[Bài cập nhật]
ĐHĐCĐ MBB: Nóng với thảo luận cùng cổ đông
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 của Ngân hàng TMCP Quân Đội (HOSE: MBB), sáng 21/04, nội dung quan trọng mới xuất hiện là tờ trình tăng vốn từ 11,594 tỷ đồng lên 16,000 tỷ đồng.
12h10: Tất cả các tờ trình đều được ĐHĐCĐ thông qua.
MBB đã xem xét 2 ngân hàng để M&A
10h30: Đại hội bắt đầu thảo luận.
Với quy mô hiện tại, mức cổ tức 10% cho năm 2015 liệu có thấp?
Về chính sách cổ tức trong năm 2015, theo tính toán của HĐQT thì mức 10% là mức hợp lý.
Trong khi đó, với quy định mới của NHNN, việc chia cổ tức đối với các ngân hàng đã có những quy định giới hạn nhất định, NHNN cũng đã có chỉ đạo với MBB về kế hoạch chi trả cổ tức tối đa 10%.
Việc đầu tư xây dựng trụ sở mới đối với MBB có đem lại hiệu quả?
Hiện tại MBB đang có trụ sở tại Cát Linh, với ước tính ban đầu sẽ là nơi làm việc dành cho 1,000 nhân viên.
Tuy nhiên, số lượng nhân viên của MBB đã tăng lên vượt qua con số này, do vậy việc xây dựng thêm trụ sở mới tại Lê Văn Lương là điều cần thiết để MBB phát triển về cả quy mô và chất lượng hoạt động.
Mức chênh lệch giá bán cho nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài lên tới 1,000 tỷ trong khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng trả giá cao cho cổ phiếu MBB, liệu MBB có thể mở thêm room đối với nhà đầu tư nước ngoài trên sàn?
Đối với giá chào bán cho cổ đông chiến lược trong nước, nếu chiết khấu giảm 25% thì mức giá bán cho cổ đông trong nước sẽ nằm trong khoảng 10,000-10,500 đồng/cp. Nếu bán ra cho cổ đông nước ngoài với mức giá bằng giá trị sổ sách thì mức giá chênh lệch sẽ khoảng 1,000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, những lợi ích cổ đông trong nước đối với MBB không chỉ tính trên giá bán. Đơn cử như cổ đông chiến lược là Tập đoàn Viettel, số lượng khách hàng mới của MBB đã tăng thêm 2 triệu nhờ việc hợp tác này, trong khi sau 20 năm phát triển, MBB cũng chỉ đạt ở mức 2 triệu khách hàng.
Về việc mở room, mục tiêu của MBB vẫn là tìm được cổ đông chiến lược nước ngoài nắm giữ từ 15-20% vốn. Theo đó, nếu mở thêm room thì room cho nhà đầu tư chiến lược sẽ giảm xuống.
Chỉ số dư nợ trên huy động vốn của ngân hàng hiện đang còn thấp so với trung bình toàn ngành, MBB có kế hoạch gì đối với việc này?
Mặc dù tỷ lệ dự nợ trên huy động không cao nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng của MBB luôn nằm trong top những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong hệ thống. Đồng thời, tính về giá trị tuyệt đối, dư nợ cho vay của MBB đã đạt hơn 100,000 tỷ đồng, trong khi ngân hàng đứng đầu đạt khoảng 121,000 tỷ đồng.
Việc xây dựng kế hoạch của MBB được dựa trên nguyên tắc tính toán rủi ro, đảm bảo khả năng thu hồi đối với các khoản nợ.
Bên cạnh đó, hoạt động đối với thị trường phi tín dụng của MBB cũng đem lại kết quả rất tốt, tỷ lệ dư nợ trên huy động chỉ ở mức 60%, không phải là vấn đề quá lớn đối với MBB.
Kế hoạch M&A đối với MBB với ngân hàng khác trong thời gian tới?
Đối với hoạt động M&A, trong các năm vừa qua MBB đã có xem xét 2 ngân hàng khác để có phương án sáp nhập. Tuy nhiên, MBB thấy rằng việc sáp nhập có thể sẽ không đem lại hiệu quả đối với hoạt động của MBB, theo đó việc sáp nhập vẫn đang trong quá trình nghiên cứu.
Với kế hoạch phát hành cho cổ đông chiến lược, MBB đã gặp mặt với các nhà đầu tư chiến lược, trong đó có cả SCIC để đảm bảo cho hoạt động tăng vốn sẽ thành công trong năm 2015.
Về giá phát hành dành cho cổ đông trong nước, việc đưa ra giá bán có chiết khấu đã được MBB đánh giá đựa trên lợi ích mà các đối tác trong nước đem lại cho MBB, hướng đến mục tiêu dài hạn.
Việc thực hiện của MBB theo Quy định 780?
Đây là quy định về phân loại nợ đối với nợ đã cơ cấu, điều chỉnh thời gian trả nợ.
Đến 01/04/2015, khi việc thực hiện Quy định 780 hết hiệu lực, hoạt động của MBB vẫn không bị ảnh hưởng quá nhiều, các khách hàng vẫn duy trì khả năng thanh toán lãi vay và trả nợ đầy đủ.
Tác động của Thông tư 36 đến hoạt động của MBB?
MBB đã tính toán đầy đủ, chặt chẽ để thực hiện theo lộ trình đối với Thông tư 36.
Thông tư 02 đã được MBB triển khai và thực hiện như thế nào, có ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của MBB trong năm 2015 hay không?
Thông tư 02 ban hành tháng 01/2013, nhưng do tình hình kinh tế đang gặp khó khăn nên NHNN đã ban hành Thông tư 09 vào tháng 03/2014 để có lộ trình thực hiện Thông tư 02.
Đến 01/04/2015, lộ trình phải thực hiện đầy đủ Thông tư 02. MBB cũng đã được NHNN thí điểm thực hiện áp các chỉ số thực hiện Thông tư 02. Quá trình thực hiện Thông tư 02 cũng đã được MBB tính toán đối với hoạt động kinh doanh trước khi lên kế hoạch 2015.
SCIC đã có kế hoạch mua 10% cổ phần MBB?
Việc SCIC công bố kế hoạch mua để sở hữu 10% cổ phần tại MBB, thể hiện sự quan tâm và mong muốn của SCIC trở thành cổ đông lớn của MBB. Đối với ngân hàng, MBB đã có việc gặp mặt và trao đổi về các quy định trở thành cổ đông chiến lược, cổ đông lớn đối với SCIC.
Giá chào bán dự kiến cho các đối tác trong và ngoài nước, bao gồm cả SCIC phải đảm bảo lợi ích cho cổ đông và theo như trong tờ trình đã đề cập.
Quan điểm của MBB về việc chia cổ tức dành cho cổ đông?
Chính sách cổ tức là vấn đề được quan tâm hàng đầu của cổ đông. MBB luôn tuân thủ nguyên tắc hài hòa giữa hoạt động và lợi ích của cổ đông.
Năm 2014, chi phí rủi ro tín dụng khiến nhiều ngân hàng không chia cổ tức cho cổ đông, trong số 12 ngân hàng có trụ sở tại TPHCM thì có 7 ngân hàng không chia cổ tức, đồng thời nhiều ngân hàng phải hạ cổ tức do lợi nhuận không đạt như kỳ vọng.
Việc chi trả cổ tức tỷ lệ 10% của MBB đã nằm trong nhóm những ngân hàng có mức chi trả cổ tức cao nhất hiện nay.
Ngân hàng Quân Đội có lạc quan khi kế hoạch tăng vốn lên 15,500 tỷ trong năm 2014 chưa được thực hiện đã lên kế hoạch tăng vốn 2015?
Trong năm 2014, do kinh tế khó khăn, MBB không thể tìm được đối tác phù hợp đối với hoạt động tăng vốn của ngân hàng, do vậy kế hoạch tăng vốn trong năm 2014 chưa thực hiện được.
Kế hoạch tăng vốn năm 2015 nhằm tăng năng lực hoạt động, củng cố cơ cấu vốn chủ sở hữu, quản trị ngân hàng đối với MBB. Theo đó, HĐQT đã xây dựng các phương án để việc tăng vốn khả thi trong năm 2015.
Dẫn đầu về ROA và ROE
09h20: Ông Lê Công – Tổng Giám đốc MBB cho biết, năm 2014 là năm thứ ba liên tiếp MBB giữ vị trí dẫn đầu trong hệ thống ngân hàng TMCP về lợi nhuận và các chỉ tiêu chất lượng (ROA, ROE).
Các chỉ số hiệu suất sinh lời như ROA đạt 1.31%, ROE đạt 15.8%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 10.07%. Tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn là 19.03%. Nợ xấu kiểm soát dưới 3% (2.73%).
Lãi trước thuế MB group đạt 3,174 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận riêng ngân hàng đạt 3,003 tỷ đồng, đứng đầu các NHTMCP.
08h40: ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 MBB bắt đầu với sự tham gia của 392 cổ đông, đại diện cho 72.42% cổ phần có quyền biểu quyết.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 của MBB diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 21/04
|
TRƯỚC ĐẠI HỘI
Tăng vốn lên 16,000 tỷ, phát hành 360 triệu cp cho đối tác chiến lược
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 của Ngân hàng TMCP Quân Đội (HOSE: MBB), sáng 21/04, nội dung quan trọng mới xuất hiện là tờ trình tăng vốn từ 11,594 tỷ đồng lên 16,000 tỷ đồng.
Cụ thể, HĐQT sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ thêm 4,406 tỷ đồng. Lộ trình tăng vốn sẽ chia làm 3 đợt:
- Đợt 1: Phát hành 34.78 triệu cổ phiếu để trả cổ tức đợt 2/2014 theo tỷ lệ 3% trong quý 2-3/2015.
- Đợt 2: Chào bán 15.22 triệu cổ phiếu cho cán bộ nhân viên với giá 10,000 đồng/cp dự kiến trong quý 2-3/2015.
- Đợt 3: Chào bán 390.6 triệu cổ phiếu cho cổ đông/đối tác chiến lược trong và ngoài nước trong quý 2-4/2015, giá chào bán được chia 2 trường hợp:
+) Cho cổ đông/đối tác chiến lược trong nước: Giá thỏa thuận có chiết giảm, mức giảm tối đa 25% giá thị trường nhưng không thấp hơn mệnh giá.
+) Cho cổ đông/đối tác chiến lược nước ngoài: Giá thỏa thuận trên cơ sở tham khảo giá thị trường cộng với biên độ phù hợp nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách cộng với biên độ nhất định.
Tại ngày 20/04, cổ phiếu MBB đang được giao dịch ở mức 13,600 đồng/cp, thấp hơn giá trị sổ sách là 14,284 đồng/cp. Theo đó, nếu cổ phiếu MBB không có sự biến động đáng kể, mức giá cổ đông chiến lược, đối tác chiến lược nước ngoài phải trả sẽ cao hơn nhiều so với mức giá bán dành cho đối tác trong nước.
Về phương án sử dụng vốn sau khi tăng vốn lên 16,000 tỷ đồng, MBB dự kiến sẽ đầu tư vào:
- Xây dựng trụ sở hoạt động, văn phòng chi nhánh, đầu tư công nghệ và trang thiết bị khác cần thiết cho hoạt động ổn định và phát triển 1,651 tỷ đồng.
- Bổ sung vốn góp công ty con và đầu tư góp vốn khác 1,199 tỷ đồng.
- Bổ sung vốn kinh doanh khác: 1,556 tỷ đồng.
Kế hoạch lãi trước thuế 3,250 tỷ, chi trả cổ tức 10%
Năm 2015, MBB dự kiến tăng trưởng tài sản từ 8-10%; huy động vốn dân cư, tổ chức kinh tế tăng khoảng 8%; trưởng dư nợ cho vay 13-15%; lợi nhuận trước thuế khoảng 3,250 tỷ đồng (riêng ngân hàng là 3,150 tỷ đồng) và cổ tức 10%.
Mục tiêu trong năm 2015 của MBB là hoàn thành chỉ tiêu chiến lược 5 năm từ 2011-2015 đảm bảo nằm top 5 trong hệ thống các ngân hàng thương mại.
Được biết trong năm 2014, các chỉ tiêu như tổng tài sản, huy động vốn, dư nợ cho vay, lợi nhuận trước thuế của MBB đều vượt kế hoạch đề ra. Tổng tài sản hợp nhất đạt 200,489 tỷ đồng tăng 11% so với năm 2013. Tổng tài sản riêng của ngân hàng đạt 198,411 tỷ đồng, quy mô đứng đầu các NHTMCP, trong top 5 NHTM. Huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế (riêng ngân hàng) đạt 167,941 tỷ, tăng 23% so với 2013, gấp 1.5 lần so với tốc độ tăng trưởng huy động vốn bình quân ngành (15.5%), vượt 12% kế hoạch. Dư nợ cho vay riêng ngân hàng đạt 100,571 tỷ, tăng 14% so với 2013, cao hơn mức trung bình ngành.
Thu nhập ngoài lãi MB group đạt 1,767 tỷ đồng, tăng 15% so với 2013. Hoạt động kinh doanh tiền tệ duy trì an toàn, hiệu quả với thu nhập trước dự phòng ước đạt 2,195, tăng trưởng 40% so với năm 2013 và vượt 35% kế hoạch.
Lãi trước thuế MB group đạt 3,174 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận riêng ngân hàng đạt 3,003 tỷ đồng, đứng đầu các NHTMCP.
Mức cổ tức dự kiến chi trả năm 2014 cũng đạt tỷ lệ 10%, trong đó 7% tiền mặt đã được tạm ứng trong năm 2014 và 3% cổ phiếu sẽ được thực hiện khi cổ đông thông qua tại Đại hội.
Về phát triển mạng lưới, MBB đã đạt 224 điểm giao dịch ở 50 tỉnh thành trên cả nước và hai chi nhánh quốc tế tại Lào, Campuchia; tăng 13 điểm so với năm 2013.
Minh Tuấn
|