Ngành mía đường: “Nuôi” mãi không lớn
Phản ứng của Hiệp hội Mía đường trước thông tin sẽ cho nhập khẩu đường từ Lào cho thấy “sự sống” của ngành mía đường khá bấp bênh khi Việt Nam hội nhập sâu.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ chưa cho nhập khẩu 50.000 tấn đường từ Lào, còn nếu cho nhập thì phải đánh thuế cao. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng nếu cứ kéo dài “bảo hộ” cho ngành mía đường sẽ thiệt cho người tiêu dùng và không phù hợp với lộ trình hội nhập.
Phát “sốt” vì đường Lào
Lý do VSSA kiến nghị với Chính phủ xuất phát từ việc trước đó, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị Chính phủ cho nhập khẩu 50.000 tấn đường từ Lào với thuế suất 0% mà theo một số doanh nghiệp (DN), đây là đường do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) sản xuất.
Năng suất thấp, giá thành cao là điểm yếu mà ngành mía đường Việt Nam đến nay vẫn chưa cải thiện được Ảnh: NGỌC TRINH
|
Theo VSSA, trong lúc ngành mía đường nội đang gặp rất nhiều khó khăn, đường lậu chưa ngăn chặn được, cơ chế nhập khẩu chưa được các bộ có liên quan cũng như VSSA bàn bạc - thống nhất theo chỉ đạo của Chính phủ - thì việc nhập khẩu sẽ làm cho tình hình càng thêm rối rắm.
Cụ thể, theo VSSA, trong 3 niên vụ ép liên tiếp gần đây, sản lượng đường sản xuất trong nước đạt 1,5-1,6 triệu tấn/vụ, nếu kể cả các nguồn cung khác (tồn kho vụ cũ chuyển sang và nhập khẩu chính thức) thì riêng vụ ép 2014-2015, tổng nguồn cung là 2 triệu tấn, chưa kể đường nhập lậu. Với dự báo của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương về mức tiêu thụ của cả nước trong năm 2015 chỉ khoảng 1,3-1,4 triệu tấn, lượng đường dư thừa sẽ trên 600.000 tấn. Đây là nguyên nhân làm giá đường liên tục giảm, kéo theo giá mía giảm sâu dẫn đến tình trạng người trồng thua lỗ, phá bỏ mía.
Yếu thế
Chưa bàn tới việc đúng - sai về phản ứng của VSSA nhưng qua câu chuyện trên cho thấy “sự sống” của ngành mía đường nội khá bấp bênh khi Việt Nam thực hiện lộ trình giảm thuế theo các cam kết hội nhập quốc tế.
Chỉ cần so sánh về năng suất, giá thành giữa các nước trong khu vực, sẽ thấy sự cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam quá kém. Ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký VSSA, cho biết hiện năng suất mía ở Việt Nam trung bình chỉ đạt khoảng 65 tấn/ha; diện tích đất trồng thì manh mún, không thể cơ giới hóa… Điều này đã đẩy giá thành đường lên đến 13-13,5 triệu đồng/tấn. Ngược lại, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa đồng bộ nên năng suất mía của HAGL trồng tại Lào đạt tới 120-140 tấn/ha; giá thành đường chỉ khoảng 7 triệu đồng/tấn.
Thực tế, nhiều chuyên gia ngành mía đường trong nước và quốc tế đã cảnh báo về năng lực cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam trong thời gian tới từ những năm trước. Bởi theo họ, ngành mía đường Việt Nam có xuất phát điểm thấp, chưa được đầu tư phát triển bài bản nên khi các rào cản, chính sách bảo hộ được tháo bỏ sẽ khiến mía đường lao đao.
Không thay đổi sẽ “chết”
Trong một hội nghị quốc tế về mía đường tổ chức mới đây, một số chuyên gia ngành mía đường cho rằng phải cải thiện phương pháp canh tác, nâng cao năng suất và chất lượng cây mía nhằm hạ giá thành để cạnh tranh là điều mà các DN Việt Nam phải làm gấp rút, nếu không sẽ tự “giết” mình.
TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Quản lý và Kinh tế TP HCM, cho rằng vấn đề bảo hộ lực lượng sản xuất trong nước là chuyện muôn đời mà quốc gia nào cũng phải làm vì lực lượng này là nguồn lực đóng góp cho nền kinh tế, phát triển xã hội… Tuy nhiên, không lẽ bảo hộ hoài để các DN ỷ lại.
Còn theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, việc bảo hộ kéo dài sẽ có hại cho người tiêu dùng vì họ phải dùng đường sản xuất trong nước với giá cao. “Tại sao HAGL sản xuất được đường với giá thành thấp trong khi các DN trong nước lại luôn than khó, đòi nhà nước phải chặn đường nhập khẩu! Sắp tới, Việt Nam phải ký các hiệp định thương mại với cộng đồng ASEAN, khi đó thuế suất nhập khẩu bằng 0%. Các DN lẽ ra đã phải chuẩn bị tinh thần từ lâu rồi chứ không đợi đến hôm nay” - TS Lê Đăng Doanh đặt vấn đề.
Sau năm 2018, thuế bằng 0%
Theo lộ trình gia nhập Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA), thuế suất nhập khẩu đường từ các nước ASEAN sẽ đưa về mức 0% vào năm 2015, áp dụng cho cả đường trắng và đường thô.
Tuy nhiên, theo hiệp định ATIGA - hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa trong nội khối - các nước trong khu vực đã kiến nghị kéo dài thời gian áp thuế suất ở mức 0% đến sau năm 2018. Do đó, từ nay đến năm 2018, thuế nhập khẩu đường vẫn duy trì ở mức 5%.
Còn theo cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam phải cấp hạn ngạch nhập 50.000 tấn đường từ năm 2007 và tăng thêm mỗi năm 5%. Như vậy, năm 2015, Việt Nam phải nhập 81.000 tấn đường.
Ph Nhung
HAGL không dựa vào ưu đãi
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL, khẳng định 2 năm qua, HAGL chưa đưa về Việt Nam ký đường nào để bán. Việc Bộ Công Thương trình Chính phủ cho nhập 50.000 tấn đường từ Lào, ông Đức nói: “Chúng tôi không để ý và cũng không quan tâm vì đó là thỏa thuận của 2 chính phủ dành cho DN 2 nước chứ không riêng gì HAGL. Việc cấp hạn mức nhập khẩu này, HAGL không có đơn xin”.
Ông Đức cũng khẳng định HAGL kinh doanh kiếm lợi nhuận không dựa trên cơ chế ưu đãi mà bằng sản phẩm có giá thành thấp. Bằng chứng là 2 năm qua, dù không bán đường cho Công ty CP Đường Biên Hòa nhưng HAGL vẫn tiêu thụ tốt tại Lào.
S.Nhung
|
Sơn Nhung
Người lao động
|