Thị trường bánh ngọt cạnh tranh khốc liệt
Bên cạnh những thương hiệu bánh ngọt trong nước có mặt từ lâu, nhiều thương hiệu bánh nước ngoài đã bắt đầu đổ bộ vào Việt Nam. Điều này hứa hẹn một cuộc cạnh tranh khốc liệt trong tương lai gần.
* Thị trường bánh kẹo: Đường đã bớt ngọt?
Những cửa hàng bánh ngọt ngày càng thu hút đông đảo giới trẻ.
|
Hiện nay, thị trường bánh ngọt có sự góp mặt của hơn 100 thương hiệu khác nhau kể cả trong nước và nước ngoài. Trong đó, 75- 80% thị phần nằm trong tay các công ty bánh kẹo lớn trong nước như: Kinh Đô Bakery (36 cửa hàng- 17 cửa hàng tại TP.HCM), ABC Bakery ( 28 cửa hàng - 17 cửa hàng tại TP.HCM)… Đặc biệt ABC Bakery đã trở thành nhà cung cấp chính cho các chuỗi hệ thống thức ăn nhanh của KFC, Jollibee, Lotteria, Metro... và là nhà bán lẻ cho nguồn khách hàng bình dân.
Ngoài những thương hiệu bánh ngọt trong nước, những năm gần đây các thương hiệu nước ngoài bắt đầu đổ bộ và phát triển nhanh chóng tại TP.HCM nổi bật nhất là các thương hiệu Hàn Quốc, Singapore.
Các cửa hàng mang thương hiệu của Hàn Quốc đang là một trong những đối thủ cạnh tranh chính đối với các thương hiệu trong nước như Tous les Jours vừa khai trương cửa hàng thứ 19 tại TP.HCM và đang xúc tiến để mở thêm 11 cửa hàng nữa trong những tháng cuối năm nay. Thương hiệu Paris Baguette sau khi vào Việt Nam hồi tháng 4/2014 cũng đang xúc tiến việc mở cửa hàng thứ 3 trong thời gian tới.
Các nhà đầu tư Singapore cũng khá mặn mà với thị trường này. Điển hình như thương hiệu Lovebread vào Việt Nam từ năm 2004 nay đã có 16 cửa hàng (chủ yếu tại siêu thị Co.op mart) với 6 cửa hàng mang thương hiệu Breadtalk.
Với sự góp mặt của các công ty nước ngoài, các công ty bánh kẹo trong nước cũng chạy đua trong việc mở thêm các cửa hàng với mục đích mở rộng thị trường kéo khách trở lại với thương hiệu trong nước trước sự cạnh tranh ngày càng lớn. Đường Cao Thắng- Quận 3 được mệnh danh là con đường bánh ngọt khi có tới 7 cửa hàng kinh doanh cùng có mặt tại đây gồm: Breadtalk của Singapore, Tous les Jours và Paris Baguette của Hàn Quốc cùng 4 cửa hàng của các công ty trong nước là Givral, Kinh Đô (KDC), Sweet Home Bakery và Đức Phát.
Việc cạnh tranh khốc liệt của các cửa hàng kinh doanh bánh ngọt đã tạo đà cho sự mở rộng các mô hình kinh doanh mới tại Việt Nam. Khi mới vào Việt Nam, các thương hiệu bánh nước ngoài chỉ định vị ban đầu với mô hình cửa hàng bánh ngọt, nhưng sau đó các cửa hàng này nhanh chóng kết hợp kinh doanh bánh ngọt và cà phê như chuỗi cửa hàng cà phê - bánh ngọt Dunkin’ Donuts, Paris Baguett…
Đến lượt các thương hiệu cà phê chính hiệu cũng phát triển theo mô hình cà phê và bánh ngọt như như Starbucks, Highlands Coffee, Gloria Jean’s Coffees…
Không chỉ các thương hiệu nước nước ngoài thay đổi hướng kinh doanh mà các công ty bánh kẹo trong nước cũng nắm bắt được những thay đổi và chuyển hướng như công ty Kinh Đô Sài Gòn phát triển hệ thống cửa hàng K- Do bakery & café, hay mô hình ABC Bakery & café của bánh kẹo Á Châu.
Không chỉ các thương hiệu lớn mà thị trường bánh ngọt Việt Nam còn có sự phát triển đa dạng mô hình kinh doanh của các cá nhân đứng ra tự kinh doanh. Theo trang web: http://wedfoody.vn đã ghi nhận được 2035 địa điểm cà phê- bánh ngọt trên địa bàn TP.HCM. Điều này cho thấy sự phát triển nhanh chóng và đa dạng của thị trường bánh ngọt Việt Nam.
Cao Huệ
công thương
|