Thủy điện nhỏ: Bộ loại, địa phương phớt lờ?
Đến khi Thanh tra Chính phủ kiến nghị loại bỏ tới 17 dự án thuỷ điện và thu hồi 14 dự án thuỷ điện ở Gia Lai, Bộ Công Thương vẫn chưa nắm bắt gì từ địa phương ở vấn đề này.
Cố tình không xử lý?
Trong kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc quản lý đầu tư xây dựng của tỉnh Gia Lai, cơ quan này kiến nghị thu hồi 14 dự án thuỷ điện và loại bỏ khỏi quy hoạch 17 dự án do hiệu quả kinh tế thấp, ảnh hưởng không tốt tới môi trường xã hội.
Nhưng trên thực tế, đáng lẽ việc này phải xong từ năm ngoái.
Tỉnh Gia Lai có 74 dự án thuỷ điện được cấp phép năm 2004 và 2008. Trong đó, có 33 dự án bị chậm tiến độ, tỉnh mới chỉ thu hồi 2 dự án là Ia Krel 1 và Krông Pạ 3, còn 31 dự án yếu kém Thanh tra Chính phủ vừa kiến nghị xử lý thu hồi và loại bỏ.
Tuy nhiên, trên thực tế, đây không phải là phát hiện sai phạm mới, mà kỳ thực chỉ là kiến nghị đúng nội dung cũ mà Bộ Công Thương đã từng triển khai.
Cả nước có 284 công trình thuỷ điện đang vận hành
với tổng công suất lắp máy 14.698 MW.
|
Cụ thể, 17 dự án của tỉnh này đã nằm trong danh sách 418 dự án thuỷ điện nhỏ cần loại bỏ khỏi quy hoạch mà Bộ Công Thương báo cáo Quốc hội năm ngoái. Danh sách này cũng đã được Thủ tướng đồng ý thông qua.
Ngoài ra, 14 dự án thủy điện chậm tiến độ cũng chính là số dự án mà hồi tháng 4/2013, UBND tỉnh này đã đôn thúc các Sở Công Thương, KH-ĐT thu hồi. Việc này phải được thực hiện ngay trong tháng đó.
Thế nhưng, kết luận mà Thanh tra Chính phủ công bố ngày 19/11 lộ ra vấn đề: gần một năm qua, 31 dự án trên vẫn "sống". Tỉnh vẫn chưa khai tử và thu hồi theo đúng chức năng của mình.
Một chuyên gia về ngành này chia sẻ, theo Thông tư 43, kể từ giữa năm 2013, sự phân cấp trong quản lý thuỷ điện cho địa phương đã được rút lại. Bộ Công Thương toàn quyền ra quyết định sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch thuỷ điện gồm cả các công trình thuỷ điện nhỏ dưới 30MW. Giai đoạn năm 2006-2008, với nhóm các dự án nhỏ này, Bộ chỉ thẩm định cho ý kiến, UBND các tỉnh là đơn vị cấp phép. Như vậy, số phận 31 dự án trên do UBND tỉnh Gia Lai xử lý.
Điều đáng nói, Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối phát hiện và chỉ đạo việc này từ sớm, nhưng Bộ không hề biết những thông tin trên. Sau khi có phản ánh từ báo chí, cơ quan này mới tìm hiểu và đang yêu cầu Sở Công Thương tỉnh Gia Lai báo cáo.
Không ít người lo ngại, liệu con số 418 dự án thuỷ điện mà Bộ Công Thương "đưa ra" trước Quốc hội và Chính phủ như một thành tích cho chiến dịch rà soát thuỷ điện, liệu đã thực sự loại bỏ hay vẫn ngang nhiên tồn tại?
Nói một đằng, làm một nẻo
Chỉ mới hồi tháng 8, tại hội thảo về thuỷ điện do Bộ Công Thương tổ chức, Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Đào Ngọc Liên đã quả quyết rằng: "Hiện, tỉnh đã dừng hết các thuỷ điện nhỏ. Gia Lai thấy như vậy là đủ thuỷ điện rồi. Giờ, thêm 5MW, 10 MW nữa sẽ không tới đâu, sẽ ảnh hưởng đến rừng, đến sản xuất của đồng bào".
Đối với các dự án thuỷ điện nhỏ, hiện có 226 công trình đang vận hành, 171 dự án đang thi công. Ngoài 418 dự án bị yêu cầu loại bỏ, tháng 8/2014, Bộ Công Thương tiếp tục đề nghị các tỉnh loại bỏ thêm 12 dự án thuỷ điện.
|
Khi đó, tỉnh này vừa "ăn quả đắng" với việc vỡ đê quai đập ở dự án thuỷ điện Ia Krel 2 (huyện Đức Cơ) lần thứ hai trong vòng một năm và chua xót với dự án thuỷ điện An Khê Ka Nak đã biến sông Ba thành dòng sông chết.
Ông Liên cũng từng nhấn mạnh, nhà cửa có thể tốt hơn, đường sá tốt hơn nhưng đời sống nhân dân sẽ khổ hơn khi làm thuỷ điện như vậy.
Thế nhưng, kết luận Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng: Tỉnh đã không chỉ đạo các ngành chức năng công bố quy hoạch đúng quy định. Quá trình chấp thuận, cấp giấy chứng nhận, thẩm định dự án của tỉnh đối với 16 dự án là trái với quy định. Tỉnh thẩm định đều xác nhận dự án phù hợp quy hoạch nhưng khi kiểm tra, có 14 dự án tự ý tăng công suất lắp máy, 5 vị trí đập bị thay đổi vị trí và 3 dự án vừa thi công, vừa xin điều chỉnh. Đây là lý do khiến cho 16 dự án bị thu hồi đã gây hậu quả lãng phí cho các nhà đầu tư
Thanh tra CP nhấn mạnh, trách nhiệm thuộc về tỉnh và các sở: Công Thương, KH-ĐT, chứ không phải thuộc về chủ đầu tư.
Trong khi đó, ở đầu mối Trung ương, Bộ Công Thương cho biết đã ban hành ít nhất 4 công văn gửi 5 bộ liên quan và 4 chỉ thị để đôn đôn các vấn đề liên quan thuỷ điện kể từ đầu năm. Đồng thời, Bộ đã có 4 đoàn đi kiểm tra thuỷ điện trên 5 tỉnh, trong đó có Kon Tum Đắc Lăk, Quảng Nam, Phú Yên và Gia Lai.
Bộ Công Thương cũng thừa nhận, do thiếu kinh nghiệm nên việc quản lý chất lượng thuỷ điện chưa được chặt chẽ. Một số chủ đầu tư còn tự điều chỉnh quy mô, thay đổi thiết kế bản vẽ kỹ thuật thi công so với hồ sơ thiết kế đã được cấp có thẩm quyền tham gia ý kiến, nhưng không báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước. Trong quá trình thi công, các chủ đầu tư không báo cáo tình hình triển khai xây dựng cho các cơ quan chức năng theo quy định.
Bộ này khẳng định sẽ kiên quyết loại bỏ những dự án thuỷ điện có hiệu quả thấp, quy mô nhỏ, tác động tiêu cực tới môi trường xã hội, không thuận lợi về giao thông và đấu nối điện.
Tuy nhiên, câu chuyện của tỉnh Gia Lai cho thấy rằng, không thể đổ hết lỗi cho chủ đầu tư trong vấn đề thuỷ điện. Bộ có thể đã kiến nghị loại bỏ rất nhiều dự án, nhưng thực hư các địa phương triển khai ra sao thì... lại bỏ ngỏ. Rõ ràng ở đây đã thiếu sự đôn đốc, kiểm tra từ cơ quan quản lý TƯ, dẫn đến chuyện địa phương "nhờn" luật.
Phạm Huyền
diễn đàn kinh tế việt nam
|