Chủ Nhật, 02/11/2014 08:33

Chính thức chốt phương án lập “đường bay vàng”

Cơ quan hàng không 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia thống nhất “đường bay vàng” trước mắt chỉ thiết lập 1 chiều từ Tân Sơn Nhất ra Nội Bài...

* Sẽ chốt về “đường bay vàng” trong tháng 10

Trong giai đoạn 1, “đường bay vàng” của hàng không Việt Nam qua không phận Lào và Campuchia sẽ tiến hành một chiều từ Tp.HCM ra Hà Nội.

Theo báo cáo của Cục Hàng không vừa gửi lên Bộ Giao thông Vận tải, cơ quan này vừa đạt được thoả thuận với các nhà chức trách hàng không của Lào và Campuchia về thiết lập đường bay thẳng Nội Bài - Tân Sơn Nhất qua không phận của hai quốc gia này.

Tuy nhiên, theo thỏa thuận giữa 3 bên, việc thực hiện "đường bay vàng" Hà Nội – Tp.HCM sẽ được chia làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ thiết lập đường bay một chiều Tân Sơn Nhất – Nội Bài, dự kiến triển khai vào tháng 6/2015. Riêng chặng bay Nội Bài - Tân Sơn Nhất vẫn thực hiện như hiện tại.

Giai đoạn 2, sẽ thiết lập thêm đường bay một chiều, song song với đường đã thiết lập giai đoạn 1 cự ly 20NM về phía Đông cho chặng Nội Bài - Tân Sơn Nhất.

Các bên cũng nhất trí những thông số chi tiết đường bay thẳng Nội Bài – Tân Sơn Nhất sử dụng vùng trời Lào và Campuchia. Cùng với đó, thống nhất thực hiện mực bay tối ưu (f350), không phải hiệp đồng trước khi cất cánh cho các hoạt động bay tuyến Tân Sơn Nhất - Nội Bài và giúp máy bay tiết kiệm nhiên liệu.

Để cụ thể hoá đường bay thẳng, Cục Hàng không sẽ tiếp tục phối hợp với Lào, Campuchia giải quyết thông số đường hàng không và một số nội dung khác. Lãnh đạo Cục Hàng không cũng kiến nghị lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải trao đổi với Lào, Campuchia về giảm giá điều hành bay.

Vào giữa tháng 7/2014, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu Cục Hàng không và các đơn vị liên quan tái nghiên cứu “đường bay vàng”, bởi theo Bộ trưởng “để giảm thời gian bay trên trời thì đường bay phải hiệu quả nhất, ngắn hơn, không thể như hiện nay”.

Trên thực tế, ý tưởng về “đường bay vàng” - tức bay qua không phận của Lào và Campuchia đã được cựu phi công Mai Trọng Tuấn đưa ra từ 2009. Sau đó, đến năm 2012, ông Trần Đình Bá (Hội Khoa học kinh tế Việt Nam) tiếp tục đề xuất nghiên cứu đường bay này, song không nhận được sự đồng thuận của giới chức hàng không.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, vào đầu tháng 9 vừa qua, các phi công của Vietnam Airlines đã tiến hành bay thử nghiệm chặng Nội Bài - Tân Sơn Nhất qua không phận Lào và Campuchia.

Trong chuyến thử nghiệm đó, Vietnam Airlines sử dụng máy bay A321, chở theo 10 tấn hàng (tương đương 150 hành khách) và thực hiện hai chuyến bay: theo đường bay thực tế hiện nay và “đường bay vàng” với các thông số cơ bản giống nhau từ trọng tải, tốc độ, mức nhiên liệu, sức gió… đến phương thức cất hạ cánh, bay bằng và động tác dừng lại trên đường băng.

Tuy nhiên, kết quả bay thử nghiệm cho thấy, bằng máy bay A321, đường bay thẳng Nội Bài – Tân Sơn Nhất qua Lào, Campuchia chỉ nhanh hơn được 5 phút so với đường bay hiện hữu, tiết kiệm được quãng đường 85,2 km và 190 kg dầu.

Theo các phi công của Vietnam Airlines, mặc dù số km trên “đường bay vàng” có ngắn hơn nhưng chưa chắc đã tiết kiệm hơn đường bay hiện hữu, bởi với đường bay thẳng nói trên phương thức vào tiếp cận phức tạp hơn, tốc độ phải giảm sớm hơn do đó tốc độ tại vị trí đó phải chậm hơn.

Hiện số liệu về chuyến bay thử nghiệm hồi tháng 9 của Vietnam Airlines vẫn đang gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia kinh tế và hàng không.

Song Hà

vneconomy

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp chần chừ tái cơ cấu chưa được xử lý để làm gương (02/11/2014)

>   Hãy biết mình là ai? (02/11/2014)

>   Ngành dệt may chuẩn bị đi vào “hậu chung cuộc” (01/11/2014)

>   Năm 2015, các nhà máy nhiệt điện tiêu thụ 23-24 triệu tấn than (01/11/2014)

>   TPHCM: Thu hút vốn FDI tăng 97,6% (01/11/2014)

>   Kinh doanh trên thời khắc và phải “nghĩ xa hơn” (03/11/2014)

>   ​Ai trả phí soi chiếu an ninh sân bay? (01/11/2014)

>   Bộ trưởng Hàn góp ý cải cách cho Việt Nam (01/11/2014)

>   Tái cơ cấu VNPT: Doanh nghiệp hiệu quả cần tạo điều kiện phát triển (01/11/2014)

>   Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước: Chậm và chưa mang tính đột phá (01/11/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật