Uber cần ràng buộc đối tác về nghĩa vụ nộp thuế
Uber “tạo mọi điều kiện cho các đối tác của mình hoàn thành các nghĩa vụ thuế”. Đây là vấn đề được ông Michael Brown - Tổng Giám đốc Uber khu vực Đông Nam Á - khẳng định trong cuộc trả lời phỏng vấn của báo giới ngày 4.12.
Dư luận liền đặt câu hỏi: Vậy Uber “tạo mọi điều kiện” bằng cách nào? Bởi, thực tế cho thấy chỉ có Uber mới nắm rõ hết những khoản thanh toán của hành khách khi đi dịch vụ taxi Uber, và cũng chỉ có Uber mới biết rõ là chủ xe nào thu nhập bao nhiêu trong tháng.
Các thanh toán qua thẻ tín dụng, về nguyên tắc ngân hàng nắm rõ, nhưng ngân hàng nào thì chỉ biết các khoản thanh toán qua ngân hàng đó chứ không nắm được toàn diện như Uber. Một khi taxi Uber không có bảng hiệu hay dấu hiệu nhận diện, thì việc các cơ quan chức năng hay cơ quan thuế muốn “điểm mặt” cũng khó như “mò kim đáy bể”. Nhiều chủ xe là đối tác của Uber hiện nay, cung cấp dịch vụ vận tải mang tính nhỏ lẻ không có giấy phép kinh doanh, khi hợp tác với Uber thì chỉ có Uber nắm được, các cơ quan quản lý khó bề hay biết.
Vậy thì, nếu Uber hợp tác với các chủ xe tại Việt Nam mà không có ràng buộc điều khoản buộc họ phải thực hiện nghiêm nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước Việt Nam, thì cũng khó có chế tài nào kiểm soát nổi. Uber kinh doanh dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam, thu về lợi nhuận nhưng lại không trực tiếp đóng góp nghĩa vụ thuế cho Việt Nam, thì thiết nghĩ cũng cần có ràng buộc các điều kiện buộc các đối tác của mình tại Việt Nam thực hiện nghiêm nghĩa vụ thuế đối với quốc gia.
Các Cty nước ngoài hoạt động đa quốc gia có cung cấp dịch vụ hoặc kinh doanh tại VN thường luôn tuân thủ các quy định của Nhà nước VN, thậm chí còn buộc các đối tác của họ tại VN cũng phải tuân thủ nghiêm như một điều kiện ràng buộc để hợp tác. Còn nhớ gần 2 năm trước khi Zing MP3 bị dính vấn đề bản quyền nhạc số, ngay tức khắc Coca-Cola rồi Samsung đã rút các dự án quảng cáo và truyền thông trên trang nhạc này. Uber hoàn toàn có thể gây sức ép với các đối tác là chủ xe tại VN về vấn đề nộp thuế.
Tuy nhiên hiện nay, theo chúng tôi biết, Uber vẫn đang hờ hững chưa thể hiện rõ trách nhiệm về việc này. Một khi dịch vụ taxi Uber tại Việt Nam hoạt động không đăng ký kinh doanh và không thực hiện nghĩa vụ thuế, gây ra thất thu ngân sách và sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, thì thiết nghĩ các kiến nghị tạm dừng hoạt động của taxi Uber là hoàn toàn có lý.
Thẩm Hồng Thụy
lao động
|