Thứ Hai, 20/04/2015 06:43

Tiếp tục câu hỏi “giải thoát” nợ xấu

Theo quy định mới, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) sẽ được phát hành trái phiếu để lấy tiền mua nợ theo giá thị trường. Nếu chỉ cho các tổ chức tín dụng trong nước được mua trái phiếu của VAMC thì chẳng khác gì lấy mỡ nó rán nó.

Hết quí 1-2015, VAMC đã mua vào khoảng 6.000 tỉ đồng nợ xấu trên sổ sách từ 6-7 tổ chức tín dụng (TCTD), Chủ tịch công ty, ông Nguyễn Quốc Hùng, cho TBKTSG biết. Ngoài ra,  số nợ xấu mà các ngân hàng đã gửi hồ sơ để VAMC xem xét lên tới khoảng 13.000 tỉ đồng. Kết quả này theo ông Hùng là khá lạc quan. Ông cho rằng mục tiêu cuối năm 2015 gom về khoảng 200.000 tỉ đồng nợ xấu không khó. Khi tổng doanh số nợ mua được lên mức khoảng 200.000 tỉ đồng, VAMC mới thật sự bắt tay tập trung vào xử lý số nợ xấu đã mua.

Như vậy, tính từ khi ra đời đến hết tháng 3-2015, VAMC đã gom tổng cộng 129.000 tỉ đồng nợ xấu trên sổ sách từ hệ thống tín dụng. Trong đó, VAMC đã thu hồi nợ và phát mại tài sản đảm bảo hơn 6.200 tỉ đồng.

VAMC dựa vào gì?

Ông Hùng từng chia sẻ VAMC sẽ triển khai mua nợ theo giá thị trường sau khi được bổ sung vốn điều lệ. Trước mắt, VAMC sẽ trình NHNN cho mua thí điểm khoản nợ nhỏ để rút kinh nghiệm triển khai khi đủ điều kiện về nguồn lực. Lộ trình mua nợ xấu theo giá thị trường dự kiến: năm 2014 mua từ 100-200 tỉ đồng, năm 2015 mua tối thiểu 1.500 tỉ đồng.

Ông Hùng cho biết, theo kế hoạch, đến 2016, VAMC sẽ xử lý, thu hồi 40.000 tỉ đồng/200.000 tỉ đồng nợ xấu mua được. Như vậy, VAMC sẽ còn quản lý 160.000 tỉ đồng. Trong số đó, TCTD đã trích dự phòng tối đa khoảng 50% giá trị nợ xấu đã mua, do vậy, việc đàm phán mua nợ xấu theo giá trị phù hợp tại thời điểm xử lý theo giá thị trường sẽ thuận lợi hơn và có thể xử lý phát mại nhanh hơn.

Ngân hàng vốn đau ốm vì nợ xấu, nay lấy tiền ngân hàng đi mua trái phiếu của VAMC để VAMC lấy tiền đó đi mua nợ xấu của chính ngân hàng thì chuyện xử lý nợ xấu sẽ đi đến đâu

Nghị định 34/2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53 về hoạt động của VAMC) mới ra đời đã giải quyết một số điểm quan trọng về pháp lý để VAMC đẩy nợ đi nhanh hơn, qua việc Chính phủ chính thức yêu cầu Bộ Công an cùng với địa phương có nợ xấu phối hợp với VAMC thu giữ tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu trong quá trình xử lý nợ. Việc này rất quan trọng vì hầu hết quá trình thu nợ, phát mãi, xử lý tài sản bảo đảm thời gian qua chậm vì vướng ở những cơ quan địa phương, những nơi liên quan đến nhà đất (chiếm 80% giá trị tài sản bảo đảm của các khoản nợ mà VAMC đã mua về). Thực tế thời gian qua, các khoản nợ lớn khi xử lý đều không đạt đồng thuận giữa ba bên là ngân hàng, con nợ và VAMC nên thường một bên nào đó đơn phương kiện ra tòa thì tiến trình xử lý cực kỳ khó khăn.

Một tia sáng mới trong quá trình xử lý nợ là nếu kinh tế thực sự tốt lên như các báo cáo về kinh tế quí 1, thì doanh nghiệp tự hồi phục sức khỏe, tài sản ngân hàng tốt lên và nợ xấu vì thế sẽ giảm tự nhiên.

Trong khi vốn ngoại vẫn đứng ngoài cuộc chơi?

Thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á vào những năm 1997-1998, phần lớn các nước Đông Á đã thành lập các công ty quản lý tài sản (AMC) trực thuộc nhà nước nhằm xử lý nợ xấu đồng thời thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Các công ty này được chính phủ tài trợ vốn và tổ chức tập trung, có quyền hạn đặc biệt trong việc xử lý nợ xấu. Danaharta của Malaysia có quyền tịch biên tài sản thế chấp. TAMC của Thái Lan cũng sử dụng quyền hạn của mình để buộc khách hàng phải đàm phán về việc thanh toán các khoản nợ.

Mặc dù sự ra đời của VAMC đi kèm với tuyên bố xử lý nợ xấu không dùng ngân sách song điều này chưa hẳn đúng. Vốn điều lệ 2.000 tỉ đồng công ty được cấp là từ ngân sách. Hiện nay, do VAMC chưa thu được phí thu nợ của các TCTD nên lãi tiền gửi của nguồn vốn tự có này cũng là nguồn quan trọng cho công ty vận hành. Trái phiếu đặc biệt hiện nay do VAMC phát hành khi mua nợ xấu, nếu các ngân hàng đem tái cấp vốn tại NHNN lấy tiền thì đó cũng là tiền của Nhà nước.

Theo Nghị định 34 thì VAMC sẽ được phát hành trái phiếu để lấy tiền mua nợ theo giá thị trường. Song, theo chúng tôi được biết, văn bản hướng dẫn Nghị định dự kiến trước mắt chỉ cho các TCTD trong nước được mua trái phiếu của VAMC. Trái phiếu này được phát hành bao nhiêu phải do NHNN tính toán trên lượng cung tiền mỗi thời kỳ. Nếu quy định này được áp dụng, cơ hội “giải thoát” các khoản nợ sẽ bị thu hẹp rất lớn bởi nó ngăn nguồn tiền từ nước ngoài đổ vào việc mua nợ. Cái mà chúng ta cần, là tiền thật để xử lý nợ mà tiền đó hiện dồi dào nhất từ các tổ chức nước ngoài. Nếu ngăn nguồn tiền này, chỉ dùng tiền của TCTD trong nước, thì không khác gì lấy mỡ nó rán nó! Nợ luẩn quẩn chạy lòng vòng trong hệ thống, biết ngả nào ra? Tiền từ các ngân hàng đem đi mua trái phiếu dù không phải là ngân sách song nó gây thêm những băn khoăn mới. Ngân hàng vốn đau ốm vì nợ xấu, nay lấy tiền ngân hàng đi mua trái phiếu của VAMC để VAMC lấy tiền đó đi mua nợ xấu của chính ngân hàng thì chuyện xử lý nợ xấu sẽ đi đến đâu?

Tiền ngoại vẫn đứng ngoài cuộc chơi xử lý nợ. Việc cho nước ngoài mua nợ chưa có đèn xanh bởi theo quan điểm của Chính phủ thì Luật Đầu tư chưa hướng dẫn nên VAMC nếu muốn bán nợ chỉ được bán cho các công ty được cấp phép với chức năng mua bán xử lý nợ trong nước như DATC, các AMC của các ngân hàng. Dù đã gặp gỡ nhiều tổ chức nước ngoài muốn tham gia mua bán nợ nhưng tới nay chưa có một món nào được nước ngoài mua. Không có tiền thật thì việc khẳng định VAMC sẽ là lối thoát cho nợ xấu là điều không ai dám to tiếng.

Hồng Phúc

tbktsg

Các tin tức khác

>   Gói 30.000 tỷ: Ngân hàng không dám giải ngân bởi 'sợ'... (20/04/2015)

>   Techcombank: Không chia cổ tức năm 2014 (18/04/2015)

>   Mập mờ lãi suất (18/04/2015)

>   ĐHĐCĐ HDBank: Tiếp tục tìm đối tác nước ngoài, chọn thời điểm thích hợp niêm yết (18/04/2015)

>   Tỷ giá ngóng trời Tây (17/04/2015)

>   Thêm 4 ngân hàng được tham gia chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở  (17/04/2015)

>   Ai bảo vệ người vay vốn? (17/04/2015)

>   Ngân hàng Nam Á xếp thứ hai về chi trả cổ tức tại khu vực TPHCM (17/04/2015)

>   4 thành viên nào của MHB sẽ ngồi ghế HĐQT tại BIDV? (17/04/2015)

>   Eximbank: Quý 1 lãi ròng riêng lẻ 422 tỷ đồng, tăng 23%, nợ xấu 2.46% (17/04/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật