Chuyện quản lý
Kinh doanh quan hệ
Việc minh bạch hóa chính sách, bao gồm các thông tin liên quan đến quy hoạch, kế hoạch, quy định hoặc ưu đãi… của Nhà nước đối với doanh nghiệp (DN) hoặc người dân là một trong những đòi hỏi chính đáng, bức thiết và cơ bản nhất trong quá trình cải cách hành chính.
Theo đó, các cơ quan quản lý, cán bộ phải thực hiện những vấn đề đó, trên tinh thần lấy DN, người dân làm đối tượng phục vụ. Chính phủ, các bộ cũng khẳng định, hiện đang còn nhiều dự án, công trình cần kêu gọi nguồn vốn trong dân, hoặc vốn nước ngoài.
Song, thực tế lại không diễn ra như vậy. Kết quả khảo sát mới đây của Ngân hàng Thế giới cho biết, 76% cán bộ làm việc trong lĩnh vực đất đai cho biết điều mà họ thích nhất trong công việc của mình là vị trí công tác cho phép họ đặc quyền tiếp cận thông tin. Đặc biệt, vấn nạn trên xảy ra nhiều nhất đối với cán bộ ở cấp xã.
Như vậy, thông tin đã trở thành quyền lực, có tính chất độc quyền, nằm trong tay những cá nhân trong cuộc và được xử lý theo ý riêng của họ. Đó là căn nguyên làm phát sinh tệ tham nhũng, vòi vĩnh, cửa quyền của một bộ phận cán bộ thuộc cơ quan công quyền. Hơn thế, thực tế đó cũng làm nảy sinh sự bất công, bởi chắc chắn cán bộ chỉ xử tốt với ai "biết điều" với họ, còn với những đối tượng khác thì không. Trong khi đó, pháp luật luôn khẳng định, mọi công dân đều được đối xử bình đẳng…
Thực tế cho thấy, những diễn biến mang tính đời thường mà ai cũng hiểu, thậm chí một số người còn đương nhiên thừa nhận là "sống" dựa vào các mối quan hệ "nhất thân, nhì quen". Cũng có không ít người phất lên nhờ các mối quan hệ, trong đó chủ yếu là nhờ việc đã "moi" được thông tin từ cơ quan chức năng. Họ "đi" với nhau và có lẽ đó là bản chất của cái "được" mà xã hội gọi là "lợi ích nhóm" đã xuất hiện từ vài năm gần đây.
Với những người này, có lẽ càng kín càng tốt!
Kính Lúp
Hà Nội Mới
|