Làm gì để DN Việt tham gia chuỗi sản xuất:
Hãy biết mình là ai?
Theo các chuyên gia kinh tế, để doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, thậm chí tạo ra sản phẩm mang thương hiệu Việt, trước tiên cần xác định mình là ai và đang ở đâu; nếu thế mạnh là sản xuất bao bì hãy để thế giới nói tới bao bì sẽ tìm tới các nhà cung ứng Việt.
Câu chuyện DN Việt không làm nổi ốc vít đạt chuẩn đang khiến nhà quản lý và DN bối rối.
|
Việt Nam ở đâu?
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI kể, khi sang Ấn Độ ông tới một cửa hàng bán hàng lưu niệm của khách sạn, cô bán hàng hỏi có phải ông là người Nhật Bản? Ông nói là người Việt Nam và hỏi cô có biết Việt Nam không? Cô nhân viên trả lời không biết và hỏi có phải là một đảo nhỏ ở Mỹ La Tinh. Ông hỏi cô gái sao không biết Việt Nam, khi 2 nước đã có quan hệ ngoại giao từ lâu và Việt Nam có lịch sử chống ngoại xâm oai hùng. Sau đó ông Lộc hỏi cô bán hàng có biết Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan không? Ông liền nhận được câu trả lời là có, vì hằng ngày đi trên đường thấy xe của Nhật, vào siêu thị thấy hàng của Hàn Quốc, Thái Lan, còn Việt Nam không có sản phẩm bán ở đây.
“Đại sứ để quảng bá một đất nước ra thế giới chính là sản phẩm và thương hiệu nước đó”, ông Lộc nói. Câu chuyện trên được ông Lộc kể tại Diễn đàn “Đẳng cấp quốc tế - Lời giải cho Sản phẩm Việt”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cùng báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, sáng 1/11.
Gần đây dư luận xôn xao trước thông tin Tập đoàn Samsung đưa danh sách 170 loại linh kiện đơn giản như ốc vít, sạc pin, tai nghe điện thoại… nhưng không DN Việt nào làm được. Trước đó, đại diện Canon, Sony…cũng tuyên bố DN trong nước chỉ làm được vỏ hộp cho phẩm của họ. Theo ông Lộc, điều này đã đụng đến lòng tự ái của DN và nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời, cũng dấy lên nghi ngại năng lực và trình độ sản xuất của DN Việt.
Nguyên nhân, theo người đứng đầu VCCI, tới từ môi trường kinh doanh và hoạt động DN. Ông Lộc lý giải, trong những năm qua môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa thật bình đẳng, chưa khuyến khích sáng tạo. “Chừng nào kinh doanh còn dựa vào quan hệ và đầu cơ đã có lợi nhuận cao, thì DN chưa cần quan tâm tới công nghệ, quản trị để phát triển”, ông Lộc nói. Với việc Việt Nam đang hội nhập và cải cách mạnh mẽ, ông Lộc hy vọng tương lai sẽ có sản phẩm “Made by Viet Nam”, không chỉ sản phẩm “Made in Viet Nam” như hiện nay.
Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), trước khi muốn có sản phẩm đạt đẳng cấp quốc tế, hãy làm những sản phẩm đạt các tiêu chuẩn đã được thế giới thừa nhận. Rồi ông dẫn chứng hai sản phẩm được thế giới thừa nhận của Việt Nam là bánh mỳ Sài Gòn và Phở Hà Nội.
Bỏ ảo tưởng
Chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh cho rằng, có một bộ phận thích cái gì cũng đẳng cấp quốc tế. “Chúng ta thừa sức làm sản phẩm đẳng cấp quốc tế, nhưng để làm gì, làm ra với chi phí lớn có cạnh tranh được không, bán cho ai?”, ông Ánh hỏi.
Theo vị chuyên gia này, ai cũng nói rất hay, Việt Nam tham gia chuỗi toàn cầu sẽ được cái này, cái kia. Tuy nhiên, không mấy người xác định được chúng ta là ai, muốn thành gì, bằng cách nào… nên cứ loay hoay tìm. “Nếu thế mạnh của chúng ta là làm bao bì hãy tập trung cho nó, hãy để cả thế giới cần bao bì là tìm tới Việt Nam, đấy cũng là tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu”, ông Ánh nói.
TS Võ Trí Thành cho rằng, DN Việt cần có 5 điều để hướng tới đẳng cấp quốc tế: Xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch; phải đạt được tiêu chuẩn quốc tế; sáng tạo đi kèm bản quyền và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; xây dựng thương hiệu và phải được tôn vinh; phải chắt chiu, giữ gìn lịch sử cha ông để lại.
Còn theo ông Nguyễn Anh Tuấn, các DN hãy tự cứu mình, đừng trông chờ khi có chính sách ưu đãi của nhà nước, có người mua rỗi mới đầu tư làm. Thay vào đó, cùng liên kết để sản xuất. “Nếu chờ đợi sẽ không bao giờ có sản phẩm tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu”, ông Tuấn nói.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho biết, Luật Khoa học và công nghệ 2014 quy định, DN nhà nước phải dành một phần doanh thu chịu thuế để lập quỹ phát triển khoa học công nghệ, và khuyến khích DN tư nhân lập quỹ. Tuy nhiên, việc sử dụng quỹ cũng chưa hiệu quả, do quy định sử dụng quỹ còn mang tính hành chính như với ngân sách nhà nước. Do đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đang cùng Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, theo hướng trao nhiều hơn quyền tự quyết định sử dụng quỹ cho DN.
Theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, hiện hầu hết DN Việt sử dụng công nghệ lạc hậu so với thế giới từ 2-3 thế hệ. Trong khối DN sản xuất công nghiệp, chỉ 12% số DN có trình độ công nghệ tiên tiến (chủ yếu DN FDI), còn lại sử dụng công nghệ trung bình và lạc hậu. Chưa tới 0,5% doanh thu của DN được sử dụng đầu tư cho công nghệ (trong khi Hàn Quốc là 10%). Năm 2013, DN Việt chi 18,7 tỷ USD để nhập máy móc, thiết bị; 17,7 tỷ USD nhập máy tính và linh kiện, nhưng 35% số máy móc, thiết bị nhập của Trung Quốc. |
Lê Hữu Việt
Tiền Phong
|