Bạch Đằng đóng bến, du lịch về đâu?
Bến cảng Bạch Đằng có thể bị đóng cửa trong vài ngày tới. Hoạt động du lịch đường thủy TP.HCM rơi vào tình thế khó khăn.
Theo thông báo mới nhất của Sở GTVT TP.HCM, đến ngày 15-1, bến cảng Bạch Đằng (quận 1, TP.HCM) sẽ đóng cửa. Nếu điều này xảy ra thì đồng nghĩa với việc gần 60 tàu du lịch, tàu nhà hàng sẽ khốn đốn vì “không chốn nương thân”.
Ngưng thuyền vì không bến
Ngày 11-1, chúng tôi liên hệ đặt bàn trên tàu nhà hàng Bến Nghé vào tối 18-1 nhưng người quản lý tên Tuấn từ chối nhận.
Đây là tàu nhà hàng thuộc loại lớn nhất đang hoạt động tại bến Bạch Đằng, có tên thường gọi là tàu Con Cá, sự lựa chọn thú vị cho các du khách, người dân TP thưởng thức ẩm thực trên sông Sài Gòn vào ban đêm. Ông Tuấn lý giải: “chúng tôi chỉ nhận khách đến ngày 15-1. Vì sau đó chưa biết TP.HCM cho phép hoạt động ở bến Bạch Đằng nữa hay không nên chúng tôi không dám nhận đặt bàn của khách”.
Khu bến Bạch Đằng dài khoảng 1,3 km, nằm cập theo đường Tôn Đức Thắng, ở vị trí giao với đường Nguyễn Huệ. Bến do Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn-TNHH MTV (Saigontourist) quản lý và khai thác. Theo thống kê, hiện có gần 40 doanh nghiệp (DN) tàu, thuyền hoạt động tàu cánh ngầm, chở khách du lịch và làm tàu nhà hàng. Trong số các du thuyền, tàu, canô, tàu cánh ngầm thì tàu nhà hàng Con Cá thuộc nhóm to nhất. Tàu có ba tầng, với sức chứa trên 250 thực khách. Trong trường hợp vẫn duy trì một phần hoạt động của bến cảng này, tàu nhà hàng Con Cá phải… đắp chiếu vì cầu bến còn lại không đủ khả năng đáp ứng.
Trong khi đó, ông Bùi Công Trùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tàu cao tốc Vina Express, cho biết sau hơn 11 tháng bị tạm dừng, Vina Express vừa được phép hoạt động trở lại thì nhận được thông báo đóng bến. “Việc đóng bến diễn ra đột ngột, lại rơi vào cao điểm phục vụ hành khách sẽ gây nhiều tổn thất cho DN. Bởi việc tìm bến mới để hoạt động, tạo tiện lợi cho hành khách không đơn giản nên đề nghị gia hạn hoạt động của bến qua sau tết Nguyên đán 2015” - ông Trùng kiến nghị.
Nơi hoạt động của tàu cánh ngầm ở bến cảng Bạch Đằng nằm trong khu vực được ưu tiên chỉnh trang trước. Ảnh: MP
|
Doanh nghiệp bối rối
Là đơn vị tâm huyết đeo bám du lịch đường thủy ở TP.HCM từ thời sơ khai, ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương, cho biết: Gần đây TP.HCM có nhiều chủ trương phát triển du lịch đường sông. Điều này đã thổi làn gió mới, làm các DN hứng khởi đầu tư, đóng mới tàu, thuyền. Tuy nhiên, trước quyết định cấm cửa ở bến Bạch Đằng, trong khi bến mới không gây nhiều hoang mang cho các DN. “Chủ trương đóng bến Bạch Đằng chúng tôi đã biết từ lâu nhưng thời điểm cụ thể thì không hay. Lúc biết thì thời hạn đóng bến cách một tuần sau đó thì làm sao tìm kiếm bến mới, di chuyển tàu, thuyền đi được” - ông Lâm bày tỏ.
Theo ông Lâm, bến Bạch Đằng đã có lịch sử hoạt động từ lâu đời, lại là địa điểm thuận lợi cho khách du lịch. nếu đóng bến này thì chính quyền cần bố trí địa điểm khác thuận tiện cho người dân, tạo điều kiện cho các DN hoạt động suôn sẻ, bình thường. Tuy nhiên, nhìn xung quanh khu vực trung tâm khó tìm được bến nào có thể thay thế được bến Bạch Đằng. “Do vậy trong thời gian chỉnh trang vẫn duy trì một cầu phao tại vườn kiểng để tạo thuận tiện phục vụ người dân, du khách nước ngoài thực hiện các tour du lịch đường thủy” - ông Lâm đề đạt.
Được biết do giấy phép hoạt động của bến này đến 31-12-2014 đã hết hạn nên Sở GTVT đã kiến nghị và được UBND TP chấp thuận, gia hạn đến ngày 15-1. Sau ngày này, nếu không có ý kiến gì từ UBND TP thì Sở GTVT sẽ đóng bến dù điều này tác động xấu đến hoạt động của DN, người dân và du khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ ở bến cảng này. Hiện các sở Du lịch, GTVT và Saigontourist cùng các chủ tàu, thuyền tiếp tục kiến nghị UBND TP vẫn ưu tiên chỉnh trang bến Bạch Đằng đúng tiến độ nhưng từ nay đến tết Nguyên đán tiếp tục cấp phép cho các tàu nhà hàng, chở khách hoạt động.
Vì sao gấp gáp đóng bến Bạch Đằng?
Bến Bạch Đằng có năm cầu phao, là một địa điểm nổi tiếng ở TP.HCM không chỉ với người dân trong nước mà cả với du khách nước ngoài.
Bến được quy hoạch cải tạo, chỉnh trang để nơi đây thành công viên với các dịch vụ hiện đại, có thể tổ chức sự kiện du lịch đường sông của TP. UBND TP giao Saigontourist và quận 1 thực hiện trong giai đoạn 2013-2015. Đến nay quy hoạch chi tiết của bến cảng này vẫn đang được thảo luận với nhiều ý kiến trái chiều, sau đó mới tổ chức kêu gọi, đầu tư và xây dựng chỉnh trang.
TP.HCM đang tập trung cho dự án cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Huệ thành phố đi bộ đầu tiên để hoàn thành trước ngày 30-4. Cho nên, dù chưa hoàn thành quy hoạch chi tiết thì một phần của bến Bạch Đằng (ở cụm hoạt động của tàu cánh ngầm hiện hữu) cũng được yêu cầu chỉnh trang, xóa cảnh khá nhếch nhác hiện nay cho kịp hoàn thành với phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Đó là một lý do quan trọng vì sao việc đóng bến đã không được thông báo sớm, có lộ trình cho các chủ tàu, thuyền.
|
Minh Phong
Pháp luật tPHCM
|