Ứng dụng CNTT sẽ kéo giảm 50% TNGT
Đó là khẳng định của PGS.TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP FPT khi trao đổi với Báo Giao thông bên lề Hội nghị ATGT 2014 diễn ra ngày 27/12. Theo ông Bình, ứng dụng CNTT không những giúp kéo giảm TNGT mà còn có thể tăng thêm khoảng 40% khả năng lưu thông của các phương tiện.
PGS.TS. Trương Gia Bình
|
Tự đề xuất cơ chế xã hội hóa đầu tư bảo đảm ATGT
Theo ông, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) có vai trò như thế nào đối với công tác đảm bảo ATGT, kéo giảm TNGT hiện nay?
Trên cơ sở thực tiễn, chúng ta đều phân tích được các nguyên nhân trực tiếp dẫn tới TNGT. Nếu giải quyết được các nguyên nhân này, chúng ta sẽ giảm bớt được rất nhiều vụ TNGT. Nếu ứng dụng triệt để CNTT vào công tác đảm bảo ATGT sẽ có ý nghĩa rất lớn, có thể kéo giảm được 50% số người chết do TNGT so với hiện nay.
Kéo giảm được 50% TNGT là con số rất lớn. Đâu là cơ sở cho nhận định này, thưa ông?
Theo tôi, muốn giảm được 50% trong số 9 nghìn người chết do TNGT hiện nay xuống còn hơn 4 nghìn trong những năm tới thì phải giải quyết 3 “điểm nóng” gồm: Thứ nhất là vấn nạn phóng nhanh vượt ẩu. Theo nghiên cứu có đến 75% số vụ TNGT hiện nay là do phóng nhanh vượt ẩu. Để giải quyết vấn đề này, phải nghiêm túc thực thi pháp luật. Tức là phải có hệ thống thông tin. Trên thực tế, tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, trên 50 nghìn trường hợp vi phạm khi bị phát hiện, xử lý đều tâm phục, khẩu phục vì các thiết bị đã ghi nhận chính xác những vi phạm đó.
Thứ hai, là ở những “điểm đen” TNGT, chúng ta phải biết nguyên nhân phát sinh từ đâu. Do lái xe thì phải có những cảnh báo. Do quản lý tốc độ, phải có điều chỉnh về biển báo và những lý do khác. Kể cả trường hợp các cơ quan chức năng phải sửa đường cho phù hợp.
Cuối cùng là vấn đề lái xe qua đêm. Hiện nay, các doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bất chấp quy định lái xe không được chạy liên tục quá 4 giờ. Điều ấy rất nguy hiểm, mất an toàn nên chúng ta phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật là sau khi lái xe 4 giờ, lái xe phải được nghỉ ngơi.
Tập trung giải quyết vấn đề này bằng CNTT, chúng ta có thể phát hiện và giảm thiểu được TNGT.
Thời gian qua, tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ đã được thí điểm ứng dụng CNTT để phát hiện và xử lý vi phạm, ông có thể cho biết hiệu quả cụ thể của việc làm này?
Việc sử dụng thiết bị CNTT trên tuyến đường này đã giúp kiểm soát được tốc độ, hành trình của xe. Ai vi phạm đều bị phát hiện và xử phạt. Khi người ta biết chắc bị phạt, tự khắc họ không vi phạm tốc độ. Đấy là họ đã tránh được nguy cơ số một về TNGT.
Việc đưa giao thông thông minh vào thực tiễn Việt Nam là rất quan trọng. Nó không chỉ giải quyết vấn đề TNGT mà còn tạo ra những điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian đi đường, tránh tiêu cực gây bức xúc cho cả lái xe và xã hội. Hơn nữa, nó nâng cao hiệu quả đầu tư vào hạ tầng quốc gia. Đây là giải pháp đồng bộ và chúng tôi hy vọng việc này sẽ được triển khai sớm.
Vậy tới đây FPT sẽ làm việc với Bộ GTVT và Ủy ban ATGT Quốc gia để triển khai những ý tưởng về công nghệ của mình trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng và ATGT?
Hiện nay, Bộ GTVT đã đồng ý về chủ trương áp dụng CNTT để chúng tôi thực hiện theo phương thức xã hội hóa đầu tư. Chúng tôi sẽ xây dựng đề án về chương trình này và sẽ tự đề xuất cơ chế đầu tư và thu hồi vốn.
Với công nghệ hiện đại, chính xác, việc xử lý vi phạm bằng camera sẽ khiến người vi phạm giao thông tâm phục, khẩu phục
|
CNTT có thể tăng thêm 40% khả năng lưu thông
Lĩnh vực giao thông và ATGT có phạm vi rất rộng. Theo ông, CNTT còn có thể áp dụng vào những lĩnh vực cụ thể nào trong tương lai?
Hiện chúng ta đang tập trung vào lĩnh vực nóng bỏng nhất, đó là làm sao bảo đảm được tính mạng con người. Không có điều gì quan trọng hơn thế nữa. Tuy nhiên, có rất nhiều giá trị có thể nâng cao đầu tư. Chẳng hạn, khi đưa CNTT vào thì nhu cầu đi lại, lưu thông trên đường có thể tăng khoảng hơn 40%. Ngoài ra, tắc đường cũng có thể rút xuống, thời gian tắc đường giảm còn 30 - 40%. Lấy ví dụ tại TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội, khi từ sân bay vào nội thành nếu có cảnh báo các tuyến đường bị tắc, người ta sẽ không đi vào. Như vậy sẽ đỡ tắc hơn. Thứ nữa, nếu đường cho phép đi 70 km/h nhưng do chưa có công nghệ để khai thác cao hơn, chúng ta chỉ khai thác 50 km/h, rất lãng phí…
Hiện có nhiều hình thức xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông nhưng ở lĩnh vực khai thác, quản lý còn hạn chế. Theo ông, đầu tư CNTT vào lĩnh vực này theo hình thức nào là phù hợp?
Chúng ta phải sử dụng các hình thức đầu tư của chính chúng ta mới “sống” được. Tức là người Việt Nam phải tự giải quyết vấn đề của chính chúng ta, phải tự viết phần mềm cho hệ thống giao thông, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc nhất của chính mình.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Tiến Mạnh
giao thông vận tải
|