Nợ thuế có được lập công ty?
Hai tháng qua, Sở KH&ĐT TP.HCM áp dụng quy trình rà soát thuế đối với các hồ sơ thành lập doanh nghiệp (DN) mới. Từ đó, hàng trăm hồ sơ bị chặn lại vì những chủ DN, những DN mẹ đang có “phốt” về thuế.
Không cấm nhưng... cản
Cụ thể, hồ sơ đăng ký lập Công ty TNHH Ứng dụng T.T. do ông Nguyễn Nhân T.L là người đại diện pháp luật bị Sở KH&ĐT thông báo rằng ông T.L, số CMND 27318xxxx, đang là đại diện pháp luật của Công ty TNHH Banana G. (thành lập tháng 5-2013, trụ sở ở quận Tân Bình), bỏ địa điểm kinh doanh theo thông báo của Chi cục Thuế quận Tân Bình.
Một hồ sơ khác xin cấp phép mở văn phòng đại diện cho Công ty TNHH H.T.M. Sở thông báo bà Nguyễn Tố N., CMND 02430xxxx là người đại diện pháp luật trong đăng ký này, hiện cũng là đại diện pháp luật cho một công ty khác ở quận Bình Tân mà công ty này “bỏ địa điểm kinh doanh theo thông báo của Chi cục Thuế quận Bình Tân”.
Theo tra cứu trên cổng thông tin đăng ký DN quốc gia thì bà Nguyễn Tố N. đứng tên đại diện pháp luật đến bốn công ty, thành lập vào các năm 2007, 2008, 2009, 2010. Trong đó, công ty ở quận Bình Tân và công ty ở quận Bình Thạnh được thông báo trình trạng là “đã ngừng hoạt động nhưng chưa đóng mã số thuế”.
Trong hai tháng qua, có đến hàng trăm hồ sơ lập công ty tương tự như trên đã bị “vịn” lại. Với những hồ sơ có liên quan đến việc “biến mất khỏi trụ sở” thì Sở KH&ĐT đều trả lời “cơ quan thuế chưa cấp mã số thuế cho DN. Đề nghị DN liên hệ cơ quan thuế để được hướng dẫn”.
Làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM. Ảnh: HTD
|
Đâu có... từ chối!
Cục Thuế TP.HCM cho biết trong quá trình kiểm tra, hậu kiểm nếu phát hiện DN nợ thuế, không thông báo về hóa đơn…, các chi cục thuế sẽ gửi thư mời, đề nghị DN đến cơ quan thuế làm rõ. Nhiều lần mời mà DN không đến thì cơ quan thuế mới ra thông báo việc DN bỏ địa điểm kinh doanh. Những thông báo này được đăng công khai giúp các DN khác tự kiểm tra về đối tác của mình, tránh dùng các hóa đơn nằm trong danh sách không hợp pháp.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (ĐKKD) cho biết Luật DN năm 2005 có quy định một số trường hợp không được quyền thành lập và quản lý DN. Ví dụ, người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; người đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị tòa án cấm hành nghề kinh doanh...
Theo Cục, về kỹ thuật, hệ thống đăng ký DN ngày càng hoàn thiện, cập nhật thông tin thường xuyên, liên tục về tình trạng DN, cá nhân, dựa trên các thông báo nhận được từ cơ quan thuế, tòa án. Cục có danh sách “đỏ” những trường hợp cần lưu ý. Khi nhập mã số thuế hoặc số CMND vào là hệ thống “nhảy đỏ” liệt kê danh sách toàn bộ những DN có liên quan đến số CMND ấy, tình trạng mỗi DN như thế nào, đang hoạt động hay ngừng hoạt động, tình trạng thuế ra sao...
Theo Cục, với các trường hợp nợ thuế như trên, cơ quan ĐKKD không cấm, không từ chối cấp phép mà chỉ thông báo về nghĩa vụ thuế đang tồn tại mà thôi.
Việc cản người lập DN nợ thuế, bỏ trốn lập tiếp DN mới cũng phù hợp về kỹ thuật nhằm làm trong sạch môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, Luật DN cũng không quy định giải quyết hồ sơ ĐKKD theo kiểu “treo” và yêu cầu giải quyết nợ thuế như trên. Cho nên, nếu thấy biện pháp này cần thiết và hiệu quả thì các cơ quan quản lý nên ban hành quy định rõ ràng cho thuận về pháp lý.
Chuyện nào ra chuyện nấy!
Quy định về quản lý thuế, về hình sự, thậm chí phá sản... đã quy định đầy đủ biện pháp để cơ quan thuế xử lý các vấn đề về hóa đơn, nợ thuế, bỏ khỏi trụ sở. Trong khi đó, Luật DN không cấm những người nợ thuế thành lập DN thì người ta vẫn được quyền thành lập.
Chuyện nào ra chuyện nấy! Anh muốn xử lý nợ thuế thì anh cứ xử lý đúng quy định, còn người ta lập DN thì vẫn phải để người ta lập chứ không thể ngăn cản mà không có lý do hợp pháp.
Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam
Tăng cường giám sát
Vi phạm về thuế không phải là một điều kiện để cấm hay từ chối người thành lập DN, điều này được quy định rõ tại Luật DN hiện hành (năm 2005) cũng như Luật DN năm 2014. Cơ quan thuế có rất nhiều hình thức để đòi nợ thuế, xử lý nợ thuế như cảnh cáo, đăng thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, kiện đòi ra tòa hay thậm chí đề nghị truy tố hình sự người nợ thuế.
Đây là hai việc tách bạch, do vậy cơ quan ĐKKD không có quyền từ chối cấp giấy chứng nhận ĐKKD. Tuy nhiên, cơ quan thuế và ĐKKD có thể phối hợp thông tin để có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn đối với những người đang hay từng vi phạm pháp luật về thuế. Với những trường hợp có bằng chứng lập DN ra liên tục cho những mục tiêu không phải kinh doanh thì tăng cường giám sát chặt chẽ (như thanh tra, kiểm tra sau khi đăng ký…), xử phạt vi phạm hành chính.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Có nợ thì phải trả!
Rõ ràng là khó mà chấp nhận việc DN thành lập ra xong lại chây ì không thanh toán các khoản nợ thuế, bỏ khỏi trụ sở, tìm hoài không thấy mà nay lại ngang nhiên “tái xuất” lập một DN mới. Có nợ thì phải trả chứ!
Về pháp lý, Điều 9 Luật DN năm 2005 quy định DN phải “đăng ký mã số thuế, kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật”. Điều 163 quy định cơ quan ĐKKD có nhiệm vụ và quyền: Giải quyết việc ĐKKD, yêu cầu DN báo cáo về tình hình kinh doanh khi xét thấy cần thiết, trực tiếp hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra DN theo những nội dung trong hồ sơ ĐKKD.
Luật gia Vũ Xuân Tiền,Trưởng ban Tư vấn và phản biện chính sách của Hội Các nhà quản trị DN Việt Nam
|
Quỳnh Như
Pháp luật TPHCm
|