị này khẳng định HĐQT và Ban điều hành STB làm gì cũng phải chờ sự đồng ý của ĐHĐCĐ. Mặc dù chủ trương sáp nhập PNB và STB đã thông qua hơn 1 năm nhưng đến này vẫn chưa tiến hành xong do cần phải thận trọng. Hiện hai ngân hàng đang xây dựng đề án tái cơ cấu hoàn chỉnh và chờ ý kiến NHNN. Đại diện từ NHNN nhận định chủ trương sáp nhập của hai ngân hàng là đúng, giúp ngân hàng mạnh hơn.

12h30: Đại hội thông qua tất cả các tờ trình.

Cổ đông chất vấn hàng loạt vấn đề về M&A

10h30: Đại hội thảo luận.

Hàng loạt câu hỏi tiếp theo cũng liên quan đến sáp nhập SouthernBank - Sacombank.

Cụ thể, cổ đông hỏi về chủ trương sáp nhập PNB? Nợ xấu của PNB khoảng 5% trên tổng dư nợ, STB có nhận thức được nợ xấu của PNB và giải quyết như thế nào? Tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu như thế nào? Kế hoạch tăng vốn lên hơn 14,000 tỷ chưa tính thêm sáp nhập PNB thì liệu phương án sáp nhập PNB có thực hiện được trong năm nay không? Giá STB bình quân là 18,000, khi sáp nhập vào PNB giá cổ phiếu sẽ giảm xuống và ai sẽ bảo vệ quyền lợi của cổ đông? Giá PNB tầm khoảng 5,000 đồng/cp trong khi STB có giá khoảng 18,000 đồng/cp thì tỷ lệ 1:0.75 có hợp lý không? Nợ xấu của PNB rất cao, như vậy sau sáp nhập lợi nhuận STB sẽ bù phần trích lập cho PNB, năm sau STB còn lợi nhuận không? Trong vòng 2 năm tới, giá cp STB chỉ có đường đi xuống chứ không đi lên, liệu có nên nắm giữ cp STB nữa hay không?

Bên cạnh đó, cổ đông còn hỏi về mức lương hiện hành của HĐQT và Ban Tổng giám đốc, chi tiết về thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ vì hầu hết các ngân hàng đang tập trung mảng kinh doanh cốt lõi? Kế quả kinh doanh năm 2014, nếu không kể ảnh hưởng bán nợ cho VAMC thì lợi nhuận thu về cao hơn, nguyên nhân do đâu? Năm 2015 STB sẽ bán bao nhiêu nợ xấu cho VAMC? Trích lập dự phòng bao nhiêu cho năm 2015?

Cổ đông cũng đề nghị đẩy nhanh việc thực hiện chi trả cổ tức.

Trả lời cho tất cả các câu hỏi trên, ông Kiều Hữu Dũng – Chủ tịch HĐQT STB cho biết HĐQT đã làm việc và có giải trình cụ thể với NHNN về vấn đề chia cổ tức. Ông kỳ vọng trong thời gian ngắn sắp tới sẽ có thông tin tích cực từ phía NHNN.

Về tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu khi sáp nhập hai ngân hàng, ông Dũng cho biết chưa chính thức công bố tỷ lệ chi tiết.

Việc thành lập công ty bảo hiểm là xu hướng xuyên suốt của STB khi định hướng là ngân hàng bán lẻ. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của STB, hoạt động ngân hàng có liên quan đến bảo hiểm, tác động hữu cơ của bảo hiểm lên ngân hàng là có lợi. Do đó, STB sẽ tập trung vào ngân hàng bán lẻ và có thêm những hoạt động khác hỗ trợ cho bán lẻ của ngân hàng.

Cổ đông là người có tâm huyết, sống với STB từ ngày thành lập đến nay và rất đau lòng thấy nhiều người trong STB ra đi mà không hiểu lý do tại sao? Về phương án sáp nhập, STB đang què quặt và nhận thêm một người không thể đi là PNB. Ông Trầm Bê về Triều An thì Triều An tan hoang, về PNB thì PNB sang ngang, về STB thì làm được gì cho cổ đông? Niềm tin của cổ đông đang đội nón ra đi. Cổ đông nghe sáp nhập với PNB thì cảm thấy rất buồn.

Ông Trầm Bê xin lỗi cổ đông.

Ông Trầm Bê cho biết với Bệnh viện Triều An, ông là người sáng lập bệnh viện tư nhân đầu tiên tại TPHCM, ông không lấy lợi nhuận của Triều An. Riêng với PNB, việc sáp nhập làm cổ đông STB lo lắng là điều không tránh khỏi.

Còn về việc cán bộ nhân viên STB ra đi là tự họ rời khỏi, ông Trầm Bê khẳng định hầu hết các nhân viên hiện nay khoảng 99% là nhân viên cũ.

Khi sáp nhập, STB dính nợ xấu là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, lợi ích của việc sáp nhập là có thêm 143 chi nhánh, phòng giao dịch, 4,000 người không cần đào tạo, nếu STB tăng vốn thêm 5,000-10,000 tỷ cũng không mua được.


Toàn cảnh Đại hội

Lập công ty tài chính và bảo hiểm với vốn điều lệ 300-500 tỷ đồng

10h00: Đại diện Sacombank trình cổ đông chấp thuận chủ trương thành lập công ty tài chính và bảo hiểm.

Để chuẩn bị cho hoạt động tín dụng tiêu dùng của Sacombank không bị gián đoạn, khi NHNN đã dự thảo quy định NHTM không được cho vay tiêu dùng và chỉ được thực hiện thông qua công ty tài chính trực thuộc, STB trình Đại hội chấp thuận chủ trương: (i) thành lập công ty tài chính dưới hình thức Công ty TNHH MTV trực thuộc Sacombank; (ii) hoặc chuyển đổi/ sáp nhập hoạt động của Công ty Cho thuê tài chính (Sacombank Leasing) hiện hữu thành công ty tài chính. Dự kiến vốn điều lệ là 500 tỷ đồng.

Còn công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ hoạt động dưới hình thức liên doanh với đối tác nước ngoài, dự kiến vốn góp là 500 tỷ đồng; công ty bảo hiểm phi nhân thọ sẽ mua lại hoặc thành lập mới, dự kiến vốn đầu tư là 300 tỷ đồng.

10h20: Thù lao HĐQT và BKS

HĐQT trình Đại hội chấp thuận thù lao và chi phí hoạt động của HĐQT và BKS năm 2015 ở mức 2% lợi nhuận trước thuế của năm tài chính 2015 và tiếp tục thực hiện cơ chế trích thưởng 20% nếu vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Tăng vốn hơn 2,400 tỷ đồng để trả cổ tức và thưởng cho cổ đông

10h00: Ông Phan Huy Khang – Tổng giám đốc Sacombank trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ thêm 2,427.5 tỷ đồng. Bao gồm cổ phiếu thưởng cho cổ đông 10%, trả cổ tức 2013 là 8% và trả cổ tức 2014 là 12%.

Về phương án phát hành cổ phiếu thưởng, STB trình cổ đông tiếp tục thuận chủ trương như đã thông qua tại Đại hội năm trước, sử dụng 100 triệu cổ phiếu quỹ đã mua vào cuối năm 2011 và một phần thặng dư vốn cổ phần để chia cho cổ đông hiện hữu trong năm 2015 theo tỷ lệ 10% (tổng số lượng cổ phiếu chia là 114,251,159 cp).

Về phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu tổng cộng 20% (năm 2013 và 2014), STB sẽ phát hành 242,753,476 cp theo tỷ lệ 100:20.

Kế hoạch sử dụng điều lệ tăng thêm trong năm 2015 gồm đầu tư vào tài sản cố định 400 tỷ, phát triển mạng lưới và máy móc thiết bị 250 tỷ, lĩnh vực CNTT 90 tỷ, đầu tư hoạt động thẻ 60 tỷ và bổ sung vốn kinh doanh sinh lời 2,027.5 tỷ đồng.

09h50: STB trình cổ đông thông qua tỷ lệ chia cổ tức năm 2014 là 12% bằng cổ phiếu, tương đương 1,371 tỷ đồng.

Kế hoạch lãi trước thuế năm 2015 đạt 3,000 tỷ đồng

09h25: Ông Phan Huy Khang – Tổng giám đốc Sacombank trình cổ đông kế hoạch tổng tài sản năm 2015 đạt 214,550 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước. Vốn chủ sở hữu dự kiến tăng 12% lên 19,900 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ tăng 20% lên 14,853 tỷ đồng.

Ngân hàng đặt chỉ tiêu tổng nguồn vốn huy động 191,200 tỷ đồng, tăng 14%, trong đó huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 15% lên 187,500 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng dự kiến tăng 11% lên 144,900 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng tăng 13%, đạt 141,000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu không quá 2.5%.

Lợi nhuận trước thuế năm 2015 dự kiến đạt 3,000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm trước với biên độ tăng/giảm 10%. Tỷ lệ cổ tức từ 8-10%.

08h55: Ông Nguyễn Miên Tuấn – Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank trình cổ đông kết quả kinh doanh năm 2014 của Ngân hàng.

Tính đến cuối năm 2014, tổng tài sản của STB đạt 188,678 tỷ đồng, vượt 23% kế hoạch năm, tăng 18% so với đầu năm. Nguồn vốn huy động đạt 167,898 tỷ đồng và dư nợ tín dụng 130,511 tỷ đồng, tăng lần lượt 19% và 18% so với đầu năm. Nợ xấu của STB là 1,488 tỷ đồng (tỷ lệ 1.18%).

Lợi nhuận trước thuế (LNTT) năm 2014 của STB đạt 2,851 tỷ đồng, tương đương 95% kế hoạch năm (3,000 tỷ đồng), tăng 0.5% so với năm 2013. Nếu loại trừ các yếu tố bất thường do ảnh hưởng từ các khoản nợ bán VAMC, lãi trước thuế của Ngân hàng đạt 3,445 tỷ đồng, bằng 115% kế hoạch.

Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) đạt 13.21%, lợi nhuận trên một cổ phần (EPS) là 1,931 đồng.

STB cho biết đã chuyển đổi nợ thành trái phiếu VAMC 4,349 tỷ đồng trong năm 2014 (dư nợ gốc là 4,984 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch và Tổng giám đốc Eximbank dự Đại hội

08h30: Đại hội bắt đầu với sự tham dự của các cổ đông đại diện tỷ lệ 85% cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội có sự tham dự của ông Hà Thanh Hùng - Phó Chủ tịch HĐQT Eximbank và ông Phạm Hữu Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Eximbank.

Ông Phạm Hữu Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Eximbank (hàng đầu, bên phải) có mặt tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 của Sacombank diễn ra sáng ngày 21/04 tại TPHCM.

TRƯỚC ĐẠI HỘI

Tỷ lệ sáp nhập với SoutherBank là 1:0.7-0.75?

Thông tin từ ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 của SouthernBank tổ chức chiều ngày 20/04 cho thấy, đề án sáp nhập SouthernBank và Sacombank đã được hoàn thiện và trình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vào 06/02/2015. Ông Mạch Thiệu Đức – Chủ tịch HĐQT SouthernBank cho biết đề án sáp nhập đã được Cục Thanh tra giám sát NHNN thông qua và đang chờ bước cuối cùng là trình Thống đốc. Dự kiến quý 2/2015 NHNN sẽ thông qua đề án sáp nhập.

Về tỷ lệ sáp nhập, ông Trầm Bê – Cố vấn cấp cao SouthernBank kiêm Phó Chủ tịch Sacombank cho biết đã trình NHNN tỷ lệ sáp nhập giữa hai nhà băng là 1 cp SoutherBank đổi 0.75 cp Sacombank. Riêng bản thân ông Trầm Bê lại mong muốn tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1:0.7.

Minh Hằng

Các tin tức khác

>   ĐHĐCĐ MBB: Nóng với thảo luận cùng cổ đông (21/04/2015)

>   BVS: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 (21/04/2015)

>   HIG: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 (21/04/2015)

>   Vinacomin cho hợp nhất, phá sản một số đơn vị con (20/04/2015)

>   CVT: Báo cáo tài chính quý 1/2015 (20/04/2015)

>   VTS: Báo cáo tài chính quý 1/2015 (20/04/2015)

>   DHT: Báo cáo tài chính quý 1/2015 (công ty mẹ) (20/04/2015)

>   DL1: Báo cáo tài chính quý 1/2015 (20/04/2015)

>   BTP: Quý 1 lỗ nặng gần 123 tỷ đồng khi áp dụng Thông tư 200 (21/04/2015)

>   AGR: BCTC quý 1 năm 2015 (20/04/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật