Thấy gì từ làn sóng nhập xe hạng sang về Việt Nam?
Trong chưa đầy nửa năm, có tới 3 thương hiệu xe sang và siêu sang chính thức gia nhập thị trường xe Việt. Cùng với đó là sự xuất hiện của hàng chục mẫu xe mới với giá tiền tỷ và giá trị kim ngạch nhập khẩu ôtô trong 10 tháng đã tăng gần 100% so với cùng kỳ năm ngoái. Những con số này đã và đang nói lên điều gì?
Xe siêu sang tại Việt Nam: chỉ còn thiếu Ferrari và Bugatti
Là một thị trường có quy mô còn nhỏ trong khu vực với tổng doanh số chưa tới 130.000 xe/năm nhưng Việt Nam gần như đã quy tụ hầu hết các thương hiệu xe lớn trên thế giới. Không chỉ có các nhãn xe bình dân, các tên tuổi trong làng xe hạng sang và siêu sang cũng đã có gần đủ. Trong đó, chỉ riêng trong 6 tháng trở lại đây, có tới 3 nhãn xe sang là Infiniti, Jaguar và Bentley đánh dấu sự có mặt chính thức tại Việt Nam.
Xe nhập, đặc biệt là ôtô hạng sang và siêu sang liên tục đổ bộ về Việt Nam trong thời gian qua
|
Những thương hiệu xe hiếm hoi còn thiếu như Ferrari, Aston Martin cũng ít nhiều để mắt tới thị trường nhỏ nhưng nhiều tiềm năng này và lượng xe siêu sang đang vận hành tại Việt Nam không hề nhỏ nếu so sánh với nhiều nước có quy mô thị trường cũng như thu nhập trung bình lớn hơn rất nhiều.
Theo ước tính sơ bộ của đại diện thương hiệu mới vào Việt Nam, Bentley, số lượng xe siêu sang nhập từ Anh Quốc trong nước hiện này vào khoảng 230 xe, một con số gây kinh ngạc với nhãn xe có trị giá bán cả chục tỷ đồng/chiếc. Con số tương tự với Rolls-Royce, thương hiệu xe siêu sang hàng đầu thế giới là khoảng 100 xe trong đó có những xe trị giá sau thuế lên tới hơn 20 tỷ đồng/chiếc.
Không chỉ sân chơi siêu sang mà cuộc chơi giữa các nhãn xe sang thấp cấp hơn như Audi, Mercedes, BMW, Porsche hay Land Rover cũng đang vô cùng sôi động.
Hàng loạt những mẫu xe mới liên tiếp được đưa về Việt Nam. Chỉ trong 2 tháng 9, 10 cả chục mẫu xe tiền tỷ như Porsche Macan, Peugeot RCZ, BMW M4 Coupe... rủ nhau trình làng.
Xe nhập nở rộ, xe nội mịt mù tương lai
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của mảng xe nhập đặc biệt là ôtô hạng sang đã có ảnh hưởng lớn tới kim ngạch nhập khẩu xe nguyên chiếc trong 10 tháng qua.
Theo ước tính của Tổng cục thống kê, kim ngạch nhập khẩu ôtô từ đầu năm tới nay liên tục duy trì ở mức cả về lượng và giá trị. Cho tới nay, các doanh nghiệp đã nhập khẩu 51.000 xe các loại, với tổng giá trị kim ngạch lên đến 1,18 tỷ USD, cao hơn nhiều so cùng kỳ năm 2013. Cùng thời điểm năm ngoái, con số này chỉ là 34.500 chiếc với giá trị 709 triệu USD. Như vậy, lượng ô tô nhập khẩu đã tăng đến 76,1% về lượng và tăng 93% về giá trị. Và theo dự đoán, lượng xe hơi về Việt Nam trong hai tháng cuối năm 2014 sẽ còn tăng khi thị trường bước vào giai đoạn mua sắm cuối năm đầy sôi động.
Trong lúc nhà nhà người người đua nhau nhập xe, tương lai của ngành công nghiệp ôtô trong nước tiếp tục mịt mù, nhất là khi thời điểm cắt giảm thuế của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) ngày càng tới gần và thuế nhập khẩu xe đang dần hạ xuống.
Hiện nay, tỷ lệ sản xuất nội địa của các doanh nghiệp ô tô rất thấp chỉ đạt từ 10-30% tùy theo dòng xe và các linh kiện được sản xuất tại Việt Nam phần lớn đều là các loại phụ tùng đơn giản giá trị thấp như các chi tiết nhựa, cao su hay dây điện.
Điều đó đồng nghĩa với việc tới năm 2018, chi phí nhập khẩu phụ tùng và lắp ráp tại Việt Nam sẽ đắt hơn nhiều tổng chi phí nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan hoặc Indonesia, nơi mà hầu hết các thương hiệu xe lớn đều có nhà máy sản xuất quy mô lớn.
Theo nhận định của đại diện một số hãng xe lớn tại Việt Nam, thời điểm 2018 sẽ chưa phải là "ngày tận thế" với ngành công nghiệp xe hơi trong nước nhưng việc "trụ hạng" hay rút ngắn khoảng cách với các nước láng giềng là rất khó khăn.
Do đó, nhiều khả năng tới thời điểm đó, sẽ chỉ còn một số ít doanh nghiệp có thị phần lớn duy trì việc lắp ráp những mẫu xe còn có lợi thế. Những thương hiệu xe còn lại sẽ chuyển sang nhập xe nguyên chiếc về phân phối.
Và việc đẩy mạnh nhập và ra mắt xe mới và thời điểm hiện nay chính là các bước đệm để các đại gia xe "giữ chỗ" và chờ thời điểm để bùng nổ khi thuế suất nhập khẩu về 0%.
K.N
lao động
|