Thứ Năm, 02/10/2014 08:59

Lún nứt cao tốc Nội Bài-Lào Cai: "Giải thích vòng vo, thiếu khoa học"

Cao tốc Nội Bài-Lào Cai đầu tư gần 1,5 tỷ USD, vừa thông xe vài ngày đã lún nứt. Đây không phải là dự án tiền tỷ đầu tiên rơi vào tình trạng vừa dùng đã hỏng và điều đó khiến dư luận đặt ra nghi vấn về chất lượng của các công trình giao thông hiện nay.

* Cao tốc hơn 1,6 tỉ USD nứt mặt đường: Do đất yếu

* Mất 40 năm mới hoàn vốn tuyến cao tốc dài nhất VN

TS. Trần Hữu Minh.

Phóng viên Báo Hải quan đã phỏng vấn TS. Trần Hữu Minh, giảng viên Khoa Vận tải Kinh tế (Đại học Giao thông vận tải), chuyên gia về đánh giá tác động giao thông xung quanh vấn đề này.

Liên quan tới sự việc cao tốc Nội Bài-Lào Cai vừa thông xe đã lún nứt, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC)-chủ đầu tư dự án khẳng định, sự lún nứt này đã được dự báo trước và có tính toán. Theo cách lý giải này có thể chấp nhận được không, thưa ông?

Trước hết phải khẳng định, theo thông lệ chung của quốc tế, các tuyến đường cao tốc như Nội Bài-Lào Cai, tuổi đời thông thường là 30-50 năm. Trong quá trình đó, chất lượng công trình được kỳ vọng đảm bảo tốt. Như vậy, dự án cao tốc Nội Bài-Lào Cai đầu tư tiền tỷ nhưng chỉ sau vài ngày thông xe đã nứt toác thì thực sự chất lượng công trình có vấn đề.

Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 30-9 cho biết:

Về vết nứt trên đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải và các ngành chức năng thì chuẩn bị thông xe, trong quá trình thực hiện các công việc cuối, chúng ta đã phát hiện vết nứt này rồi, chứ không phải sau khi thông xe mấy ngày mới phát hiện vết nứt như một số báo nói.

Hiện nay, nhà thầu chịu trách nhiệm chính đang ráo riết thực hiện công việc của mình. Còn cơ quan chủ quản là Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị trực thuộc có nhiệm vụ giám sát, kiểm tra các công đoạn cũng đang ráo riết thực hiện nhiệm vụ, thẩm định lại, kiểm tra lại, tìm nguyên nhân cho rõ, khi đó công bố mới chính xác.

Có ý kiến cho rằng, cách giải thích của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải lún nứt là do đất yếu khiến dư luận cảm thấy chưa thỏa đáng. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề, chúng ta nên có 1 giới hạn nhìn nhận rằng nó là cái gì. Việc đó sau khi điều tra chúng ta sẽ phát hiện. Trước mắt, cơ quan chủ quản đã phát hiện điều này, đã biết điều này. Tại phiên họp Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nói là đã chủ động mời một số báo chí đến trực tiếp, mắt thấy tai nghe và biết kế hoạch sắp tới Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo làm những việc gì. Khi một sự việc xảy ra, chúng ta chia sẻ kịp thời, cung cấp thông tin để nhân dân hiểu, thì sự việc có thể khác hơn.

Thủ tướng có chỉ đạo là những gì báo chí nói chưa đầy đủ, hoặc là chưa chính xác, thì có phần trách nhiệm của người cung cấp thông tin, cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin.

Chủ đầu tư dự án có lý giải rằng, việc đoạn cao tốc bị lún đã được tính toán và dự báo trước. Sau hai cơn bão liên tiếp (bão số 3 và số 4) với lượng mưa lớn, đất nền và xung quanh bão hòa, tốc độ lún nhanh hơn dự kiến có thể là nguyên nhân sinh ra vết nứt.

Cách giải thích trên khá vòng vo, ngụy biện, chưa có căn cứ khoa học. Bởi nếu việc lún nứt được tính toán trước thì chủ đầu tư phải cho công luận câu trả lời thỏa đáng. Ví dụ như, nếu xử lý dứt điểm việc lún nứt rồi mới hoàn thiện công trình và thông xe thì mức độ thiệt hại kinh tế là bao nhiêu, thu lợi như thế nào. Ngược lại, cố gắng hoàn thiện dự án và thông xe sớm, rồi từ từ xử lý tình trạng lún nứt theo lộ trình thì lợi, hại ra sao.

Phải nghiêm túc tính toán và đặt lên bàn cân để cân đối thiệt hơn, cung cấp những con số chính xác để các nhà khoa học, các nhà chuyên môn thẩm định, phản biện chứ không chỉ đưa ra vài lý luận chung chung, định tính.

Không chỉ riêng cao tốc Nội Bài-Lào Cai mà trước đây cũng đã nhiều dự án giao thông đầu tư tiền tỷ nhưng nhanh chóng xuống cấp. Ông có cho rằng, đang tồn tại thực tế, chất lượng công trình giao thông không hề tương xứng với số tiền đầu tư?

Đúng vậy, kết luận này hoàn toàn có căn cứ. Đơn cử như việc đầu tư làm đường, hiện tại, suất đầu tư vốn trên một km đường ở Việt Nam quá cao so với thế giới. Nếu như các nước trong khu vực, chi phí cho một km đường khoảng hai, ba làn xe với chất lượng tốt dao động trong khoảng 7-10 triệu USD, ở châu Âu khoảng 9-15 triệu USD thì tại Việt Nam con số đó lên tới 30 triệu USD.

Như vậy, cùng hạng đường, chi phí ở Việt Nam đang cao gấp 2, 3 lần so với nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, điểm khác biệt là ở nước ngoài, với mức đầu tư đó, chất lượng đường rất tốt, còn ở Việt Nam không ít công trình vừa đưa vào sử dụng đã xảy ra vấn đề. Đây là thực tế khó có thể chấp nhận được.

Theo ông, đâu là “ngọn nguồn” của tình trạng trên?

Tôi cho rằng, lý do khá lớn là hiện nay còn tồn tại nhiều lỗ “hổng” trong quản lý đầu tư các dự án giao thông. Lỗ “hổng” có thể xuất phát từ tất cả các khâu như quy hoạch dự án, thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm thu, vận hành...

Trong số đó, "hổng" hơn cả chính là ở khâu thi công xây dựng và giám sát công trình. Thực tế là đang tồn tại tình trạng, nhiều công trình thi công không đúng thiết kế, bị “rút ruột”, lực lượng giám sát lại “bắt tay” với bên thi công. Điều này khiến cho chất lượng các công trình sau khi hoàn thiện bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Một trong những yếu kém cần phải nhắc tới ở đây nữa là, ở Việt Nam chưa làm tốt công tác thu nhận và xử lý thông tin phản hồi. Sự tham gia của nhân dân, công luận, góp ý còn hạn chế. Hiện, có rất nhiều đường dây “nóng” để người dân thông tin về sự việc, ví dụ như tình trạng bớt xén trong xây dựng công trình giao thông, tình trạng xuống cấp nhanh chóng của các công trình mới đưa vào sử dụng...

Tuy nhiên, nhiều đầu mối quá nên “nóng” lại trở thành “lạnh”. Không có một cơ quan, đơn vị nào thống nhất đứng ra thu nhận thông tin, xử lý và phản hồi. Do đó, nhiều khi người dân muốn thông tin cũng chưa biết phải thông tin đến đâu để có được câu trả lời thỏa đáng nhất.

Vậy theo ông, đâu là giải pháp hữu hiệu để đạt được cả hai yếu tố, mức đầu tư hợp lý cũng như chất lượng công trình giao thông đảm bảo?

Như đã nói ở trên, trong công tác quản lý, xây dựng các công trình giao thông hiện nay còn tồn tại nhiều lỗ "hổng" và muốn tiền tỷ bỏ ra không bị lãng phí, cần lấp đầy những lỗ “hổng” đó, siết chặt tất cả các khâu, từ quy hoạch dự án, kiểm tra năng lực nhà thầu, thi công, giám sát,... rồi đến chế tài xử lý những vi phạm.

Ngoài ra, cần phải hoàn thiện thể chế hơn nữa để tăng sự tham gia của cộng đồng và người dân trong toàn bộ quá trình lập kế hoạch cho tới khi vận hành dự án giao thông. Như vậy mới mong đảm bảo sự minh bạch, chất lượng đạt được xứng với đồng tiền bỏ ra.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Thanh thực hiện

hải quan

Các tin tức khác

>   Thanh tra việc sử dụng vốn tại Tập đoàn Dầu khí và Tổng Công ty Đường sắt (02/10/2014)

>   Công cụ kiếm tiền mới của Nhà nước Hồi giáo (02/10/2014)

>   Khám xét, điều tra sàn vàng trái phép tại công ty Khải Thái (02/10/2014)

>   Doanh nhân gốc Việt sắp mua đội bóng Mỹ (01/10/2014)

>   Gần 700 hộ dân ở KĐT Xa La có nguy cơ phải bắc thang để đi ra đường (30/09/2014)

>   “Có chủ tịch tỉnh chưa bao giờ gặp cộng đồng doanh nghiệp” (30/09/2014)

>   Rút số đăng ký các thuốc do Helix Pharmaceuticals Inc. Canada sản xuất (30/09/2014)

>   Lương trong ngành dầu khí phải giảm (30/09/2014)

>   CTCP Ô tô Trường Hải CN Thanh Hoá liệu có "lừa dối" khách hàng?! (29/09/2014)

>   Phát hiện thêm điểm đứt cáp AAG mới (29/09/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật