Triển vọng hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam-Israel
Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1993, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Israel đã có những bước phát triển tốt đẹp.
Hợp tác giữa hai nước được thúc đẩy trên hầu hết các lĩnh vực, bao gồm chính trí, ngoại giao, kinh tế, thương mại, tài chính, khoa học và công nghệ, nông nghiệp, thông tin và truyền thông, văn hóa, du lịch, giao thông vận tải.
Ngày 30/5/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 838 thành lập Phân ban Việt Nam trong Ủy ban liên Chính phủ giữa Việt Nam và Israel về hợp tác và kinh tế, khoa học và công nghệ và các lĩnh vực khác.
Cuối tháng Chín và đầu tháng Mười vừa qua, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Khóa họp lần thứ nhất Ủy ban liên Chính phủ tại Israel.
Sự kiện này mở ra triển vọng mới về hợp tác khoa học và công nghệ giữa hai nước trong thời gian tới.
Đất nước Israel nằm ở phía Đông Địa Trung Hải có diện tích 20.770km2, dân số gần 9 triệu người. Khí hậu ở đây ôn hòa, trừ khu vực sa mạc miền Đông và Nam nóng và khô.
Tài nguyên của Israel hết sức hạn chế, chỉ có ít Potash, quặng đồng, phốt phát dạng đá, bromide manhê, đất sét... Cơ cấu kinh tế trong đó nông nghiệp 2,8%, công nghiệp 37,7%, dịch vụ 59,5%.
Tuy tăng trưởng kinh tế năm 2013 chỉ 3,7%, song GDP bình quân lên tới 31.514 USD. Đó là nhờ xuất khẩu kim cương đã chế tác, thiết bị công nghệ cao, vũ khí, phần mềm tin học, hóa chất và dệt may... đã và đang là thế mạnh vượt trội của đất nước này.
Tài nguyên chính là trí tuệ con người
Đây là khẳng định Bộ trưởng Bộ Kinh tế Israel, ngài Naftali Bennet khi đề cập đến nền tảng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước mình.
Cũng như nhiều quốc gia nhỏ và rất nghèo tài nguyên thiên nhiên khác, Israel xác định một cách đúng đắn là chính sách khoa học và công nghệ phải nâng cao được vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.
Để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghiệp, Văn phòng của Nhà Khoa học đầu ngành thuộc Bộ Kinh tế là “cánh tay” hỗ trợ của Chính phủ Israel.
Nhiệm vụ của Văn phòng đã được xác định thông qua “Luật cho Khuyến khích nghiên cứu công nghiệp và phát triển-1984,” các hoạt động được hỗ trợ thông qua Quỹ nghiên cứu và phát triển, cũng như một loạt các các chương trình quốc tế, các thỏa thuận hợp tác.
Văn phòng hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp khoa học và công nghệ dựa trên tri thức của Israel, nhằm khuyến khích sự sáng tạo và tinh thần kinh doanh đồng thời kích thích kinh tế tăng trưởng.
“Có nghĩa là bất cứ cá nhân, tổ chức và tập thể nào có ý tưởng khoa học khả thi, đều nhanh chóng được hỗ trợ kinh phí từ Quỹ nghiên cứu và phát triển,” ông Avi Hanson, Nhà khoa học đầu ngành, Bộ Kinh tế Israel khẳng định.
Còn mục tiêu chính của Bộ Khoa học, Công nghệ và Không gian Israel là tăng cường nhận thức của công chúng đối với vai trò hoạt động của khoa học và công nghệ, cũng như các thế hệ trẻ gần gũi hơn với khoa học bằng cách thúc đẩy khả năng tiếp cận khoa học.
Trong những thập kỷ qua, Bộ này đã thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển khu vực ở phía Bắc, Jerusalem, sa mạc Negev và Biển Chết. Các trung tâm này thu hút những nhà nghiên cứu, cung cấp cơ hội và việc làm và góp phần phát triển địa phương.
Có thể coi trung tâm nghiên cứu và phát triển khu vực là sáng kiến độc đáo, là nền tảng cho những thành tựu to lớn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ của Israel.
Về lĩnh vực khoa học, Israel khuyến khích thành lập các trung tâm xuất sắc với sự tham gia của các nhà khoa học hàng đầu, với nhiệm vụ nghiên cứu chất lượng cao các lĩnh vực liên quan đến khoa học.
Về lĩnh vực công nghệ, Israel phấn đấu nghiên cứu ở trình độ cao một số lĩnh vực công nghệ nhưng không hề dàn trải. Chính vì vậy, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển của Israel thuộc hàng cao nhất thế giới, đạt 34,8% GDP, với nguồn nhân lực chất lượng cao cho khoa học và công nghệ.
Ông Avi Hanson cho biết thế mạnh về khoa học và công nghệ của đất nước ông hiện nay là những công nghệ về nước; môi trường; năng lượng tái tạo; khoa học sự sống; công nghệ truyền thông; sản xuất bán dẫn; công nghệ hóa chất; nông nghiệp và công nghệ sản xuất ôtô, điện tử và tự động hóa.
Một trong những công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong những năm qua của Israel là ngành khoa học sự sống, đứng đầu thế giới về số lượng các patent về thiết bị y tế, với hơn 1.000 công ty xuất khẩu hơn 6 tỷ USD hàng hóa thảo dược và thiết bị y tế.
Từ năm 2004 đến 2010 đã có 4 nhà khoa học nhận giải thưởng Nobel về hóa học. Trước năm 1996, Israel là nơi hội tụ của 186 công ty chuyên ngành về khoa học sự sống, hiện con số này tăng lên 1.000.
Có 7 trường đại học và 5 bệnh viện kết nối với các tổ chức chuyển giao công nghệ của thế giới-TTO.
Dấu ấn của khoa học công nghệ
Một trong những ngành phát triển xuất sắc ở Israel phải được kể đến là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng xuất khẩu trên khắp thế giới.
Có được kết quả này là nhờ Israel ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ của khoa học và công nghệ, trong đó phải kể đến ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học, sử dụng đất và ánh sáng Mặt Trời cũng như nước thải công nghiệp theo phương thức bền vững.
Đặc biệt, năng lực tái sử dụng tới 80% nước đã qua sử dụng; hệ thống tưới tiêu đạt từ 70-80% hiệu suất sử dụng nước trong nông nghiệp, mức cao nhất của thế giới hiện nay.
Vì vậy, từ bờ Biển Địa Trung Hải tươi đẹp ngập tràn nắng gió, đến vùng đất thánh địa Jerusalem cổ kính, cho dù là sa mạc Negev và Biển Chết đều ghi rõ dấu ấn của ứng dụng khoa học và công nghệ cao.
Đó là những mạng lưới cung cấp nước thông minh len lỏi đến từng gốc cây ngọn cỏ. Nổi bật là hệ thống dẫn nước dài hàng trăm km tỏa đi nhiều hướng hình thành nên những khu chuyên canh cây ôliu, chà là cùng các loại rau màu, hoa trái đa dạng như các ốc đảo xanh mướt mát trên các cao nguyên đầy sỏi đá khô cằn.
Chúng tôi đã đến thăm cơ sở sản xuất và chăn nuôi của Công ty Kaiima (tức là bền vững). Đây là một công ty hàng đầu về di truyền học và công nghệ chăn nuôi, trong đó, công nghệ chính là công nghệ bảo vệ môi trường không biến đổi gen.
Ngoài ra, Kaiima còn phát triển các chương trình chăn nuôi tiên tiến, năng suất và hiệu quả sử dụng tài nguyên vốn có của thực phẩm và năng lượng cây trồng.
Ngoài việc nâng cao năng suất cây trồng, nền tảng công nghệ Kaiima cũng có khả năng lai tạo các loài để tạo ra giống mới phục vụ cho phát triển nông nghiệp bền vững.
Nếu không được chuyên gia của Công ty Kaiima giới thiệu cặn kẽ, chúng tôi thật khó có thể hình dung nổi khi đến khu sản xuất giống lúa thuần chủng và lúa lai của Công ty trồng trên sa mạc Negev cao hàng nghìn mét so với mực nước biển.
Bất chấp khí hậu hanh khô, cây lúa vẫn sinh trưởng đơm bông chắc hạt trĩu cành. Sự thần kỳ đó là nhờ hệ thống làm đất tơi xốp và hệ thống tưới như những mao mạch len lỏi đến từng gốc lúa, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây theo chế độ đã lập trình.
Còn về công nghệ sản xuất chất bán dẫn, Israel đã từ lâu được coi là quốc gia dẫn đầu thế giới về lĩnh vực này.
Nhiều công ty hiện đang nghiên cứu phát triển các thiết bị cho các nhà sản xuất bán dẫn. Tiêu biểu như Viện Công nghệ Technion Israel đã sản xuất được sợi nano đầu tiên của thế giới, mỏng hơn sợi sử dụng trong các vi mạch đến 3 lần.
Công ty toàn cầu Galtronics chuyên cung cấp các thiết bị viễn thông, điện tử với chất lượng và mức giá tốt nhất, với hệ thống quản lý chất lượng mà hoạt động dựa trên yêu cầu tiêu chuẩn quốc tế ISO-90001:2008.
Mục tiêu chính của Công ty là cung cấp các sản phẩm an toàn và hiệu quả cho khách hàng, trong khi vẫn đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của các nhà quản lý và các cổ đông của Công ty.
Mới đây, ngày 15/1, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Galtronics Việt Nam, 100% vốn của Israel, đã được cấp giấy phép đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị viễn thông, điện tử tại Khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, trên diện tích đất 12.000m2.
Văn Hào
vietnam+
|