Tái cơ cấu thị trường viễn thông:
Thận trọng không có nghĩa là co mình lại
Nếu một tập đoàn đang lớn mà bị ép phải "thu ghém lại" thì rất nguy, vì sự độc quyền trên thị trường sẽ tăng lên và người dùng sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nêu quan điểm.
Tái cơ cấu thị trường viễn thông đang là một trong những vấn đề nóng nhất tại Việt Nam hiện nay, khi không chỉ có Chính phủ thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc xốc lại các doanh nghiệp chủ lực, quan trọng mà bản thân dư luận cũng đặc biệt quan tâm đến số phận, hướng đi tiếp theo của những doanh nghiệp trong diện tái cơ cấu. Tính hiệu quả, lợi ích của tái cơ cấu lại càng được đặt nặng khi mà đâu đó vẫn còn những hoài nghi, những âu lo về "bóng ma Vinashin, Vinalines" ẩn khuất trong nền kinh tế, và nếu không cẩn thận thì các đề án tái cơ cấu có thể sẽ giẫm lại vết xe đổ trước đây.
Tuy nhiên, từ góc độ kinh tế học, quan điểm chung của nhiều chuyên gia là việc gì cần làm thì vẫn phải làm, và co mình lại chưa chắc đã là thận trọng.
Phải giúp thị trường cạnh tranh hơn!
Tại thời điểm này, VNPT đã xây dựng xong đề án tái cấu trúc theo Quyết định 888 của Chính phủ theo hướng thành lập 3 Tổng công ty là VNPT - Net phụ trách toàn bộ mảng hạ tầng của Tập đoàn, VNPT Media phụ trách toàn bộ mảng nội dung, giá trị gia tăng, truyền thông và VNPT VinaPhone phụ trách toàn bộ các hoạt động kinh doanh. Đề án này hiện đang được Bộ TT&TT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để có thể sớm triển khai từ ngày 1/1/2015 đúng như lộ trình đã vạch sẵn trong Quyết định 888.
Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ Võ Trí Thành nói rằng, cần nhìn nhận vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp dưới góc độ độc quyền và cạnh tranh. Một đề án tái cơ cấu được xây dựng trên cơ sở "tăng tính cạnh tranh của thị trường" là một hướng đi tốt. Hơn nữa, bản chất của lĩnh vực công nghệ có điểm khác biệt so với các ngành khác. CNTT được xác định là công cụ hữu hiệu để tạo ra phương thức phát triển mới, do đó, hoạt động của một Tập đoàn công nghệ phải có khả năng lan tỏa sang các ngành khác. Và quan trọng hơn, sau khi tăng sức cạnh tranh trên thị trường thì phải đảm bảo và tăng được quyền lợi cho người tiêu dùng.
"Nếu việc tái cơ cấu phản ánh được cả hai chiều hướng này (lan tỏa công nghệ và quyền lợi người dùng) thì rất nên làm", ông Thành phân tích.
Tiến sĩ Võ Trí Thành.
|
Trong khi đó, TS Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT khẳng định VNPT là một tập đoàn truyền thống, sở hữu một hạ tầng rất mạnh và một vị thế rất lớn trong ngành viễn thông Việt Nam. Tuy nhiên, nếu so với Tập đoàn Viettel tại thời điểm hiện tại thì VNPT rõ ràng là đã tụt lại phía sau. "Người đi đầu thường hay mắc phải một vấn đề là ngủ quên trên chiến thắng. Không còn cách nào khác, doanh nghiệp phải tự thúc mình dậy, tái cấu trúc lại, đổi mới lãnh đạo, thay đổi quy trình, xác định thị trường... ", ông Bình chia sẻ.
Không nên áp đặt!
Một vấn đề lớn của doanh nghiệp nhà nước, theo TS Võ Trí Thành là cấu trúc và mô hình công ty đôi khi được hình thành không theo quy luật phát triển, cạnh tranh của thị trường mà lại chịu sự áp đặt của Nhà nước. Việc áp đặt này có thể sẽ làm nảy sinh một số vấn đề: Đáng nhẽ mô hình cần tới 5 người quản lý thì Nhà nước lại ép chỉ có 3 người thôi, hoặc ngược lại. Chi phí vận hành bộ máy có thể tiết kiệm được phần nào, nhưng hệ quả lại lớn hơn là "không tương thích" với hoạt động, với nội tại của doanh nghiệp, vì không hình thành dựa trên "sự sàng lọc của thị trường". Một mô hình áp đặt, vì thế, sẽ không thể đạt đến chất lượng quản trị, chuyên nghiệp, chuyên môn giống như quá trình hình thành của những doanh nghiệp thị trường.
"Hình thức doanh nghiệp, cấu trúc quản trị phải phù hợp với nhu cầu của chính doanh nghiệp đó. Vấn đề ở đây là bài toán về quản lý, phải cân đối giữa chi phí và lợi ích", ông Thành nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia đồng tình rằng với một doanh nghiệp đang khó khăn, phải tái cơ cấu như VNPT thì việc nhiều ý kiến muốn tinh giảm bộ máy, thu gọn quy mô để tiết kiệm chi phí là cách nghĩ tự nhiên. Nhưng công ty hay tổng công ty thì cũng phải xem xét đến bản chất quy mô của doanh nghiệp. Mô hình Tổng công ty có thể đòi hỏi nhiều chi phí vận hành bộ máy quản lý hơn, nhưng lại phù hợp hơn với quy mô hiện nay của doanh nghiệp, với chiến lược kinh doanh sắp tới của doanh nghiệp.
Nói cách khác, đó là vấn đề "nội tại" mà mỗi doanh nghiệp nên tự xác định, vì không ai hiểu rõ doanh nghiệp bằng chính mình. Tái cơ cấu không đơn giản là gọt chân cho vừa giầy, vì một đôi giầy quá chật có thể sẽ khiến cho doanh nghiệp rất khó đi lại, xoay xở. Điểm quan trọng nhất là cách lãnh đạo doanh nghiệp, sau khi tái cơ cấu phải minh bạch, chuyên nghiệp thì mới có thể coi là tái cơ cấu thành công.
Bên cạnh đó, mục đích của Chính phủ khi tái cơ cấu thị trường viễn thông là phải tạo được sự cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa 3- 4 Tập đoàn lớn. Tại thời điểm hiện nay, ngoài Viettel đang có một vị thế tốt, không chỉ ở thị trường trong nước mà còn đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, thì cả VNPT và MobiFone đều đang bận rộn tái cơ cấu để tăng cường nội lực, "cạnh tranh lại" với Viettel.
Nếu đặt vấn đề "thu ghém" VNPT lại thì khả năng cạnh tranh ngang ngửa với Viettel là rất khó, và hậu quả là sự độc quyền trên thị trường sẽ tăng lên, ảnh hưởng đến người dùng, ông Thành cảnh báo. "Cạnh tranh không có thì sức sáng tạo của doanh nghiệp cũng sẽ yếu đi. Bản thân Viettel cũng từng tuyên bố là họ sợ nhất vị trí số 1, vì không có người cạnh tranh với mình".
"Vấn đề không phải quy mô to hay nhỏ"
Việc một bộ phận dư luận nghi ngại về sự "chuộng hình thức" trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp viễn thông là có thật. Họ cho rằng, mô hình tổng công ty có thể khiến bộ máy của VNPT cũng như MobiFone bị phình to và hiệu quả hoạt động sẽ không được cao.
Tuy nhiên, ông Phạm Đức Long, Phó Tổng Giám đốc VNPT cho rằng, quy mô vừa thể hiện được vị thế doanh nghiệp, vừa thể hiện được cấp độ doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp, để VNPT trên cơ sở đó xây dựng các quan hệ, hợp đồng kinh tế, thuận lợi hơn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình chứ không phải là "làm hình thức". Vị này cũng khẳng định, việc thành lập các tổng công ty không hề gây khó khăn gì về quản trị, hiệu quả, tỷ suất lợi nhuận, bởi hiện nay VNPT thành lập các tổng công ty hạch toán độc lập và sẽ đưa vào quản lý bằng mô hình quản trị hiện đại. Tập đoàn sẽ là đơn vị chủ quản dịch vụ còn các tổng công ty trực thuộc sẽ chủ quản từng khâu của dịch vụ, với chỉ tiêu kinh tế được giao rõ ràng, độc lập.
Việc tổ chức như vậy là hướng hiện đại để giao trách nhiệm và phân cấp đủ mạnh, để các đơn vị tự chịu trách nhiệm được hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Tập đoàn sẽ chỉ quản lý con người đại diện, quản lý qua việc giám sát các chỉ tiêu kinh tế mà thôi. "Hiệu quả của từng đơn vị trực thuộc cũng chính là hiệu quả của công ty mẹ. Chỉ cần một công đoạn không hiệu quả thì VNPT cũng không thể hoạt động hiệu quả được", vị này kết luận.
Trọng Cầm
Vietnamnet
|