Thứ Năm, 02/10/2014 11:12

​Trắng tay vì mua tài sản đấu giá

Bỏ tiền tỷ ra mua tài sản đấu giá, nhiều người méo mặt vì không nhận được tài sản, trong khi khoản tiền vay mượn để mua đấu giá cứ mỗi ngày “lãi mẹ đẻ lãi con”.

Tiền tỷ khó đòi, tiền triệu cũng dễ mất

Vợ chồng ông Tô Văn N. và bà Hà Kim T. (trú tại ấp Bình Lợi, xã Long Bình, huyện Long Mỹ, Hậu Giang) bị hai cấp Tòa án Hậu Giang xử buộc phải trả cho một người số vàng 20 chỉ đã nhận. Để đảm bảo thi hành án, Chi cục Thi hành án huyện Long Mỹ đã tiến hành đấu giá 2500m2 quyền sử dụng đất của vợ chồng ông N.

Biết nhà nước đấu giá quyền sử dụng đất nói trên, dù gia cảnh nghèo khó nhưng ông Nguyễn Văn T. vẫn quyết định vay tiền ngân hàng để tham gia đấu giá. Vượt qua nhiều đối thủ, ông T. là người trúng đấu giá. Số tiền đợt 1 là 30 triệu đồng ông T đã giao cho người bán tài sản thông qua Công ty TNHH Một thành viên đấu giá Nam Bộ và 7 ngày sau, ông T. tiếp tục thanh toán xong số tiền còn lại.

Tuy nhiên, nhiều năm sau, ông T. vẫn không nhận được tài sản do gia đình ông N. nhất định không giao, thậm chí còn hăm dọa ông T. và nại ra đủ lý do khiếu nại bản án. Trong khi người phải thi hành án ung dung, thì ông T. ngày ngày méo mặt vay mượn đắp đổi trả lãi ngân hàng.

Một vụ án khác xảy ra tại Hưng Yên, ông Ngô Quang Vinh là người trúng đấu giá trong vụ bán đấu giá tài sản của công ty TNHH Hà Văn với giá trị lên tới trên 13 tỷ đồng. Trước đó, theo quyết định của bản án đã có hiệu lực “buộc công ty TNHH Hà Văn phải trả tiếp cho Công ty cho thuê tài chính KEXIM Việt Nam 477.619,02USD”.

Sau khi trúng đấu giá, ông Vinh đã nộp toàn bộ số tiền mua tài sản vào tài khoản của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản. Do công ty TNHH Hà Văn không tự nguyện giao tài sản cho người trúng đấu giá, Cục thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên đã xây dựng kế hoạch cưỡng chế nhưng đến nay sau nhiều năm, tài sản vẫn chưa được giao cho người trúng đấu giá vì vô vàn lý do.

Bế tắc không biết kêu ai

Thực tế, không hiếm những trường hợp như của ông T, ông Vinh nói trên. Mua được tài sản một cách đúng luật, song trớ trêu là những người trúng đấu giá lại không thể nhận về tài sản lẽ ra thuộc về mình, đúng như dân gian thường nói “tiền đã trao, cháo chẳng được múc”. Có thắc mắc, khiếu kiện thì cùng lắm những người này sẽ được cơ quan chức năng hướng dẫn khởi kiện lòng vòng, mà “chờ được vạ, má đã sưng”. Bế tắc, nhiều người đệ đơn “xin” nhận lại số tiền đã trót mua tài sản đấu giá, thậm chí chấp nhận bị hao hụt, trượt giá. Tuy nhiên, tiền đó cơ quan thi hành án đã trót trả cho người được thi hành án nên không có cách gì đòi lại.

Thực tế qua công tác thanh tra, có nhiều vụ việc đã xảy ra ở nhiều địa phương, có vụ việc gây bức xúc, căng thẳng đến mức người trúng đấu giá đòi mang bộc phá, bom đến đòi phá trụ sở tổ chức bán đấu giá tài sản. Nguyên nhân chủ yếu là tài sản thi hành án dù đã được kê biên, định giá nhưng vẫn giao cho chủ sở hữu (là người phải thi hành án) quản lý, sử dụng nên khi đấu giá xong thì người phải thi hành án chống đối và rất nhiều lý do chưa thể cưỡng chế. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan thi hành án chỉ nên tổ chức đấu giá tài sản khi đã trực tiếp quản lý tài sản này và có mặt bằng sạch để mang ra đấu giá.

Ông Nguyễn Hùng Tráng – nguyên Giám đốc Sở Tư pháp Thái Nguyên chỉ ra một bất cập: Thực tế có nhiều trường hợp, sau khi bán đấu giá thành, người mua đã trả tiền, tài sản chưa được giao nhưng cơ quan thi hành án đã vội trả tiền cho đương sự (người được thi hành án – PV), trong khi đó, lẽ ra tiền này họ chỉ được tạm giữ. Do đó, chỉ nên trả tiền cho người được thi hành án khi đã giao xong tài sản cho người trúng đấu giá. Như vậy để tránh trường hợp, về lý thuyết tài sản đã được bán song thực tế lại không thể cưỡng chế đối với người đang chiếm giữ tài sản đó.

Một nguyên nhân khác khiến tài sản không thể giao cho người trúng đấu giá là do bản án bị cơ quan có thẩm quyền kháng nghị. Về nguyên tắc, khi có kháng nghị, quá trình thi hành án phải dừng lại để chờ quyết định mới. Tuy nhiên, quyết định sau đó chủ yếu là sửa, hủy nên vụ việc càng trở nên phức tạp, thậm chí nhiều vụ, cơ quan tố tụng… quên luôn mất việc tài sản thi hành án đã được đem bán đấu giá thành.

Chưa bàn tới việc pháp luật “tắc” ở đâu, bất cập như thế nào nhưng nhiều ý kiến cho rằng, bất kể trong trường hợp nào thì người mua đấu giá đúng luật cũng phải được bảo vệ. Dù cho việc bảo vệ quyền lợi của họ có khó khăn, phức tạp thế nào thì đó là trách nhiệm của cơ quan nhà nước chứ không thể vì “cơ chế” mà bắt dân phải thiệt thòi.

Đại biểu Quốc hội Trương Thị Huệ (Thái Nguyên):

Có trường hợp mua được tài sản đấu giá mà hàng chục năm chưa nhận được tài sản

Công dân được mua tài sản đấu giá qua thi hành án đã nộp đủ tiền hoặc một phần tiền, song vì rất nhiều lý do khác nhau lại không nhận được tài sản. Loại này làm thiệt hại cho người mua tài sản của thi hành án ... Vì vậy, người dân muốn lấy lại được phần tài sản hoặc giá trị chính đáng của mình thì phải kiện ra tòa, rất nhiều trường hợp rất lâu mới được thụ lý, xử đi, xử lại, hết sơ thẩm, phúc thẩm, lúc thì hủy đi vì thiếu chứng cứ, lúc thì hủy đi vì trình tự, thủ tục tố tụng chưa đúng... Có trường hợp hàng chục năm chưa lấy được tài sản chính đáng của mình.

Đại biểu Quốc hội Trương Thị Huệ

Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, cử tri nói rằng không thể hiểu được tại sao mua tài sản của nhà nước hoặc tòa tuyên cơ quan nhà nước phải trả tiền cho dân mà dân đi đòi, cứ phải kiện đi, kiện lại mà chưa phân xử được. Nhà nước còn thế thì dân biết làm thế nào.

Để tránh những trường hợp như trên, tôi đề nghị Ban soạn thảo nên thiết kế một điều trong Luật thi hành án dân sự quy định những trường hợp như trên trong thời hạn nhất định chưa phân xử được, nhà nước cần trích ngân sách trả cho người dân, sau đó các cơ quan nhà nước phân xử với nhau và thu hồi lại sau. Có thế mới đảm bảo công bằng cho người dân và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.


Bình An

pháp luật

Các tin tức khác

>   Thông qua báo cáo đầu tư cảng hàng không Long Thành (02/10/2014)

>   Samsung sẽ đầu tư 560 triệu USD xây nhà máy sản xuất Tivi tại Việt Nam (02/10/2014)

>   Tổng rà soát tồn kho để ngăn xuất lậu khoáng sản (02/10/2014)

>   Ích lợi của tư duy phát triển xanh (02/10/2014)

>   Chuyển giao KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp về tỉnh Tiền Giang (02/10/2014)

>   Kinh doanh ế ẩm, quy hoạch vẫn nghìn siêu thị (02/10/2014)

>   Cơ chế chính sách cần hướng tới tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (02/10/2014)

>   Lún nứt cao tốc Nội Bài-Lào Cai: "Giải thích vòng vo, thiếu khoa học" (02/10/2014)

>   40% số dự án đầu tư công không được giám sát! (02/10/2014)

>   Lý Sơn nhận nhiều ưu đãi đặc biệt để phát triển kinh tế (02/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật