Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Còn nguyên mối lo quản trị
Cổ phần hóa là một bước tiến lớn ảnh hưởng đến cấu trúc quản trị của doanh nghiệp. Nhưng nếu cổ phần hóa chỉ dừng ở một tỉ lệ thấp, mối lo về quản trị có lẽ vẫn còn nguyên đó.
Cái tên Vietnam Airlines (Tổng công ty Hàng không Việt Nam) được cổ phần hóa và sẽ bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) ra công chúng vào ngày 14-11 tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM nghe có vẻ hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư. Nhưng không ít tổ chức đầu tư tỏ ra thờ ơ với thông tin này, bởi theo họ, có cổ phần hóa, bản chất vẫn là doanh nghiệp nhà nước...
Sau cổ phần hóa, liệu Vietnam Airlines có chuyển mình nâng cao chất lượng dịch vụ?
|
Trong năm 2014, dưới sức ép của Chính phủ, quá trình cổ phần hóa đã được đẩy mạnh hơn. Chỉ trong chín tháng đầu năm đã có 71 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tức gần bằng cả năm 2013, được cổ phần hóa.
Từ nay đến hết năm 2015, dự định sẽ có năm công ty mẹ của các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) được cổ phần hóa.
Đó là các công ty mẹ của TCT Hàng không, TCT Hàng hải, TCT Sông Đà, TCT Đầu tư phát triển nhà và đô thị, TCT Công nghiệp ximăng. Tuy nhiên, trong số này hiện chỉ có Vietnam Airlines được phê duyệt phương án cổ phần hóa và tiến hành IPO vào tháng 11.
Lùng bùng cải cách
Cổ phần hóa là một bước tiến lớn ảnh hưởng đến cấu trúc quản trị của doanh nghiệp. Ở một mức độ nào đó, DNNN buộc phải minh bạch hơn. Tuy nhiên, nếu như cổ phần hóa chỉ dừng ở một tỉ lệ thấp, mối lo về quản trị có lẽ vẫn còn nguyên đó.
Có thể nói những TĐ, TCT dự định tiến hành cổ phần hóa trong thời gian tới sẽ chưa thật sự mang lại những thay đổi đáng kể về chất. Trong số 24 công ty mẹ của các TĐ, TCT 91 sẽ chỉ có chín công ty mẹ được cổ phần hóa. Nhưng ngay tại các công ty mẹ cổ phần hóa, Nhà nước cũng áp đặt những mức nắm giữ rất cao 51%, 65%, 75%, thậm chí 97%.
Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, DNNN hậu cổ phần hóa vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể về quản trị doanh nghiệp. Hội đồng quản trị của các DNNN đã cổ phần hóa mà Nhà nước nắm quyền chi phối chủ yếu vẫn bao gồm các công chức có quyền, lợi ích gắn với bộ máy điều hành hoặc kiêm nhiệm các vị trí điều hành doanh nghiệp.
Cụ thể, trên 80% doanh nghiệp mà Nhà nước có cổ phần chi phối có thành viên HĐQT đồng thời kiêm nhiệm chức năng điều hành doanh nghiệp. Chính vì vậy nên việc điều hành doanh nghiệp không đảm bảo được tính độc lập, khách quan và điều kiện để bảo đảm lợi ích của các bên có liên quan, đặc biệt là quyền lợi của các cổ đông tư nhân thiểu số.
Đây chính là điều các tổ chức quỹ đầu tư ngần ngại góp vốn vì họ sẽ khó có được ý kiến quyết định dù có tham gia HĐQT.
Một vấn đề quản trị nữa của các công ty mẹ trong các TĐ, TCT hậu cổ phần hóa là thiếu hụt nhân sự chất lượng cao điều hành doanh nghiệp. Do Nhà nước là chủ sở hữu chi phối doanh nghiệp nên hầu hết vị trí trong HĐQT, ban giám đốc đều được Nhà nước bổ nhiệm.
Đa số những người được bổ nhiệm này đều xuất thân là công chức, viên chức nhà nước thiếu kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp, và đương nhiên không có những trải nghiệm xương máu trên thương trường.
Trong khi các TĐ tư nhân sẵn sàng thuê các CEO giỏi, kể cả người nước ngoài, để điều hành doanh nghiệp của mình (*), cho tới nay chưa có một công ty mẹ của TĐ, TCT đã cổ phần hóa nào dám làm như vậy.
Một trong những cản trở lớn nhất trong việc thuê CEO giỏi ngoài hệ thống là những quy định hạn chế về quyền hạn của CEO trong TĐ, TCT. Do trên thực tế các quyền bổ nhiệm nhân sự vẫn do Đảng chi phối và việc điều hành kế hoạch kinh doanh lại bị ảnh hưởng bởi các nhiệm vụ chính trị xã hội Nhà nước giao nên cho dù có thuê CEO nước ngoài thì họ cũng khó có thể có thực quyền điều hành doanh nghiệp.
Đó là chưa kể đến chế độ lương thưởng kém linh hoạt ở các TĐ, TCT đã cổ phần hóa. Tuy không bị chi phối bởi mức lương 36 triệu đồng/tháng giống như các TĐ, TCT 100% vốn nhà nước, nhưng thực tế ở các TĐ, TCT đã cổ phần hóa vẫn xây dựng quy chế lương dựa trên quy định của Nhà nước.
Điển hình như TĐ Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), báo cáo thường niên cho thấy quỹ lương của ba giám đốc của TĐ trong năm 2013 chỉ vào khoảng 60 triệu đồng/người/tháng, tương đương lương ở các TĐ, TCT chưa cổ phần hóa.
Thay đổi được tư duy của đội ngũ lãnh đạo mới mong doanh nghiệp lột xác sau cổ phần hóa. Ví dụ điển hình có thể nêu là trường hợp ở Vinamilk, dám thuê nhân sự cao cấp và cho hưởng những chế độ ưu đãi vượt trội nhằm làm xoay chuyển tình thế và xây dựng một hướng đi rõ ràng cho doanh nghiệp.
Kinh nghiệm một số nước
Một trong những vấn đề của cổ phần hóa DNNN Việt Nam chính là tỉ lệ nắm giữ vốn của Nhà nước sau khi tái cơ cấu doanh nghiệp vẫn còn quá cao so với các nền kinh tế khác trên thế giới, cụ thể là các nước có nền kinh tế chuyển đổi giống Việt Nam như Gruzia, Ukraine...
Để tránh việc nhà nước nắm giữ quá nhiều cổ phần khiến cho doanh nghiệp hoạt động kém năng động, hiệu quả nhưng vẫn có thể kiểm soát nhằm ngăn chặn sự thâu tóm của các công ty nước ngoài trong các lĩnh vực liên quan tới lợi ích quốc gia như an ninh quốc phòng hoặc trên cơ sở bảo vệ lợi ích công cộng, một số nền kinh tế đã phát triển và áp dụng một số công cụ như: cổ phần ưu tiên (goden share), ổn định cổ đông nòng cốt (stable core of shareholders) và tư nhân hóa một phần doanh nghiệp bằng cách duy trì cổ phần kiểm soát (controlling interest).
Trong đó, cổ phần ưu tiên được coi là một công cụ đắc lực hiệu quả nếu được sử dụng hợp lý và đúng cách vì cổ phần ưu tiên là một loại cổ phần danh nghĩa cung cấp cho chính phủ quyền hạn đặc biệt và quyền phủ quyết trong các công ty tư nhân hóa hoàn toàn hoặc một phần để bảo vệ các công ty mới được tư nhân hóa khỏi sự thâu tóm gây ảnh hưởng tới an ninh cũng như các lợi ích công cộng cần thiết.
Tuy nhiên, việc sử dụng các công cụ nêu trên luôn được giới hạn ở một mức độ và thời gian cụ thể nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của nó tới thị trường, đơn cử như tại Ý cổ phần ưu tiên chỉ được sử dụng đối với một số ngành công nghiệp chiến lược, hay tại Bồ Đào Nha cổ phần ưu tiên chỉ được áp dụng ở lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, năng lượng và giao thông vận tải.
Tại Ba Lan, cổ phần ưu tiên chỉ có tính chất tạm thời và sẽ hết hiệu lực khi các điều khoản cam kết của người mua được thực hiện đầy đủ.
Một số nhà tư vấn và kể cả tổ chức đầu tư cho rằng trong nhiều trường hợp, không rõ đối tượng đầu tư chiến lược mà nhà nước nhắm đến là ai. Đó có phải là nhà đầu tư nước ngoài hay là các đối tác chiến lược như các ngân hàng thương mại hay tổ chức tín dụng, hoặc đơn giản chỉ là các nhà đầu tư cá nhân ở thị trường nội địa.
Việc không có một chính sách rõ ràng nhằm khuyến khích tới từng đối tượng đầu tư đã hạn chế phần nào khả năng cổ phần hóa của các DNNN.
Các nước phát triển OECD không chỉ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài mà còn tạo nhiều ưu đãi về mặt chính sách cho các nhà đầu tư cá nhân trong nước, bởi sự tham gia mạnh mẽ của nhóm đối tượng này trong quá trình tư nhân hóa (cổ phần hóa - theo cách gọi của Việt Nam) DNNN.
Ngay chính các chuyên gia kinh tế cũng phải thừa nhận rằng chính các nhà đầu tư lẻ trong nước mới là nguồn lực chính tác động tích cực tới quá trình cổ phần hóa DNNN của các nước thuộc OECD. Ví dụ, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Đức và Pháp đã đưa ra các hình thức khuyến khích nhằm tạo nhu cầu mạnh mẽ trong việc mua bán và giữ cổ phiếu. Những ưu đãi này bao gồm: giảm giá cổ phiếu, thanh toán từng phần...
Ở Tây Ban Nha, một số công ty cổ phần hóa đã hỗ trợ chống trượt giá cổ phiếu lên đến 10% trong năm đầu tiên.
Rõ ràng cổ phần hóa có tác dụng tốt hơn so với không cổ phần hóa, nhưng cần làm mạnh tay chứ không thể nửa vời. Bởi thực tế một số DNNN nay đã là công ty cổ phần nhưng cách thức điều hành, quản trị không có gì thay đổi. Chẳng hạn, tỉ lệ cổ phần nắm giữ của Nhà nước hiện nay là một vấn đề nhưng không phải là không có khả năng giải quyết.
Ngay cả khi nắm giữ tỉ lệ cổ phần trên 75% thì Nhà nước vẫn có thể thuê nhân sự giỏi để nâng cao hiệu quả điều hành doanh nghiệp.
Nhà nước cũng có thể cho các cổ đông thiểu số có quyền lực điều hành lớn hơn, còn mình chỉ nắm quyền cổ đông đặc biệt để hưởng lợi tức ưu đãi, cũng như một số quyền phủ quyết liên quan đến thay đổi cơ cấu vốn, thành lập doanh nghiệp con hoặc các hoạt động mua bán sáp nhập, và để các cổ đông tư nhân thiểu số chủ động trong việc tổ chức điều hành doanh nghiệp.
Như vậy dẫu Nhà nước có hoàn thành được mục tiêu là cổ phần hóa hết các TĐ, TCT thì về thực chất vẫn là “bình mới rượu cũ” khi mà quản trị doanh nghiệp vẫn không thay đổi.
(*): Đồng Tâm Group thuê tới bốn người nước ngoài làm tổng giám đốc, giám đốc; Tập đoàn Bitexco bổ nhiệm CEO Hàn Quốc năm 2011; FPT bổ nhiệm CEO Nhật Bản tại một đơn vị thành viên..
Đinh Tuấn Minh - Nguyễn Văn Thịnh - Thuận Nguyễn
tuổi trẻ
|