“Lột xác” đường sắt
Theo kế hoạch, song song với tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu sẽ có một tuyến đường sắt tốc độ cao, chỉ mất nửa ngày đi từ Hà Nội vào TPHCM
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết cùng với việc nâng cấp các tuyến đường sắt hiện hữu, những năm tới sẽ có hàng loạt tuyến đường sắt được xây mới, trong đó có tuyến đường sắt khổ đôi tốc độ xấp xỉ 200 km/giờ. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định: “Với việc xây dựng một tuyến đường sắt này, hành khách sáng ăn phở Hà Nội, tối có thể uống cà phê ở TPHCM”.
Nhiều tuyến mới
Ngày 10-2, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 214/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2020, ngành đường sắt đáp ứng khoảng 1%-2% thị phần vận tải hành khách, 1%-3% thị phần vận tải hàng hóa, 4%-5% thị phần vận tải hành khách đô thị tại Hà Nội và TPHCM. Giai đoạn từ năm 2020-2030, đáp ứng 3%-4% thị phần vận tải hành khách, 4%-5% thị phần vận tải hàng hóa, 15%-20% thị phần vận tải hành khách đô thị tại Hà Nội và TPHCM. Đến năm 2050, đáp ứng tối thiểu 5%-8% thị phần vận tải hành khách và 5%-6% thị phần vận tải hàng hóa.
Trong tương lai, hành khách đi tàu từ Hà Nội vào TPHCM chỉ mất nửa ngày. Ảnh: Tấn Thạnh
|
Trước mắt, từ nay đến năm 2020, ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam để đạt tốc độ bình quân 80-90 km/giờ đối với tàu khách và 50-60 km/giờ đối với tàu hàng. Bên cạnh đó, tập trung nâng cấp các tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai, Gia Lâm - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn và đưa vào khai thác toàn tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.
Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao với đường đôi khổ 1.435 mm như đã nói trên, cùng với tuyến mới Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, TP HCM - Cần Thơ, Hải Phòng - Lạch Huyện; các tuyến nối với các cảng biển lớn, khu công nghiệp, khu du lịch. Ngoài ra, cũng sẽ có tuyến đường sắt Vũng Áng - Cha Lo (Mụ Giạ) kết nối với đường sắt của Lào tại Thà Khẹt, tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh kết nối với đường sắt xuyên Á.
Bộ GTVT cho biết trong giai đoạn này, ưu tiên đầu tư các tuyến có nhu cầu vận tải lớn, phù hợp với quy hoạch và khả năng huy động vốn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM.
10 tỉ USD nâng cấp đường sắt Bắc - Nam
Trước khi Thủ tướng phê duyệt chiến lược trên, Cục Đường sắt cũng đã gửi Bộ GTVT tờ trình quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam. Tới đây, Bộ GTVT sẽ tổ chức lấy ý kiến của 5 bộ, ngành liên quan và 21 tỉnh, thành phố có tuyến đường sắt Thống Nhất đi qua. “Các mục tiêu cơ bản của quy hoạch này phù hợp với chiến lược được Thủ tướng phê duyệt, chỉ phải chỉnh sửa lộ trình thực hiện” - ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Đường sắt Việt Nam, nói.
Theo quy hoạch, tổng mức đầu tư hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam tại phương án cơ sở khoảng hơn 8,9 tỉ USD, phương án cao khoảng 10,2 tỉ USD, sử dụng các nguồn vốn ngân sách, trái phiếu, vốn ODA kết hợp vốn đối ứng của Chính phủ, vốn BOT hoặc BT, vốn từ các tổ chức doanh nghiệp tư nhân kinh doanh khai thác vận tải. Trong giai đoạn đến năm 2020, quy hoạch chọn phương án cơ sở với tốc độ tàu khách đạt bình quân 80 km/giờ, tàu hàng 50 km/giờ, vận chuyển hành khách đạt 15 triệu hành khách/năm và hàng đạt 5 triệu tấn/năm.
Ông Nguyễn Văn Doanh cho biết thêm song song với việc đầu tư hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam sẽ cải tạo tuyến đường cong đầu Bắc ga Thanh Hóa, tuyến đường sắt qua khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa, mở mới ga chính Hà Tĩnh, hàn ray những đoạn có tốc độ lớn nhất trên 100 km/giờ. Thêm vào đó, đầu tư một số đoạn tuyến đường sắt đôi từ Hà Nội (Ngọc Hồi) - Phủ Lý; TPHCM - Biên Hòa thuộc dự án Trảng Bom - Hòa Hưng và đoạn Huế - Đà Nẵng; mua sắm 14 đầu máy kéo tàu khách và 24 đầu máy kéo tàu hàng cùng hơn 680 toa xe cả khách và hàng nhằm bảo đảm chạy 2 đôi tàu khách theo tốc độ cao nhất đạt 120 km/giờ và 2 đôi tàu hàng đạt 100 km/giờ.
Năm 2015 sẽ có 2 đoàn tàu “5 sao”
Ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho rằng đổi mới là nhu cầu tự thân và là con đường tất yếu để phát triển bởi ngành đường sắt đã ngủ vùi trong sự trì trệ quá lâu. Năm 2015, Tổng Công ty Đường sắt sẽ tiếp tục đổi mới quyết liệt hơn nữa về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng; đầu tư toa xe hiện đại. Theo ông Thành, năm 2015 sẽ nhập về 2 đoàn tàu hiện đại với tiêu chuẩn từ “5 sao” trở lên.
|
Văn Duẩn
người lao động
|