Thứ Năm, 12/02/2015 08:42

Bêu tên doanh nghiệp vận tải giảm giá chậm

Bộ Tài chính quyết định "bêu tên" 8 doanh nghiệp giảm giá cước nhỏ giọt và 1 doanh nghiệp vi phạm. Trong số này, có nhiều thương hiệu lớn như Mai Linh, Hoàng Long, Nội Bài...

Mới phạt 1 doanh nghiệp

Công bố tại cuộc họp báo chiều 11/2, Bộ Tài chính cho biết, 3 đoàn công tác liên ngành đã kiểm tra trực tiếp 40 đơn vị kinh doanh vận tải tại Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, TpHCM, là địa bàn có nhu cầu sử dụng taxi và xe khách lớn tại 3 khu vực. Trong số này, có 26 hãng taxi và 14 hãng xe khách tuyến cố định.

Kết quả kiểm tra cho thấy, 9 doanh nghiệp vận tải giảm cước rất hạn chế, chưa phù hợp với mức giảm sâu giá xăng dầu, đều tập trung ở Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương. Đáng chú ý, đây đều là các thương hiệu lớn trong ngành kinh doanh taxi và xe khách.

Cụ thể, tại Hà Nội, kiểm tra 16 công ty taxi thì có 3 công ty taxi giảm giá còn nhỏ giọt. Đó là công ty TNHH Mạnh Trường Bình, công ty CP dịch vụ hàng không Sân bay Nội Bài (NAS) và Hợp tác xã vận tải Nội Bài.

Hà Nội kiểm tra 4 công ty xe khách thì có 2 công ty lớn còn cứng đầu giảm ít là Xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội và Chi nhánh Hà Nội của Công ty TNHH Hoàng Long.

Tại Đà Nẵng, đoàn công tác liên ngành chỉ kiểm tra 2 công ty taxi và 2 công ty xe khách. Trong đó, đoàn phát hiện 1 trường hợp taxi giảm giá còn mang tính hình thức là công ty cổ phần taxi Mai Linh miền Trung. Cả 2 công ty xe khách cũng đều giảm ở mức quá khiêm tốn gồm công ty CP xe khách và dịch vụ thương mại Đà Nẵng và Công ty CP vận tải và dịch vụ du lịch Hải Vân. Đặc biệt, riêng công ty Hải Vân còn có 10 tuyến chưa giảm giá tại thời điểm kiểm tra.

Tại Bình Dương, kiểm tra 2 công ty xe khách thì có 1 công ty bị lập biên bản vi phạm hành chính hành vi kê khai giá cước không hợp lý, chưa kịp thời, chưa đúng quy định, thiếu bảng giải trình chi tiết các khoản chi phí vận tải kèm theo hồ sơ kê khai giá cước, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 109/2013/NĐ-CP. Đó là trường hợp của Hợp tác xã vận tải đường bộ TP. Thủ Dầu Một và cũng là doanh nghiệp duy nhất bị xử phạt trong đợt kiểm tra này. Đoàn công tác đã chuyển Thanh tra Bộ Tài chính ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.

Còn lại, 8 công ty vận tải ở Tp HCM và 4 công ty ở Đồng Nai đều được đánh giá là đã giảm cước kịp thời phù hợp với mức giảm của giá xăng dầu vừa qua.

"Chạy" kê khai giá

Chia sẻ tại cuộc họp báo, ông Đặng Ngọc Tuyến, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết: "Thời gian thanh tra, kiểm tra chỉ có 5 ngày nên đoàn làm việc phải rất khẩn trương. Nhờ sự tách bạch được chi phí giữa tiền công, khấu hao, chi phí nhiên liệu, chúng tôi đã phát hiện, chi phí nhiên liệu doanh nghiệp taxi chiếm từ 37-42% trong giá thành nội bộ, phổ biến 27-32%... Đây là căn cứ để đánh giá mức độ giảm giá của doanh nghiệp có phù hợp hay không".

"Chúng tôi cũng phát hiện ra hiện tượng “lách luật” của doanh nghiệp taxi. Đoàn thanh tra lấy mức bình quân phổ biến từ km mở cửa đến km thứ 20, và từ km số 1 đến km số 30 để tính toán, xác định việc giảm giá cước", ông Tuyến cho biết.

Bến xe Mỹ Đình.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính lưu ý, kết cấu giá cước vận tải còn bao gồm chi phí nhân công, chi phí sửa chữa, khấu hao. Với doanh nghiệp đã điều chỉnh tăng cước trước đây, khi giá xăng dầu giảm từ tháng 7 đến nay thì giá cước đều phải giảm sâu hơn, từ 20-25%.

Ông Tuấn còn cho hay, đoàn phát hiện tình trạng doanh nghiệp “chạy” việc kê khai giá giữa các tỉnh. Cụ thể, ở một số hãng vận tải chạy liên tỉnh, các hãng này kê khai giá tại tỉnh A, nếu tỉnh  A quản lý chặt, không chấp nhận mức giá của doanh nghiệp thì doanh nghiệp lại chạy sang tỉnh B để kê khai. Ở tỉnh B chưa quản lý chặt nên lại chấp nhận mức giá của doanh nghiệp. Do đó, mới có chuyện giá cước ở 2 đầu tuyến lệch nhau.

"Sự kết hợp chưa chặt chẽ ở các sở ngành địa phương với nhau nên mới có tình trạng "chạy" kê khai giá. Chúng tôi đã yêu cầu các địa phường cần kiểm soát chặt việc kê khai giá ở 2 đầu tuyến", ông Tuấn nói.

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Trưởng ban Vận tải, Bộ GTVT, tại Hà Nội, 8/99 DN taxi 29/61 doanh nghiệp vận tải do năng lực hoạt động yếu, dự kiến sẽ đóng cửa nên không giảm giá.

Ngoài ra, các xe tuyến cố định có đặc thù, như tại bến xe Mỹ Đình có trên 200 tuyến vận tải hành khách cố định, nhưng trước ngày 27/1 mới có 58% doanh nghiệp giảm giá. Bộ GTVT đã có văn bản chỉ đạo các bến xe rà soát các doanh nghiệp đã giảm hoặc chưa giảm giá, công khai số doanh nghiệp này trên website.

Nói về việc xử lý các doanh nghiệp chây ì giảm giá cước, ông Tuấn khẳng định đã yêu cầu các cơ quan chức năng ấn định ngày cụ thể để doanh nghiệp phải kê khai lại. Sau ngày này, nếu doanh nghiệp không kê khai lại thì cơ quan chức năng có quyền lập biên bản hành chính, xử lý theo pháp luật. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ xem xét việc điều chỉnh giá cước theo chù kỳ giá xăng dầu, 15 ngày một lần.

Bộ Tài chính cho biết, tính từ ngày 18/07/2015 đến thời điểm ngày 21/01/2015, giá xăng đã giảm 38,9%, giá dầu giảm 33,1%.

Trong giá thành vận tải, tỷ lệ chi phí nhiên liệu xăng chiếm từ 25-35% và chi phí nhiên liệu dầu chiếm 35-40%. Trong đó, xe chạy xăng chủ yếu là các xe taxi, xe chạy dầu chủ yếu là các xe khách chở người và chở hàng.

Trước đó, tính hết tháng 12/2014, giá cước vận tải bằng ô tô đã điều chỉnh giảm 1 đợt. Trong đó, giá cước vận tải hành khách bằng xe taxi giảm từ 0,92%-26,32%, phổ biến giảm từ 3-10%. Giá cước vận tải hành khách tuyến cố định giảm từ 3-21,7%, phổ biến giảm từ 5-10%.

Phạm Huyền

vietnamnet

Các tin tức khác

>   Thương mại điện tử: 4 tỷ USD và giấc mơ bùng nổ (12/02/2015)

>   Cơ hội lớn XK tôm sang Hàn Quốc (11/02/2015)

>   Xuất khẩu lao động nghèo: Chi phí nhiều, hiệu quả ít (11/02/2015)

>   Quy hoạch kho hàng hóa tại cửa khẩu biên giới đến năm 2025 (11/02/2015)

>   Tạm ngừng nhập khẩu lạc nhân từ Ấn Độ (11/02/2015)

>   ADB tài trợ 234 triệu USD cải cách năng lực cạnh tranh và giao thông (11/02/2015)

>   Khai thác cá ngừ Phú Yên: Đãi vàng từ biển (11/02/2015)

>   Siêu thị giảm giá “hết ga” (11/02/2015)

>   Vinawaco đã thoát khủng hoảng thế nào? (11/02/2015)

>   PwC: Việt Nam đứng 22 thế giới về phát triển nhanh vào 2050 (11/02/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật