Giá cước vận tải giảm chậm: Đông ý kiến, vắng giải pháp
Giá xăng dầu năm 2014 đã giảm tới 13 lần, nhưng cước vận tải và giá hàng hóa vẫn “bình chân như vại” hoặc giảm không đáng kể. Đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau nhưng giải pháp thực sự còn bỏ ngỏ.
* Bộ Tài chính yêu cầu phạt doanh nghiệp chậm giảm cước
* Tẩy chay doanh nghiệp vận tải không giảm giá cước!
Cần cơ chế linh hoạt trong xây dựng giá cước vận tải
|
Thị trường hay cơ chế hành chính điều tiết
Xăng dầu là mặt hàng có tác động lớn đến đời sống sinh hoạt và các hoạt động kinh tế, cho nên mọi biến động về giá đều gây ra những phản ứng trái chiều. Trước đây, mỗi lần xăng tăng giá, cước vận tải và giá các mặt hàng hóa đều tăng. Trong khi tính đến ngày 22/12, giá xăng đã có 13 lần giảm giá, tương đương 26% so với cuối năm 2013, thế nhưng giá cước vận tải mới giảm duy nhất một lần với tỷ lệ thấp dưới 10%. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng và hoạt động kinh tế hàng hóa.
Trước thực tế như vậy, hiện có hai luồng ý kiến khác nhau: Đại diện cho cơ quan quản lý và người tiêu dùng thì cho rằng, phải can thiệp bằng các biện pháp hành chính theo Luật Giá và các quy định khác. Ngược lại, một số chuyên gia và DN vận tải lại cho rằng, biện pháp hành chính khó khả thi và phi thị trường.
Ông Bùi Danh Liên- Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội - tuy đồng tình với cả hai ý kiến nêu trên nhưng cũng đưa ra quan điểm: Cơ chế thị trường cạnh tranh, nhà nước không hỗ trợ DN vận tải thì không thể yêu cầu DN có nghĩa vụ bình ổn thị trường. Nếu nhà nước có dự trữ tốt, duy trì một mức giá xăng dầu thì mới giữ giá cước ổn định. Trong những lần tăng giá vừa qua, chỉ một số hãng lớn có thương hiệu mới tăng còn nhiều hãng nhỏ giữ nguyên giá.
Một số ý kiến cho rằng, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu dù tiến tới cơ chế thị trường thì vẫn phải có sự điều tiết của nhà nước. Do đó, cần có cơ chế linh hoạt trong xây dựng chính sách giá cước vận tải.
Giải pháp vẫn bỏ ngỏ
Theo ông Liên, xu hướng chung là DN vận tải đều chấp nhận sự điều tiết của thị trường và vì lợi ích chung của toàn xã hội, mặc dù xét về quyền lợi thì họ không muốn. “Do đó thời gian tới, chắc chắn giá cước vận tải sẽ giảm vì nếu không giảm thì DN không thể cạnh tranh. Một lý do khác là thị trường vận tải Việt Nam từ trước tới nay đều cạnh tranh bằng giá chứ không phải bằng chất lượng dịch vụ”- ông Liên khẳng định.
Liên quan đến câu hỏi, liệu có ngụy biện không khi một số DN cho rằng: Giá cước giảm chậm là do thủ tục hành chính phức tạp? Ông Liên khẳng định: Sự thật đúng như vậy, vì theo quy trình muốn điều chỉnh tăng, giảm cước phải được 3 cơ quan gồm tài chính, thuế, giao thông vận tải thẩm định, tức là mất khoảng 3 - 4 tuần. Rồi phải kiểm đếm, thu hồi, hủy vé, in phát hành vé mới, đăng ký kê khai thuế, thủ tục với bến xe, kiểm định đồng hồ... Chỉ riêng taxi tại Hà Nội đã lên tới trên 17.000 xe, một số hãng lớn được phép kiểm định đồng hồ còn phải kiểm định nhà nước. Như vậy, nếu tính cả 5 lần điều chỉnh tăng thì giá xăng năm 2014 có tới 18 lần điều chỉnh, về mặt lý thuyết có nghĩa giá cước vận tải cũng phải có 18 lần điều chỉnh- nếu vậy thì khó có thể khả thi!
Các chuyên gia nhìn nhận, cần có cơ chế linh hoạt trong xây dựng chính sách giá cước vận tải. Nghĩa là quy định mức giảm sàn và linh hoạt mức tăng trần, đồng thời thủ tục hành chính đăng ký điều chỉnh giá cước phải tiện lợi, nhanh chóng, tránh phiền hà cho DN. Ví dụ, giá xăng dầu tăng 5% thì DN vận tải có thể tăng giá cước tối đa tương ứng, hoặc vì lý do cạnh tranh họ có thể giữ nguyên hoặc tăng dưới 5%, nhưng khi giá xăng dầu giảm 5% thì bắt buộc DN phải giảm 5% so với chi phí đầu vào là xăng.
Đình Dũng
công thương
|