Vinalines: Giá cổ phiếu sẽ ở mức nào?
Kết quả định giá Tổng công ty Hàng hải (Vinalines), do tư vấn xác định, cho thấy giá trị của Vinalines tăng thêm 2.900 tỉ đồng so với mức doanh nghiệp đã tính trước đó. Liệu đây có phải là tin vui với Vinalines?
Vì sao Vinalines “tăng giá”?
Hai công ty liên danh kiểm toán và thẩm định giá của Bộ Tài chính vừa hoàn tất việc định giá Vinalines nhằm phục vụ cho việc chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của doanh nghiệp này trong quí 1-2015. Sau những biến cố xảy ra trong hơn hai năm qua, Vinalines cũng đang đứng trên bờ vực phá sản, như Vinashin. Nếu Vinalines vừa tái cơ cấu nợ, vừa IPO thành công, sẽ dọn đường cho Vinashin (nay đổi tên thành SBIC) cổ phần hóa theo dự tính của Chính phủ.
Tại thời điểm 31-12-2013, Vinalines chốt sổ sách để xác định số liệu nhằm thực hiện IPO. Tuy nhiên, số liệu này tính đến nay đã khác vì trong năm 2014, Vinalines giảm nợ, giãn nợ được vài ngàn tỉ theo các quyết định mới của Chính phủ và sự chấp thuận của các chủ nợ và IPO được năm doanh nghiệp trực thuộc, thu về 260 tỉ đồng.
Bên tư vấn xác định tổng giá trị thực tế của Vinalines hết năm 2013 là 21.287 tỉ đồng, chênh lệch khoảng 2.900 tỉ đồng so với sổ sách kế toán của doanh nghiệp. Mức chênh khá lớn này là do đánh giá lại các khoản đầu tư, góp vốn của Vinalines theo giá trị thị trường.
Mặt khác, việc đánh giá lại bất động sản, các cơ sở hạ tầng mà doanh nghiệp được sở hữu hoặc Nhà nước cho thuê dài hạn theo giá năm 2014 cũng làm tăng giá trị Vinalines lên. Nó gánh bớt cho phần tài sản là tàu biển đang bị giảm giá mạnh và bản thân doanh nghiệp đã mua quá nhiều tàu cũ nát nên càng mất giá (hiện một số tàu đang được loại trừ khỏi giá trị thực tế của doanh nghiệp)
Trong số các khoản mục được đánh giá tăng, lớn nhất là các khoản đầu tư dài hạn vào các công ty con, công ty liên doanh, liên kết. Khi đánh giá lại, số tiền đầu tư tài chính, góp vốn vào các công ty con, công ty liên kết tăng xấp xỉ 6.000 tỉ đồng. Trong đó, các khoản vốn góp vào các công ty cổ phần chưa niêm yết, công ty liên doanh... tăng hơn 200 tỉ đồng. Giá trị góp vốn tại các công ty niêm yết tăng 618 tỉ, còn tại các công ty mà Vinalines sở hữu 100% vốn điều lệ cũng tăng so với sổ sách khoảng 4.100 tỉ đồng.
Giá trị còn lại của đất đai, nhà cửa, hạ tầng, cảng biển mà Vinalines sở hữu trong cả nước tăng thêm 270 tỉ đồng do thời điểm được định giá lại căn cứ vào các văn bản mới nhất (tháng 6-2014) của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính nên tất yếu sẽ có nhiều thay đổi so với sổ sách 2013 của Vinalines.
Ngay cả trong phần chi phí xây dựng cơ bản dở dang tính vào giá trị doanh nghiệp tăng hơn 100 tỉ đồng, nhưng đây là khoản nợ chưa thanh toán được với nhà thầu SK Engineering (Hàn Quốc) mà Tòa án và Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam đã tuyên phạt Vinalines hơn 65 tỉ đồng cùng các khoản lãi phạt xấp xỉ 50 tỉ đồng nữa.
Kết quả định giá Vinalines mới chỉ là dự thảo của bên tư vấn trình ra, chưa được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt. Vấn đề là kết quả định giá này đã loại trừ không định giá và cũng không tính vào giá trị doanh nghiệp các khoản đầu tư của Vinalines tại ba đơn vị thành viên đã và đang mở thủ tục phá sản, trong đó có Vinashinlines, chủ sở hữu của 5 con tàu đã từng làm giảm vốn chủ sở hữu của tổng công ty xấp xỉ 2.000 tỉ đồng tại thời điểm cuối năm 2013 và vẫn còn tiếp tục giảm nữa nếu tính đến thời điểm này.
Nếu các khoản đầu tư đi cùng doanh nghiệp được xóa sổ thì Vinalines được lợi thấy rõ. Bằng không, chỉ riêng các khoản này đã “ăn” hết phần giá trị thực tế tăng thêm mà tư vấn đánh giá cho doanh nghiệp. Bởi nếu tính đúng như tư vấn đánh giá lại, đội tàu của Vinalines (không tính các con tàu trên) đã mất giá 3.200 tỉ đồng so với sổ sách kế toán từ cuối năm 2013.
Đọc tiếp tại đây
Ngọc Lan
TBKTSG
|