Thứ Hai, 29/12/2014 06:36

Xuất khẩu dệt may bứt phá toàn diện, đạt cao nhất 3 năm qua

Với chiến lược đúng đắn trong quản trị doanh nghiệp, uy tín của các doanh nghiệp trong ngành dệt may nói chung và Tập đoàn Dệt may Việt Nam nói riêng ngày càng được khẳng định, khách đặt hàng với số lượng ngày càng nhiều hơn.

Dây chuyền sản xuất hàng may mặc tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Đến nay, một số doanh nghiệp lớn của Tập đoàn đã ký được hợp đồng xuất khẩu đến hết quí Một năm 2015, thậm chí nhiều đơn vị còn ký đơn hàng đến giữa năm sau.

Với đà này nhiều khả năng dệt may sẽ cán đích 24,5 tỷ USD, là mức cao nhất trong 3 năm qua và dự báo tiếp tục duy trì tăng trưởng mạnh trong năm 2015.

Tự tin về đích

Có thể nói, dệt may là một trong những điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam năm 2014. Sự tăng trưởng mạnh mẽ về giá trị xuất khẩu đã đẩy mạnh cán cân thương mại của ngành về hướng xuất siêu. Với giá trị xuất khẩu bình quân đạt 1,955 tỷ USD/tháng, các chuyên gia cho rằng, năm 2014 ngành dệt may Việt Nam có thể về đích vượt kế hoạch gần 1 tỷ USD.

Chia sẻ trước thắng lợi của ngành, ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay đây là nỗ lực của toàn ngành trong việc định hướng chiến lược sản xuất, chọn lựa thị trường ngách để phát triển.

Cùng với đó, tăng tỷ lệ nội địa hóa cũng là một trong những yếu tố giúp tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng của hàng Việt Nam trong 10 năm qua. Nếu tính từ thời điểm xuất phát từ khi Việt Nam mới có Hiệp định thương mại Việt _Mỹ năm 2003, lúc đó trong kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam chỉ có 20% là của người Việt Nam thì đến năm 2014 con số này là trên 50% bao gồm giá trị nguyên phụ liệu trong nước và các giá trị gia tăng khác.

Như vậy, năm nay với 24,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, dệt may đã mang lại giá trị thặng dư thương mại 12 tỷ USD.

Một thực tế không thể không nhắc đến là hàng dệt may Việt Nam đã có chỗ đứng khó lay chuyển tại hầu hết các thị trường trên thế giới. Nhiều thị trường đã vươn tới mốc “tỷ đô” như: Hoa Kỳ 8,85 tỷ USD; Nhật Bản 2,38 tỷ USD; Hàn Quốc 1,96 tỷ USD. Chỉ riêng 3 thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã chiếm gần 70% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may cả nước, trong đó, Hoa Kỳ là thị trường đầy tiềm năng.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định khá lạc quan: Trong nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực, hàng dệt may Việt Nam đang có đà tăng trưởng và những bứt phá ngoạn mục nhờ những FTA đã và sắp ký kết. Thuế xuất khẩu hàng dệt may sang nhiều thị trường có thể giảm về 0%, là cơ hội lớn để thương hiệu dệt may Việt Nam tăng tốc trong cuộc đua với nhiều thương hiệu dệt may lớn trên thế giới. Đây chính là sức hút để các nhà nhập khẩu từ các quốc gia khác chuyển dịch đơn hàng về Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội là những thách thức mà ngành cần phải tập trung giải quyết, đó là những yêu cầu về xuất xứ khi mà Hiệp định đối tác kinh tế Thái Bình Dương (TPP) yêu cầu xuất xứ từ sợi và FTA vớ EU yêu cầu xuất xứ từ vải, trong khi đó dệt vải vốn chưa phải là thế mạnh của Việt Nam.

Hai mươi năm qua, dệt may Việt Nam đã cạnh tranh song phẳng với tất cả các quốc gia trên thế giới mà không có bất kỳ một sự hỗ trợ đặc biệt nào. Bản thân các doanh nghiệp trong Tập đoàn và ngành đều đã phải bươn chải để chủ động tìm kiếm khách hàng.

Bên cạnh đó, dành nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu những thuận lợi và thách thức từ các Hiệp định sắp được ký kết để có đối sách phù hợp cũng như các giải pháp căn cơ nhằm đón đầu cơ hội.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chắc hẳn phải chuyển mình, tung hết sức, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa để đưa hàng dệt may tới vị trí dẫn đầu vững chắc trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực để hướng tới tương lai “sáng” hơn.

Kỳ vọng vào 2015

Năm 2015 được đánh giá là năm thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam.

Phân tích sâu về cơ hội tại các thị trường, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định: Triển vọng tăng trưởng kim ngạch ngay tại các thị trường truyền thống của ngành dệt may còn rất lớn.

Đơn cử như thị trường EU, đây là thị trường liên tục được mở rộng về quy mô mà Việt Nam cũng mới chỉ chiếm khoảng 1% tổng giá trị nhập khẩu hàng dệt may của thị trường này. Bên cạnh đó, khi FTA Việt Nam - EU được ký kết, thuế từ 12% về 0% sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn cho hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường này. Theo đó, EU tiếp tục là thị trường trọng điểm của dệt may Việt Nam trong thời gian tới.

Tương tự, ưu đãi về thuế do Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại cũng là yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ. Hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ hiện chịu thuế suất khoảng 17-18%, khi TPP được ký kết thuế suất này sẽ giảm dần xuống 0%. Cùng đó, thị trường Nga thuế quan áp dụng cho hàng dệt may chính ngạch của Việt Nam rất cao và được tính theo trọng lượng của sản phẩm.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Hải quan (Nga, Belarus, Kazakhstan) được ký kết vào đầu năm 2015 sẽ cải thiện đáng kể chính sách thuế, hải quan và tạo sức hấp dẫn lớn với doanh nghiệp.

Mặc dù Việt Nam là quốc gia được đánh giá có năng lực cạnh tranh cao tại chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, nhưng để phát triển bền vững thì việc xây dựng một thương hiệu riêng là rất cần thiết. Do vậy, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa khuyến cáo Việt Nam cần tiếp tục bứt phá hơn nữa để tiến lên bậc cao hơn trong chuỗi giá trị dệt may thế giới.

Một trong những thách thức này là khi bán sản phẩm dệt may ra thị trường, các nhà bán lẻ, các nhà nhập khẩu và nhà cung ứng sản xuất phải đáp ứng các qui định pháp lý của quốc gia nhập khẩu như yêu cầu về chất lượng sản phẩm, quản lý hóa chất, trách nhiệm xã hội, quản lý môi trường…Ngoài ra, tại một số thị trường còn phải đáp ứng các yêu cầu bổ sung như nhãn sinh thái, nhãn xanh, nhãn tiết kiệm năng lượng…

Trước nhu cầu thực tế, Bộ Công Thương đã ra Thông tư 32/2009/TT-BCT qui định giới hạn cho phép đối với hàm lượng chất Formaldehyt, các amin thơm có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cũng là một biện pháp để bảo vệ các doanh nghiệp nội địa.

Uyên Hương

vietnam+

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp giải thể không hẳn là tín hiệu xấu (28/12/2014)

>   Lượng hàng hóa qua cảng biển TP HCM tăng kỷ lục (28/12/2014)

>   Giá cước vận tải giảm chậm: Đông ý kiến, vắng giải pháp (28/12/2014)

>   Vì sao Châu Phi “thèm muốn” công nghệ điều Việt Nam? (28/12/2014)

>   Những chính sách ‘dậy sóng’ năm 2014 (28/12/2014)

>   Doanh nghiệp được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (28/12/2014)

>   TP.HCM tập trung mọi nguồn lực để tăng trưởng kinh tế hợp lý (28/12/2014)

>   EU chấm dứt điều tra chống trợ cấp đối với sợi Việt Nam (27/12/2014)

>   Dồn lực cho tôm xuất khẩu (27/12/2014)

>   Hoàn thành sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước vào 2015 (27/12/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật