Thứ Sáu, 20/03/2015 08:57

Đại hội E1VFVN30: Nước ngoài nắm hơn 22% quỹ ETF, không phân phối lợi nhuận năm 2014

Công ty Quản lý quỹ Việt Nam (VFM), đơn vị quản lý Quỹ ETF VFMVN30 (E1VFVN30) cho biết có khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến Quỹ, tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài khoảng hơn 22%.

Không phân phối lợi nhuận năm 2014

Đại hội Nhà đầu tư thường niên năm 2015 của quỹ E1VFVN30 diễn ra vào chiều ngày 19/03/2015 với sự tham dự của 14 nhà đầu tư, đại diện tỷ lệ sở hữu 64.92%.

Quỹ đã thực hiện huy động vốn và kết thúc đăng ký vốn vào ngày 14/08/2014 với tổng giá trị góp vốn đạt 202 tỷ đồng, tương ứng 20.2 triệu ccq. Đến ngày 06/10/2014, Quỹ chính thức niêm yết trên HOSE và là quỹ hoán đổi danh mục đầu tiên tại Việt Nam.

Từ khi hoạt động đến hết ngày 31/12/2014, giá trị tài sản ròng trên chứng chỉ quỹ của E1VFVN30 giảm 6.9% phản ánh xu hướng giảm của thị trường. Chỉ số tham chiếu VN30 giảm 7.4%, và mức chênh lệch tăng trưởng giữa Quỹ và chỉ số VN30 là 0.5%. Với kết quả này, Quỹ không phân phối lợi nhuận cho năm 2014.

Nguyên nhân chênh lệch mà VFM đưa ra là do quỹ được nhận cổ tức bằng tiền mặt từ các cổ phiếu trong rổ VN30 nhưng bản thân chỉ số VN30 không ghi nhận giá trị gia tăng cổ tức trong sự tăng trưởng của chỉ số. Trong suốt quá trình hoạt động, Quỹ đã mô phỏng chỉ số tham chiếu VN30 với mức sai lệch (tracking error) giữa Quỹ và chỉ số VN30 là 0.32%.

Phân tích lợi nhuận theo ngành, trong kỳ, nhiều ngành trong danh mục của quỹ giảm mạnh, trong đó hai ngành giảm nhiều nhất là ngành năng lượng và bảo hiểm với mức giảm tương ứng 24.6% và 24.2%. Trong đó, ngành năng lượng có tỷ trọng lớn nhất trong danh mục, ảnh hưởng vào lợi nhuận chung của quỹ là -1.5%.      

Được biết, số lượng nhà đầu tư tính đến cuối năm 2014 tăng từ 9 lên 304 nhà đầu tư. Số chứng chỉ quỹ phát hành thêm trong kỳ là 4.1 triệu ccq, tương đương 41 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng đã rút ra số vốn này, đưa vốn của quỹ quay về mức ban đầu là 20.2 triệu ccq, tương đương 202 tỷ đồng. NAV tính đến cuối năm 2014 là 188 tỷ đồng, với giá trị tài sản ròng trên chứng chỉ quỹ là 9,311.8 đồng.

Kinh tế Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ biến động toàn cầu trong 2015

Tại đại hội, nhận định về tình hình kinh tế đầu tư trong năm 2015, đại diện từ Quỹ cho biết nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi nhưng sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ biến động của kinh tế toàn cầu.

Trong đó, biến động lớn nhất là tăng trưởng toàn cầu sẽ phụ thuộc vào các nước phát triển. Việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sẽ khiến thị trường toàn cầu hứng chịu nhiều tác động trong năm 2015. Theo thống kê của VFM, sau khi Fed tăng lãi suất, nhiều nước mới nổi trên thế giới sẽ có khủng hoảng về tiền tệ, nợ công… Vị này nhận định triển vọng tăng lãi suất của Fed sẽ có thể xảy ra vào tháng 9/2015 thay vì tháng 6/2015 như nhiều phán đoán khác. Đặc biệt, sóng gió trên thị trường toàn cầu sẽ cao hơn khi Fed tăng thêm lãi suất vào năm 2016.

Thứ hai là suy giảm thanh khoản toàn cầu, dòng tiền nước ngoài vào Việt Nam thời điểm này khoảng 50 triệu USD, chỉ bằng ½ cùng kỳ năm trước (thời điểm cao nhất trong năm 2014 là 300 triệu USD). Dòng tiền nước ngoài chảy vào Việt Nam sẽ không được như năm 2014 do ảnh hưởng toàn cầu đối với TTCK VN là rất lớn.

Thứ ba là giá dầu tiếp tục thấp trong dài hạn, nếu phục hồi thì khoảng cuối năm nay nhưng sẽ khó quay lại mức cao như trước.

Tuy nhiên, VNĐ không mất giá nhiều so với USD trong thời gian qua, vị này nhận định không quá lo lắng về tỷ giá trong năm 2015 do NHNN có thể kiểm soát được vấn đề này với dự trữ ngoại hối 40-42 tỷ USD, nhà đầu tư nước ngoài yên tâm hơn vào vị thế của VNĐ so với các năm trước (áp lực sẽ cao hơn vào năm 2016). Bên cạnh đó, lãi suất cũng đang thấp nhất trong 8-10 năm gần đây, nếu lạm phát tiếp tục duy trì thấp, cơ hội giảm lãi suất sẽ cao và là tiền đề tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới.

Đặc biệt, sản xuất của Việt Nam đang mở rộng, vốn 12-13 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tập trung vào lĩnh vực sản xuất và chế biến (trước đây là vào bất động sản, du lịch…). Do đó lĩnh vực sản xuất sẽ tiếp tục dẫn dắt nền kinh tế đi lên từ năm 2015.

Bên cạnh đó, các chỉ số niềm tin kinh doanh, niềm tin người tiêu dùng, chỉ số tiêu thụ ô tô, nhà… tăng chứng tỏ niềm tin đã quay trở lại, tạo sự phục hồi cho nền kinh tế như bất động sản, ngân hàng…

Do đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ không có nhiều lo lắng về nội tại mà mối quan tâm là sự liên đới từ các thị trường toàn cầu khác. Trong năm 2015, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi, tuy nhiên vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ biến động kinh tế toàn cầu.

Minh Hằng

Các tin tức khác

>   Gần 60 triệu USD đã chảy vào Market Vectors Vietnam ETF trước kỳ cơ cấu quý 1/2015 (17/03/2015)

>   Tại sao V.N.M bất ngờ thêm KBC, KDC và xu hướng của khối ngoại? (16/03/2015)

>   MBB: Hai quỹ đầu tư VTF và JAMBF đăng ký mua hơn 2,5 triệu cp (12/03/2015)

>   Review V.N.M ETF: DRC bị loại hay danh mục không có thay đổi? (10/03/2015)

>   KBC và KDC vào rổ tính Market Vectors Vietnam Index từ 20/03, 2 cổ phiếu nước ngoài bị loại (14/03/2015)

>   Market Vectors Vietnam ETF “hút tiền” trước tuần đảo danh mục (10/03/2015)

>   FTSE Vietnam Index loại HSG, CSM và OGC (06/03/2015)

>   FTSE Vietnam ETF cơ cấu danh mục: Loại OGC, CSM, HSG và không thêm cổ phiếu nào? (03/03/2015)

>   Market Vectors Vietnam ETF nhận “lì xì khủng” gần 12 triệu USD (03/03/2015)

>   E1VFVN30: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng trong kỳ từ ngày 12/02/2015 đến ngày 26/02/2015 (27/02/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật