DN cá tra trước lựa chọn nghiệt ngã
Ba năm qua, kim ngạch xuất khẩu cá tra vẫn xoay quanh một con số và mọi việc sẽ đi vào bế tắc nếu DN không tự điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng. Hiện các DN cá tra đứng trước lựa chọn "thay đổi để phát triển hay phá sản".
90% sản phẩm của các DN cá tra hiện nay là fillet đông lạnh
|
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), năm 2014, kim ngạch xuất khẩu cá tra chỉ ở mức trên 1,7 tỷ USD, tăng nhẹ so với năm 2013 và cơ quan này cũng dự báo xuất khẩu trong năm 2015 cũng ở quanh con số này. Như vậy, trong mấy năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam cũng chỉ đạt mức trên dưới 1,8 tỷ USD.
Khó tăng kim ngạch
Dự báo của Vasep không phải không có cơ sở, trước đó Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2015, Việt Nam chỉ giữ ổn định diện tích nuôi cá tra ở mức 5.500 ha, với diện tích này sẽ cung cấp khoảng 1,2 triệu tấn cá tra nguyên liệu, tương đương năm 2014. Nếu giá cả không biến động lớn thì ngoại tệ thu về từ xuất khẩu cá tra dĩ nhiên cũng sẽ không có đột biến.
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cá tra Việt Nam không thể tăng được kim ngạch xuất khẩu nằm ngay trong chính cơ cấu thành phần xuất khẩu của các DN khi 90% là fillet cá tra đông lạnh mà không có những sản phẩm chế biến sâu.
Năm 2014, sở dĩ, kim ngạch xuất khẩu cá tra không giảm nhờ một phần giá bán sang Mỹ tăng, bù lại sự sụt giảm về giá bán tại thị trường EU.
Theo Vasep, EU là một trong những thị trường xuất khẩu cá tra lớn của Việt Nam những năm qua, tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, giá bán sang thị trường này từ trên 2,05 euro/kg đã giảm xuống còn 1,7 euro (khoảng 45.000 đồng/kg). Trong khi đó, 9 tháng đầu năm 2014, giá cá tra xuất sang Mỹ ở mức 3,1 USD/kg (hơn 65.000 đồng/kg), tăng 1,3% so với cùng kỳ.
DN trước đòi hòi tất yếu của thị trường
Theo quy hoạch chăn nuôi, chế biến cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2020, vào cuối năm 2016, tức là chỉ 2 năm nữa, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt từ 2-2,3 tỉ USD. Diện tích nuôi ở mức 5.300-5.400 ha, sản lượng khoảng 1,3 triệu tấn. Còn đến năm 2020, diện tích mặt nước nuôi cá tra là 7.600-7.800 ha, sản lượng đạt 1,8-1,9 triệu tấn cá, giá trị thu về từ xuất khẩu là 2,6-3 tỉ USD.
Căn cứ để Bộ NN&PTNT đưa ra những mục tiêu cao như vậy (dù thực tế 3 năm qua, sản lượng và giá trị xuất khẩu mặt hàng cá tra không đổi) là kỳ vọng vào việc DN sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra đầu tư chế biến sâu, nâng cao giá trị.
Theo ông Jörg Rosenberger, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nienstedt (Đức), một trong những lý do khiến cá tra Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU giảm là do thời gian gần đây thói quen của người tiêu dùng EU đã bắt đầu thay đổi. Cụ thể, người tiêu dùng EU đang dịch chuyển sang sử dụng những sản phẩm chế biến sẵn (mua về có thể nấu ăn ngay được), trong khi fillet cá tra sau khi mua về phải qua công đoạn chế biến trước khi làm thành món ăn.
Ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius) cho rằng đã đến lúc DN sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra cần đầu tư vào khâu chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng và hơn hết là phải tìm cách đáp ứng sự thay đổi của người tiêu dùng nếu muốn tồn tại và tăng trưởng trong những năm tới.
Việc DN phải hướng theo giá trị gia tăng, chế biến sâu cũng là một đòi hỏi tất yếu của thị trường. Chưa bao giờ, DN sản xuất, chế biến cá tra đứng trước thách thức như bây giờ vì nếu không thay đổi theo hướng chế biến sâu thì sẽ có nhiều DN phải đóng cửa vì fillet cá tra sản xuất được sẽ không có người mua.
Vũ Hạ
chính phủ
|