Thứ Bảy, 14/02/2015 14:34

Giữ thị trường nội địa: Quyết định là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng...

Phòng thủ bằng cách tiến công vẫn là một sách lược không mới. Việt Nam đang tiến vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Nhưng cuộc chiến này đã huy động toàn bộ trí và lực của Nhà nước, doanh nghiệp chưa? Câu hỏi này, khi nghiên cứu kỹ những gì lãnh đạo các nước ASEAN đang thực hiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của họ, chợt thấy đó là một câu hỏi khiến ta nặng lòng.

Mua hàng tại một hội chợ ngành dệt may. Ảnh: MINH KHUÊ

Những ngày cận Tết là những ngày khổ nhất của doanh nghiệp. Vì lo bán hàng Tết? Cũng có đúng, dù năm nay sức mua bị “tụt áp” quá thấp, đến gần Tết mới lóp ngóp bò lên chút đỉnh. Nhưng quanh năm, doanh nghiệp khổ vì nhiều thứ khác nữa. Khổ nhất là môi trường cạnh tranh không công bằng và lành mạnh, dù tương đối. Nạn hàng giả, hàng nhái đang làm hao mòn sức cạnh tranh ngay cả các doanh nghiệp mạnh.

Mặt khác của môi trường cạnh tranh là các quy định, chính sách phát triển khu vực tư nhân và doanh nghiệp nhỏ, được công bố khá đầy đủ nhưng chẳng được thực thi bao nhiêu; các hoạt động hỗ trợ, xúc tiến thường không hiệu quả, xét về tính chuyên nghiệp, tính phù hợp mục đích và đối tượng, và về cách phân bổ, sự giám sát thực thi. Trong khi đó, hãy xem tất cả chính sách đang được các nước ASEAN thực hiện cho doanh nghiệp nước họ để chuẩn bị cho AEC, tập trung vào ba điều: triệt để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), tập trung chuẩn bị khâu bảo vệ sở hữu trí tuệ và đầu tư cho nguồn nhân lực. Ắt phải nhận ra ngay, đây lại chính là ba điểm yếu nhất của mình.

Một điểm yếu quan trọng nữa là: yếu mà không chịu nhận là yếu, không muốn chấp nhận là yếu mà lại đổ tiền vào những hoạt động phù phiếm, biểu dương những thành tích ảo thay vì cùng nhau ngồi lại, tự mổ xẻ để khắc phục, thay đổi. Đến nỗi việc trao giải thưởng thành ra một ngành kinh doanh nhũng nhiễu doanh nghiệp, khiến họ bị ức chế, dị ứng.

Trong các doanh nghiệp nhỏ, đến siêu nhỏ, vẫn có doanh nghiệp miệt mài đi tìm ngách thị trường cho mình và vẫn sống được.

Một cái khó nữa là công nghiệp phụ trợ. Không chỉ công nghệ phẩm mà doanh nghiệp nông nghiệp cũng bị khó. Nhà nước nhận thức rõ điều này và đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhưng việc thực thi ra sao, ai chịu trách nhiệm?

Hay như trong Quyết định 634 của Thủ tướng về “phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước...”, nhóm giải pháp thứ hai minh thị: hướng dẫn doanh nghiệp nhỏ các địa phương sử dụng cơ sở dữ liệu về mạng lưới bán lẻ để phát triển hệ thống phân phối cho doanh nghiệp. Đến nay, đã có ai triển khai thực thi đâu?

Hôm qua, người viết gặp hai nhà kinh doanh gạo khá nổi tiếng trên thị trường. Hai vị tổng giám đốc đều gật gù: làm xuất khẩu dễ hơn bán nội địa nhiều. Giám đốc một công ty hàng đầu về xuất khẩu dệt may đã nói với người viết như vậy từ đầu khi một số đồng nghiệp của ông tuyên bố quay lại thị trường nội địa. Ông và một số người đã khăng khăng là sẽ thất bại thôi, vì toàn bộ thiết bị và con người chuyên dụng cho may xuất khẩu đâu dễ dàng chuyển qua may thời trang nội địa.

Càng ngày chúng ta càng nhận thấy, chuyển từ gia công qua làm sản xuất và kinh doanh toàn diện, để chinh phục được (trước nhất là) thị trường nội địa là một bước chuyển mình đau đớn và không chắc thắng. Bởi trong một chuỗi giá trị, làm hàng xuất khẩu chỉ là một vài công đoạn, dù rất giỏi, rất chuyên sâu, trong khi bán nội địa là tất cả các công đoạn mà chúng ta vốn không thật chuyên nghiệp.

Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam nhận thức vai trò của hệ thống phân phối rất rõ và đầu tư rất đàng hoàng. Họ gặt hái thành công vững chắc trong kinh doanh nhờ nhận thức điều này từ sớm: Vinamilk, Kinh Đô, Masan, Dược Hậu Giang... Nhưng số doanh nghiệp đủ trí, đủ lực như vậy không phải đa số.

Trong các doanh nghiệp nhỏ, đến siêu nhỏ, vẫn có doanh nghiệp miệt mài đi tìm ngách thị trường cho mình và vẫn sống được. Như doanh nghiệp giày thể thao Asia, như Bidrico hay Duy Tân, Đại Đồng Tiến, Nhơn Hòa... Tại cuộc liên hoan tất niên Câu lạc bộ Tiểu thương các chợ lớn thành phố, chủ yếu là liên hoan văn nghệ, có tổng giám đốc của không ít doanh nghiệp. Họ rảnh quá chăng? Không, họ chăm chút mối quan hệ tình nghĩa với tiểu thương vì họ biết sự ủng hộ của tiểu thương là điều sống còn khi họ quyết bám thị phần tại các chợ.

Họ không cần Nhà nước giúp vốn, cầm tay chỉ việc cho họ kinh doanh. Nhưng thực sự họ cần nhiều thứ, như các doanh nghiệp nhỏ và vừa các nước ASEAN khác đang cần và đang được chính phủ của họ giúp: dịch vụ tư vấn phát triển kinh doanh thiết thực hiệu quả, thông tin bổ ích định hướng thị trường, định hướng xây dựng thương hiệu phù hợp, các cơ hội kết nối thị trường... Và họ cần một phương thức hỗ trợ đang thông dụng ở khắp các nước ASEAN là công tư hợp tác, nhưng hiện nay ở Việt Nam, Nhà nước chưa thực hiện. Chúng ta chỉ “xôm tụ” nhất là các hội chợ thương mại kích cầu, thứ dễ làm, dễ kiếm lời nhất nhưng không thay đổi khó khăn của doanh nghiệp bao nhiêu.

Về thị trường nông thôn, một vị lãnh đạo một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hỏi người viết, sao gọi nông thôn là phòng tuyến của hàng Việt? Tôi xác định, đó là căn cứ địa chiến đấu cuối cùng của hàng Việt, nơi những người nông dân sinh sống, ít dịp tiếp xúc hàng tốt, đang tràn lan hàng giả, hàng độc.

Nông thôn đúng là dư địa cho hàng Việt vì cũng phải vài năm nữa, hàng Thái, hàng ASEAN mới về tới nông thôn, trên lý thuyết. Có ý kiến cho rằng hàng Việt về nông thôn chủ yếu là quảng bá, chứ không để lại mạng lưới. Nhưng có một thực tế là không ít doanh nghiệp biết rằng họ phải tự mở rộng và tự củng cố mạng lưới của mình.

Trong sáu năm, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã tổ chức 140 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, trung bình mỗi phiên chợ có chừng 45 doanh nghiệp tham gia, mỗi doanh nghiệp đều tự mình đi xây dựng mạng lưới, thậm chí các cơ sở đặc sản cũng đi xây dựng đại lý khắp các vùng để rồi một số đạt đủ số phiếu người tiêu dùng bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao.

Hàng Thái, hàng Hàn Quốc, hàng Nhật vào thị trường nước ta không phải chuyện mới. Họ có chiến lược và thực hiện đồng bộ, liên tục, từ văn hóa, phim ảnh, thời trang, ca nhạc cho đến ngoại giao. Các hệ thống phân phối của họ vốn mạnh đang thâm nhập vào Việt Nam khá nhanh trong khi biện pháp quản lý của nhà nước còn có những khâu lỏng lẻo. Hàng hóa của họ có chất lượng, giá cạnh tranh nhờ sức mạnh mạng lưới toàn cầu và không bị tiếng xấu là độc và dỏm như hàng Trung Quốc.

Vậy giải pháp hiện nay? Tôi mong rằng những gì Nhà nước đã đề ra thì hãy thực thi. Quản lý thị trường cần bảo đảm môi trường cạnh tranh của một nước có chủ quyền và có ý thức rõ rệt về bảo vệ doanh nghiệp và thị trường của mình. Đã có bước ngoặt trong cuộc vận động cho hàng Việt Nam là Quyết định 634 của Thủ tướng thì hãy thực hiện ráo riết và có kiểm tra tiến độ, chất lượng. Tất nhiên, doanh nghiệp khi thoát khỏi tâm trạng ăn xổi, đối phó thì cần quan tâm thông tin thị trường, liên kết, nhìn xa hơn... là những mặt yếu của chính mình, một phần do bị định hướng bởi chính sách.

Các hệ thống phân phối nước ngoài vào nước ta là để kinh doanh, họ sẽ bán những mặt hàng Việt Nam có chất lượng được người tiêu dùng đòi hỏi và có lợi cho họ. Nhưng cũng có thể họ sẽ ưu tiên cho hàng hóa nước họ vì với hệ thống kinh doanh toàn cầu, bán hàng đó sẽ có lợi hơn.

Kim Hạnh

tbktsg

Các tin tức khác

>   Điểm sức cạnh tranh của hàng Việt (14/02/2015)

>   Ngành giao thông thưởng Tết mạnh tay (14/02/2015)

>   Vận tải biển vẫn còn ảm đạm (06/03/2016)

>   AEC 2015: Đừng để tuột mất hàng triệu cơ hội việc làm tốt! (14/02/2015)

>   “Lột xác” đường sắt (14/02/2015)

>   Tập đoàn Thái Lan muốn làm BOT đường sắt Hà Nội-Hải Phòng (14/02/2015)

>   234 triệu USD hỗ trợ cải cách chính phủ và hạ tầng giao thông (14/02/2015)

>   Hàng hóa Việt Nam xuất sang Hong Kong, Macau tăng trưởng mạnh (13/02/2015)

>   Từ năm 2015 không xuất khẩu than cám (13/02/2015)

>   Xây dựng vùng lúa nguyên liệu: Áp đặt có tốt hơn tự nguyện? (13/02/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật