Thứ Sáu, 07/11/2014 08:44

“Thay áo” cho thương mại biên giới

Kinh tế biên mậu là thế mạnh riêng của các vùng biên giới. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng cửa khẩu, thương mại, giao thông chưa phát triển, đặc biệt, hành lang pháp lý về buôn bán qua biên giới còn nhiều bất cập. Đây là trở ngại lớn kìm hãm phát triển thương mại vùng biên. Vấn đề cấp thiết đặt ra là cần khẩn trương xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hoàn chỉnh có tính pháp lý cao về thương mại biên giới.

Thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) - cửa ngõ giao thương vùng đông bắc

Lợi thế chưa được phát huy

Tính đến nay, trên toàn tuyến biên giới có 23 cửa khẩu quốc tế, 24 cửa khẩu chính, 42 cửa khẩu phụ, khoảng trên 160 đường mòn, lối mở qua biên giới và 25 khu kinh tế cửa khẩu đã được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Thương mại biên giới cũng là kênh thông thương chính giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Campuchia, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch thương mại chung của cả nước. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nhận định, với ưu thế địa lý cận kề, giao thương biên giới có rất nhiều thuận lợi. Mặt khác, trong quan hệ kinh tế- thương mại với các nước có chung đường biên giới, thương mại biên giới có ưu thế đặc biệt, đó là trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tất cả các nước đều phải cam kết không phân biệt đối xử trong quan hệ với tất cả các đối tác. Riêng trong quan hệ thương mại với các nước giáp biên giới có thể sử dụng ưu đãi cao hơn mức cam kết mà không phải dành những ưu đãi tương tự cho các đối tác thương mại khác. Bên cạnh đó, thương mại biên giới có thể sử dụng các hạn chế bị cấm theo cam kết hội nhập nếu cần mà không lo vi phạm cam kết hội nhập.

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú:

Các nước có chung biên giới với Việt Nam hiện nay có sự khác biệt rất lớn về trình độ phát triển, cơ cấu kinh tế, hệ thống pháp lý trong quản lý thương mại biên giới và nhiều mặt khác. Do đó, bên cạnh những văn bản quy phạm pháp luật quản lý chung thống nhất về Thương mại biên giới của Việt Nam, cần có những văn bản quy phạm pháp luật để quản lý phù hợp với đặc thù tuyến biên giới.

Qua thương mại biên giới, có thể bán qua biên giới các loại hàng hóa với số lượng từng lô hàng tương đối nhỏ, chất lượng và mẫu mã chưa đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu chính ngạch đi các nước khác. Đồng thời doanh nghiệp quy mô nhỏ, với trình độ kinh doanh còn hạn chế cũng có thể tham gia thương mại biên giới. Cùng với đó là lợi thế về phương thức hoạt động đa dạng và tương đối phù hợp với trình độ dân trí, tri thức khu vực biên giới. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cũng chỉ ra một số hạn chế của thương mại biên giới, đó là khó kiểm soát, nếu không có cách quản lý riêng phù hợp có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; ngoài ra có thể bị tác động về môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Thiếu chính sách phù hợp

Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, hoạt động thương mại qua biên giới thực sự là động lực đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, thương mại, dịch vụ của vùng biên giới nói riêng và của cả nước nói chung, tạo ra những chuyển biến về đời sống xã hội khu vực biên giới. Tuy vậy, hoạt động này vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc.

Đó là: hạ tầng kỹ thuật cho thương mại biên giới nhìn chung còn yếu kém, lạc hậu; chưa có hệ thống đồng bộ các thỏa thuận giữa Việt Nam và các nước có chung đường biên giới trong quản lý thương mại biên giới; các phương thức kinh doanh thương mại biên giới còn nghèo nàn, thiếu những dịch vụ hỗ trợ thương mại cơ bản tại cửa khẩu… Đặc biệt đến nay ta vẫn chưa có hệ thống chính sách quản lý thương mại biên giới đủ hiệu lực pháp lý, đồng bộ và hiệu quả. Hiện nay việc quản lý hoạt động này đang tiếp tục được điều hành trên cơ sở văn bản chính là Quyết định 254/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ cùng một số lượng rất hạn chế các thông tư.

Tuy nhiên, một số quy định của Quyết định 254 trở nên không còn phù hợp với tình hình mới, phát sinh những vướng mắc, bất cập mà nếu không được giải quyết, thì những yếu tố tích cực trước kia sẽ không còn phát huy được hiệu quả, thậm chí có thể trở thành lực cản cho phát triển thương mại biên giới hôm nay. Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cũng cho rằng việc quản lý, điều hành hoạt động mua bán trao đổi hàng hóa qua biên giới hiện nay, chủ yếu vẫn thực hiện theo cơ chế, chính sách xuất nhập khẩu chính ngạch nên chưa phát huy được những tiềm năng, lợi thế riêng của mình. Do đó, cần sớm xây dựng và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật riêng biệt để quản lý hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới.

Cần xây dựng pháp lệnh về thương mại biên giới

Nhằm phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về thương mại biên giới trong tình hình mới, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh, cần sớm xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ và có hiệu quả. Trước hết, cần có một văn bản quy phạm pháp luật có tính pháp lý cao hơn mức Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thương mại biên giới. Về lâu dài, cần nghiên cứu bổ sung các nội dung liên quan đến thương mại biên giới vào Luật Thương mại, hoặc ban hành một pháp lệnh riêng về thương mại biên giới.

Để tận dụng tối đa lợi thế, đồng thời khắc phục các mặt hạn chế của thương mại biên giới, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các nước láng giềng trong việc xây dựng các văn bản quản lý của hai bên bằng các hiệp định, thỏa thuận. Cả Việt Nam và các nước có chung đường biên giới cần quy phạm hóa các hoạt động quản lý thương mại biên giới, trước hết là quy phạm hóa vấn đề kiểm soát chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó, cần đầu tư phát triển hạ tầng, trong đó ưu tiên số một là hạ tầng giao thông nối ra các cửa khẩu để bảo đảm và tạo điều kiện cho hàng hóa của các thương nhân hoạt động tương mại biên giới và cư dân biên lưu thông thuận lợi để thúc đẩy phát triển biên mậu, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu biên giới. Tiếp đó, cần đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng tại các cửa khẩu như kho tàng, bến bãi, kho ngoại quan, trụ sở làm việc của các cơ quan chức năng... Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại biên giới ngày càng lớn mạnh về tài chính, nhân lực, trình độ kinh doanh. Song song đó, cần tạo mối giao thiệp chặt chẽ với cơ quan chính quyền nước làng giềng để hiểu rõ cách quản lý của nước bạn để có cơ chế phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của thương nhân và cư dân qua biên giới.

Hải Ngọc - Xuân Phú

công thương

Các tin tức khác

>   Ngấm đòn khủng hoảng, DN đã nhỏ càng thêm yếu (07/11/2014)

>   Bộ Tài chính đề nghị kiểm tra giá cước vận tải (07/11/2014)

>   Giá thuốc và thiết bị y tế có thể rẻ hơn (06/11/2014)

>   Bãi bỏ thêm 114 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (06/11/2014)

>   Thị trường bánh ngọt cạnh tranh khốc liệt (06/11/2014)

>   Chấn chỉnh giá cước vận tải không chịu giảm theo giá xăng (06/11/2014)

>   Nông nghiệp Việt “đủng đỉnh” tiến vào hội nhập sau gần 2 thập kỷ (06/11/2014)

>   "Không có luật nào phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nội, ngoại" (06/11/2014)

>   Cú “nhấn ga” của hàng xa xỉ (06/11/2014)

>   Mỹ: Thắng lợi của đảng Cộng hòa và triển vọng TPP (06/11/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật