Chủ Nhật, 11/01/2015 22:39

Đường, muối ê hề vẫn nhập

Việt Nam đang lúng túng trong việc cân bằng cán cân xuất nhập khẩu với một số mặt hàng như muối, đường khi trong nước dư thừa nhưng vẫn buộc phải nhập

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương vừa thống nhất sẽ nhập 81.000 tấn đường và khoảng 102.000 tấn muối trong năm 2015.

“Chê” muối công nghiệp

Từ nhiều năm nay, Bộ Công Thương đều cấp hạn ngạch nhập khẩu muối với khoảng 102.000 tấn/năm, giao cho thương nhân sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hóa chất, thuốc và sản phẩm y tế. Điều đáng nói là năm 2014, sản lượng muối cả nước ước đạt 1,2 triệu tấn, tăng 15,6% so với năm 2013, trong đó muối công nghiệp tăng tới gần 30%, đạt 347.700 tấn. Dự kiến năm 2015, sản lượng muối qua chế biến sẽ đạt khoảng 450.000 tấn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Tuy vậy, theo ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương, việc Việt Nam phải nhập khẩu muối là khó tránh bởi do hạn chế về công nghệ, sản xuất trong nước không đủ phục vụ công nghiệp. Ông Phương cho biết Việt Nam đã có công nghệ sản xuất muối công nghiệp nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) lại “chê”, không làm đại trà do giá thành cao.

Sản xuất muối theo phương pháp thủ công ở Nghệ AnẢnh: Thùy Dương

Đại diện Công ty TNHH MTV Muối Việt Nam cho rằng muối dùng để sản xuất một số mặt hàng như bột ngọt, xút (thành phần chính của xà phòng) phải là sản phẩm công nghiệp chất lượng cao. “Máy móc để sản xuất bột ngọt, xút có điện cực rất đắt, nếu dùng muối không đạt chất lượng thì có thể phá hỏng, thay mới rất tốn kém. Do đó, buộc phải sử dụng muối nhập khẩu” - vị này phân tích.

Trong khi đó, rất ít ngành sản xuất đòi hỏi nhập khẩu đường chất lượng cao mà hầu như sử dụng sản phẩm trong nước. Tuy nhiên, theo cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam phải cấp hạn ngạch nhập 50.000 tấn đường từ năm 2007 và tăng thêm để đến năm 2015 là 81.000 tấn. Điều đáng nói là tính đến ngày 15-12-2014, đường tồn kho trong nước đạt hơn 250.000 tấn.

“Hiện nay, đường sản xuất trong nước cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng. Cái khó là chúng ta buộc phải nhập khẩu theo cam kết và phải gánh thêm đường lậu giá rẻ qua biên giới Tây Nam khiến sản xuất trong nước gặp khó khăn” - ông Phương nhận xét.

Giá cao, chất lượng thấp

Theo các chuyên gia, giải bài toán cân bằng cán cân giao thương không nằm ở chỗ siết nhập khẩu một số mặt hàng mà cần đẩy mạnh xuất khẩu.

“Ở khía cạnh tích cực, việc mở cửa gia nhập WTO tạo điều kiện cho chúng ta xuất khẩu sang thị trường khác. Tuy vậy, rất nhiều ngành, trong đó có mía đường, lại không đủ năng lực xuất khẩu. Đường Việt Nam xuất khẩu chính ngạch rất khó do giá cao, lại phải gánh thêm thuế và chịu các hàng rào kỹ thuật; còn xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc thì rủi ro” - ông Phương chỉ ra.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy Trung Quốc vẫn là thị trường xuất chủ yếu của đường Việt Nam qua các cửa khẩu phụ. Trong 6 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu đường sang thị trường láng giềng này tăng tới 55% nhưng cuối năm lại gặp khó khăn do Trung Quốc kiểm soát chặt. Giá đường xuất khẩu sang Trung Quốc thời điểm cuối năm 2014 khá thấp, chỉ khoảng 11.700-11.800 đồng/kg.

Trong khi đó, đối với muối, nghịch lý nằm ở chỗ sản phẩm xuất khẩu và sản xuất thì thiếu nhưng loại để tiêu dùng lại thừa mứa. Theo đại diện một DN sản xuất muối quy mô lớn tại phía Bắc, số DN sản xuất được muối ăn chất lượng cao, giữ được khoáng chất và có thể xuất khẩu với giá cao ở Việt Nam không nhiều.

“Mỗi năm, chúng tôi xuất khoảng 2.000 tấn muối chất lượng cao (muối vê cát, thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản ưa chuộng) với giá 8.000 đồng/kg, trong khi loại bình thường chỉ 1.600-2.500 đồng/kg. Tuy nhiên, ít DN làm được loại muối này mà chủ yếu sản xuất muối tiêu dùng, không đưa vào sản xuất hay xuất khẩu được” - đại diện DN nêu trên băn khoăn.

Theo ông Lê Quốc Phương, vấn đề là DN Việt Nam còn ỷ lại vào nhà nước, bình chân như vại trước yêu cầu đổi mới để hội nhập. “Tham gia WTO có 2 mặt tích cực và tiêu cực, chúng ta phải chấp nhận. Sau này, nhiều hiệp định khác cũng có những yêu cầu tương tự, thậm chí còn khắt khe hơn, chẳng hạn Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). DN cứ trông chờ vào nhà nước, không tự đổi mới thì chắc chắn sẽ gặp khó khăn” - ông Phương nhìn nhận.

Doanh nghiệp nhập khẩu hưởng lợi

Theo nhận định của Bộ Công Thương, do chênh lệch khá cao giữa giá bán lẻ đường ở các thành phố lớn so với giá nhập khẩu nên các DN nhập khẩu được hưởng lợi nhiều. Đồng thời, sự sụt giảm giá đường hầu như chỉ diễn ra ở khâu bán sỉ, còn giá bán lẻ luôn ở mức cao.

Đại diện Công ty TNHH MTV Muối Việt Nam cũng phản ánh tuy quy định chỉ cho phép nhập khẩu muối phục vụ công nghiệp nhưng nhiều DN lợi dụng hạn ngạch để nhập rồi bán ra thị trường, gây ảnh hưởng đến các DN khác.


Phương Nhung

người lao động

Các tin tức khác

>   Người tiêu dùng Việt mua sắm gần 158.000 ôtô năm 2014 (11/01/2015)

>   Đón khách quốc tế không chỉ là tiền (11/01/2015)

>   DN teo tóp: Sếp bán phở, bốc thuốc đông y qua ngày (11/01/2015)

>   'Cuộc chơi' thử 'sức bền' doanh nghiệp nội (10/01/2015)

>   Nâng cấp cụm ngành, chuỗi giá trị sản xuất SP có lợi thế cạnh tranh của 5 ngành (10/01/2015)

>   Tổng giá trị nông sản xuất khẩu đạt 30,86 tỷ USD (10/01/2015)

>   Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN  (10/01/2015)

>   Bí kíp tái cơ cấu, CPH doanh nghiệp hiệu quả (10/01/2015)

>   Quy định về xuất khẩu cá tra: Lùi thời hạn chưa giải quyết được vấn đề (10/01/2015)

>   Hàng hóa lại ùn ứ tại cảng vì quy định mới (10/01/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật