Xây dựng vùng lúa nguyên liệu: Áp đặt có tốt hơn tự nguyện?
Từ ngày 1-3, thương nhân (doanh nghiệp) tham gia xuất khẩu gạo bắt buộc phải xây dựng vùng nguyên liệu theo lộ trình đã được Bộ Công Thương đề ra. Thế nhưng việc áp đặt bằng mệnh lệnh hành chính này - khi còn những vấn đề chưa giải quyết xong - liệu có giúp ngành lúa gạo đột phá, nông dân thật sự được lợi?
Xuất khẩu càng nhiều, vùng nguyên liệu phải càng lớn
Quyết định số 606/QĐ-BCT của Bộ Công Thương mới ban hành về lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo giai đoạn 2015-2020 buộc doanh nghiệp xuất khẩu phải có vùng nguyên liệu tương ứng với khối lượng đã bán trước đó.
Thu hoạch lúa trong mô hình cánh đồng lớn ở ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh
|
Cụ thể, đối với doanh nghiệp xuất khẩu dưới 50.000 tấn gạo/năm, trong năm đầu phải xây dựng vùng nguyên liệu là 500 héc ta và từ năm thứ hai trở đi cho đến năm 2020 sẽ tăng thêm 300 héc ta/năm; doanh nghiệp xuất từ 50.000 đến dưới 100.000 tấn/năm thì năm đầu xây dựng 800 héc ta và những năm sau tăng thêm 500 héc ta/năm. Tương tự, doanh nghiệp xuất từ 100.000 đến dưới 200.000 tấn/năm, xây dựng 1.200 héc ta ở năm đầu và những năm sau tăng thêm 800 héc ta/năm; doanh nghiệp xuất từ 200.000 tấn/năm, thì xây dựng vùng nguyên liệu 2.000 héc ta ở năm đầu và những năm sau tăng thêm 1.500 héc ta/năm.
Về hình thức triển khai, Bộ Công Thương cũng đưa ra ba phương thức để doanh nghiệp lựa chọn: (i) xây dựng dự án hoặc phương án cánh đồng lớn; (ii) ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo với nông dân hoặc đại diện của nông dân; (iii) xây dựng vùng nguyên liệu thuộc quyền quản lý, sử dụng của doanh nghiệp trên diện tích đất được Nhà nước giao/cho thuê/nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất, hoặc thuê đất của các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân để sản xuất lúa.
Nói về vấn đề trên, ông Lê Thanh Tùng, Phó phòng phụ trách vùng Nam bộ của Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khẳng định: “Bắt buộc doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu là hoàn toàn chính xác và hợp lý”.
Sau hơn bốn năm triển khai mô hình cánh đồng lớn, tiền thân là cánh đồng mẫu lớn, ông Lê Thanh Tùng - Cục Trồng trọt - cho biết dự kiến trong vụ đông xuân 2014-2015, toàn vùng ĐBSCL chỉ có khoảng 150.000/1,6 triệu héc ta lúa sản xuất được doanh nghiệp liên kết bao tiêu với nông dân.
|
Theo ông Tùng, vùng nguyên liệu giúp doanh nghiệp có sự ổn định về sản lượng, giá cả, chủ động thời gian giao hàng... Mặt khác, nếu không có vùng nguyên liệu, doanh nghiệp không phát triển thương hiệu được vì sản xuất, chất lượng không ổn định. Hơn nữa, vùng nguyên liệu là nơi để nông dân và doanh nghiệp ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro. “Khi giá tăng thì doanh nghiệp chia sẻ với nông dân, ngược lại khi giá giảm, nông dân cũng chia sẻ với doanh nghiệp”, ông Tùng nói.
Trao đổi với TBKTSG, một số người trong cuộc cho rằng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo là xu hướng tất yếu, nhưng việc này phải được thực hiện theo “cơ chế thị trường” và phải trên tinh thần tự nguyện từ hai phía chứ không nên theo tư duy hành chính như quyết định của Bộ Công Thương.
Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre), đưa ví dụ một doanh nghiệp xuất khẩu gạo thơm, có thị trường riêng, họ bắt buộc phải có vùng nguyên liệu ổn định để lúc nào cũng có thể đáp ứng nhu cầu khách hàng. Và như vậy, họ phải đặt hàng nông dân sản xuất đúng quy trình, đúng yêu cầu chất lượng. Đây là việc tất yếu, không cần bắt buộc doanh nghiệp cũng phải làm.
Theo một người am hiểu tình hình lúa gạo (không muốn nêu tên), trong ngắn và trung hạn, ngành lúa gạo trong nước tiếp tục cạnh tranh gay gắt với Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan và xa hơn nữa là Campuchia, Myanmar. Trong bối cảnh đó, việc liên kết sản xuất liệu có khả thi?
Theo vị này, bản chất của liên kết là tổ chức lại sản xuất để làm sao có giá thành sản phẩm thấp nhất, chất lượng tốt nhất, từ đó nâng cao được thu nhập của nông hộ. Muốn làm được như vậy thì phải tổ chức sản xuất lớn, giải phóng bớt sức lao động trên một đơn vị diện tích sản xuất lúa để chuyển sang những công việc khác.
“Nếu trước và sau liên kết, lượng lao động vẫn như nhau thì chẳng những không giảm được giá thành mà doanh nghiệp còn tốn thêm chi phí đi ký kết hợp đồng với từng hộ nông dân”, ông nói.
Khi đã liên kết mà không giảm được giá thành hạt lúa, trong khi vẫn phải đảm bảo lợi nhuận của nông dân tham gia liên kết cao hơn sản xuất bên ngoài, doanh nghiệp bắt buộc phải bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường, như vậy làm sao cạnh tranh cho đầu ra của hạt gạo khi hoạt động xuất khẩu đang vận hành theo “cơ chế thị trường”?
Bài học đắt giá
Có thể thấy bài toán đầu ra cho hạt gạo quyết định sự thành bại của mối liên kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân.
Xem thêm tại đây
Trung Chánh
tbktsg
|