Góc nhìn 21/01: Đi ngang và giằng co
VN-Index gia tăng nhẹ nhờ các cổ phiếu lớn nhưng thanh khoản tiếp tục thấp đưa nhìn nhận của các chuyên gia không mấy khả quan. Theo đó, các chuyên gia công ty chứng khoán cho rằng trong các phiên giao dịch tới xu hướng thị trường là đi ngang và giằng co.
Giằng co nhưng tăng điểm về cuối phiên
CTCK Maritime (MSBS): Sau phiên giảm điểm ngày 19/01, phiên ngày 20/01 chỉ số VN-Index có hiện tượng rung lắc nhưng đóng cửa vẫn giữ được mức tăng nhẹ do lực đỡ của một số cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS, VCB, SAM…
MSBS vẫn duy trì quan điểm thị trường sẽ tiếp tục có một nhịp tăng nữa, chinh phục mốc 595-600 điểm trong thời gian tới. Do đó, việc thị trường điều chỉnh những phiên qua là cơ hội tốt để mua vào cổ phiếu và tiến hành nắm giữ đến hết quý 1/2015.
Với diễn biến của phiên giao dịch 20/01, MSBS thấy áp lực bán chốt lời đã suy giảm, thị trường tiết cung, nhiều cổ phiếu đã bắt đầu có tín hiệu tăng trở lại. Do đó, MSBS cho rằng ngày 21/01 sẽ là một phiên tăng điểm. Thị trường có thể giằng co đầu phiên, nhưng lực mua vào mạnh dần sẽ đẩy chỉ số kết thúc phiên tăng điểm.
Đi ngang và phân hóa
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Thị trường trong phiên giao dịch 20/01 tiếp tục diễn ra tình trạng giao dịch tích cực trong phiên sáng và suy yếu dần trong phiên giao dịch chiều. Tuy vậy điểm tích cực là nhóm các cổ phiếu trụ có sự hồi phục trở lại giúp VN-Index tăng điểm nhẹ từ vùng hỗ trợ 570 điểm.
Dòng tiền tại nhóm các cổ phiếu đầu cơ cũng lác đác xuất hiện trở lại giúp nhiều mã thuộc nhóm này có dấu hiệu hồi phục sau phiên điều chỉnh đồng loạt 19/01. Thanh khoản tiếp tục giữ ở mức thấp trên 2 sàn, độ rộng thị trường khá cân bằng. Đây là các yếu tố cho thấy thị trường sẽ tiếp tục đi ngang phân hóa trong các phiên giao dịch tới nếu không có diễn biến bất ngờ nào xảy ra.
Tiếp tục rung lắc
CTCK KIS Việt Nam (KIS): Nền tảng thị trường gần như không cải thiện sau khi dòng tiền tham gia thị trường tiếp tục suy yếu. Việc thiếu vắng các thông tin hỗ trợ là nguyên nhân khiến các chỉ số chưa thể khởi sắc trở lại. Thay vào đó, tình trạng rung lắc trong biên độ hẹp vẫn diễn ra khá phổ biến trên diện rộng.
Trong ngày 20/01, KQKD quý 4 và cả năm 2014 đang được các doanh nghiệp công bố dồn dập dẫn đến hiện tượng phân hóa diễn ra rõ nét. Trong một vài phiên tới, KIS tiếp tục cho rằng tình trạng rung lắc sẽ còn tái diễn nếu không đón nhận yếu tố mới.
Nhìn chung, tâm lý nhà đầu tư nội đang thận trọng hơn do thời điểm triển khai Thông tư 36 đang cận kề. Hoạt động lướt sóng được khuyến khích giảm trở lại do khả năng tìm kiếm cơ hội lợi nhuận đang yếu đi.
Giằng co đi ngang
CTCK Bảo Việt (BVS): Thị trường diễn biến trái chiều trên cả 2 sàn với thanh khoản ở mức thấp và độ rộng thị trường ở mức cân bằng giữa số lượng các mã tăng, giảm. Diễn biến thị trường đang tiếp tục ở trạng thái giằng co cân bằng giữa bên mua và bên bán. Áp lực bán chốt lời xuất hiện khá mạnh tại các thời điểm thị trường có dấu hiêu hồi phục; ngược lại, lực cầu giá thấp luôn thường trực hỗ trợ thị trường tại những nhịp chùng xuống trong phiên. Việc thiếu vắng nhóm ngành dẫn dắt cũng như những thông tin hỗ trợ đủ mạnh là nguyên nhân chính khiến 2 chỉ số khó bứt phá ra khỏi vùng giá hiện tại.
BVS cho rằng, thị trường đang diễn biến tích lũy cầm chừng với sự phân hóa rõ nét tùy theo thông tin KQKD quý 4 và chờ đợi những yếu tố mới xuất hiện. Xu hướng ngắn hạn của thị trường trong những phiên sắp tới nhiều khả năng sẽ tiếp tục có diễn biến giằng co đi ngang trung tính.
Nhà đầu tư với khẩu vị rủi ro cao có thể tăng cường hoạt động trading trong giai đoạn này, mua vào ở những phiên điều chỉnh và chờ bán ra tại nhịp hồi phục sau đó. Danh mục trung, dài hạn có thể tiếp tục tích lũy cho những mã hưởng lợi từ xu hướng giảm của giá dầu (logistics, nhựa, ô tô và phụ tùng ô tô…), chính sách hỗ trợ của chính phủ (đặc biệt là trong ngành bất động sản).
VN-Index tiếp tục giao dịch trong vùng 570-575 điểm
CTCK Kim Long (KLS): Mặc dù số lượng giảm giá chiếm phần hơn nhưng nhờ nỗ lực tăng giá của GAS, VCB, VNM,… đã giúp VN-Index tăng điểm trong phiên 20/01.
Theo phân tích kỹ thuật, sự phục hồi của phiên 20/01 giúp cho khoảng GAP chưa bị lấp đầy và vẫn có thể kỳ vọng về sự vận động tích cực của chỉ số trong trung hạn. Các chỉ báo nhanh đang cho tín hiệu trái chiều, MACD hướng lên trong khi Stochastic nằm tại vùng mua quá. Bong bóng ADX cho thấy xu hướng không được xác định, thanh khoản tụt giảm dần, Bollinger bands có dấu hiệu co hẹp.
Theo dự báo của KLS, VN-Index sẽ tiếp tục di chuyển trong khoảng 570 – 575 điểm trong phiên giao dịch ngày 21/01.
Duy Hoàng tổng hợp
|