Thứ Hai, 29/12/2014 08:50

Khi người ngoài nắm quyền xuất khẩu

Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước thường ví Việt Nam là bếp ăn của thế giới, được diễn giải là trong bữa ăn của các gia đình (kể cả ở các nước phương Tây) đều có ít nhất một sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam (nổi tiếng là gạo, thủy sản, hồ tiêu, hạt điều, cà phê). Tuy nhiên, trong thời gian tới đây, nhiều khả năng các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ nắm quyền xuất khẩu những sản phẩm này.

Sự thắng thế của “người ngoài”

Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), trong số 30 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất niên vụ 2013-2014 có gần 50% là doanh nghiệp FDI. Như vậy, đã có sự thay đổi khá rõ. Trước đây, doanh nghiệp FDI chỉ chiếm khoảng 30% trong tốp 20 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất.

Nhìn rộng ra, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy trong năm năm qua, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản của các doanh nghiệp FDI năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong 10 tháng đầu năm nay, mặt hàng rau quả của doanh nghiệp FDI đạt tổng giá trị xuất khẩu gần 108 triệu đô la Mỹ, tăng 17 triệu đô la Mỹ so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị xuất khẩu mặt hàng cà phê là 1,23 tỉ đô la Mỹ so với 717 triệu đô la Mỹ của cùng kỳ năm ngoái; hồ tiêu là 326 triệu đô la Mỹ so với 284 triệu đô la Mỹ.

Góp phần vào việc gia tăng giá trị xuất khẩu nông sản của các doanh nghiệp FDI là phương thức liên kết với nông dân và bao tiêu sản phẩm xuất khẩu của các doanh nghiệp này.

Một cán bộ trong Dự án Phát triển kinh tế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Dăk Nông (còn gọi là Dự án 3EM) của Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế - IFAD, cho biết có một doanh nghiệp Nhật Bản đến Việt Nam cung cấp giống khoai lang và phổ biến kỹ thuật trồng cho nông dân, sau đó toàn bộ sản phẩm được bao tiêu xuất khẩu sang Nhật. “Lâu nay, nhiều hộ dân cũng đã trồng khoai lang bằng giống trong nước và bán ở thị trường nội địa với giá bấp bênh. Giờ trồng theo giống của Nhật, cuối vụ, được họ bao tiêu sản phẩm, giá bán cao gấp hai lần”, ông này nói.

Hiện những công ty FDI đầu tư lớn vào nông nghiệp ở Việt Nam thuộc về Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Phần lớn các công ty này đầu tư vào cây chè, các mặt hàng rau quả ở khu vực Tây Nguyên, ĐBSCL...

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), nhiều công ty FDI đầu tư vào nông nghiệp, sau một thời gian thì kim ngạch xuất khẩu đều tăng do họ đã có thị trường ổn định từ trước. Điều mà các công ty này cần ở Việt Nam là đất đai, khí hậu và nhân công giá rẻ.

Cũng theo Vinafruit, thời gian qua, một số địa phương dành nhiều ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài hơn so với doanh nghiệp trong nước. Ở một tỉnh nọ, một số doanh nghiệp trong nước được chính quyền tỉnh hứa hẹn xem xét cho thuê đất mở rộng sản xuất nhưng họ đã phải chờ đợi rất lâu, trong khi tỉnh lại làm mọi thứ nhanh nhất có thể nhằm cấp đất cho một doanh nghiệp FDI. Do đó, không có gì khó hiểu nếu giá trị xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI năm sau luôn cao hơn năm trước.

Theo ông Văn Hoàng, Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu rau quả ở ĐBSCL, các phương tiện truyền thông đại chúng vẫn thường xuyên thông tin về những chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp FDI đầu tư vào nông nghiệp của các địa phương. Gần đây nhất là thành phố Cần Thơ muốn Chính phủ có cơ chế riêng cho vườn ươm công nghệ Hàn Quốc, mục đích là để thu hút các nhà đầu tư Hàn Quốc vào Cần Thơ mà lĩnh vực nông nghiệp là một trong những thế mạnh của thành phố này.

Xuất khẩu nhiều nhưng nộp thuế ít

Tuy khối doanh nghiệp FDI ngày càng chiếm ưu thế trong xuất khẩu các mặt hàng nông sản nhưng các cơ quan thuế thì lại đau đầu vì nạn chuyển giá tinh vi của họ. Nhiều doanh nghiệp được chính quyền cấp đất, tạo điều kiện mở rộng sản xuất nhưng luôn kêu thua lỗ.

Một trong những địa phương thu hút nhiều doanh nghiệp FDI vào nông nghiệp nhất là tỉnh Lâm Đồng. Có lẽ đây cũng là tỉnh “đau đầu” nhất vì tình hình các doanh nghiệp FDI kêu lỗ. Đỉnh điểm, có lúc ngành thuế Lâm Đồng buộc phải thanh tra thuế vì có tới hơn 100 doanh nghiệp FDI trên địa bàn đồng loạt báo cáo lỗ.

Bình luận về vấn đề này, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước vừa cười vừa nói: “Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp chúng tôi ít nhưng trong báo cáo tài chính đều có lợi nhuận, còn một số doanh nghiệp FDI có kim ngạch xuất khẩu lớn hơn nhưng lại báo là thua lỗ, nhưng năm sau họ lại tiếp tục mở rộng kinh doanh”.

Giám đốc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn một tỉnh ở khu vực phía Nam cho biết trước đây, một trong những mục tiêu của tỉnh này là phải thu hút được càng nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào nông nghiệp càng tốt. Vì thế, ngoài những chính sách ưu đãi chung, tỉnh luôn có thêm những ưu đãi về đất đai, hỗ trợ đào tạo nghề... và các ưu đãi khác. Vậy mà nhiều doanh nghiệp vẫn cứ báo lỗ, chỉ đến khi cơ quan thuế “làm căng” thì có doanh nghiệp bắt đầu báo cáo làm ăn hòa vốn. Có doanh nghiệp mà khoảng thời gian từ khi được cấp phép đầu tư cho đến khi bắt đầu nộp thuế thu nhập cho Nhà nước nhờ làm ăn có lãi kéo dài tới... 10 năm.

Đọc tiếp tại đây

Ngọc Hùng

tbktsg

Các tin tức khác

>   Nhìn Samsung mà ham! (29/12/2014)

>   Nợ thuế có được lập công ty? (29/12/2014)

>   Xuất khẩu dệt may bứt phá toàn diện, đạt cao nhất 3 năm qua (29/12/2014)

>   Doanh nghiệp giải thể không hẳn là tín hiệu xấu (28/12/2014)

>   Lượng hàng hóa qua cảng biển TP HCM tăng kỷ lục (28/12/2014)

>   Giá cước vận tải giảm chậm: Đông ý kiến, vắng giải pháp (28/12/2014)

>   Vì sao Châu Phi “thèm muốn” công nghệ điều Việt Nam? (28/12/2014)

>   Những chính sách ‘dậy sóng’ năm 2014 (28/12/2014)

>   Doanh nghiệp được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (28/12/2014)

>   TP.HCM tập trung mọi nguồn lực để tăng trưởng kinh tế hợp lý (28/12/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật