“Có chủ tịch tỉnh chưa bao giờ gặp cộng đồng doanh nghiệp”
Chủ tịch VCCI cho biết, trong khi Chính phủ chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh cho thì vẫn có lãnh đạo địa phương thờ ơ với việc này.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, sau 6 tháng triển khai, đến nay đã có 11 bộ và cơ quan ngang bộ gửi kế hoạch hành động, bao gồm: Bộ Tài chính, Công Thương, Nội vụ, Quốc phòng, Ngoại Giao, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Ngân hàng Nhà nước, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Ông Vũ Tiến Lộc: "Hiện vẫn có một số bộ, ngành, địa phương khi giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp chủ yếu dẫn chiếu, giải thích các quy định hiện hành, thiếu các biện pháp có tính chất đột phá về chính sách và thủ tục hành chính"
|
Cùng với đó là 18 tỉnh, thành, gồm: Thái Bình, Đồng Nai, Bạc Liêu, Bắc Cạn, Tây Ninh, Cà Mau, Lâm Đồng, Phú Thọ, Gia Lai, Hậu Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Quãng Ngãi, Đồng Tháp, Quảng Trị, Quảng Nam và Hà Giang.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành căn cứ vào chức năng của mình đã lên kế hoạch cải thiện các thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm cải thiện 2 chỉ số, gồm “khởi sự kinh doanh” và “bảo vệ nhà đầu tư”; Bộ Tài chính có mục tiêu đơn giản hoá cải cách quy trình, hồ sơ thủ tục nộp thuế, rút ngắn thời gian nộp thuế xuống còn 171 giờ, giảm thời gian thông quan hàng hoá xuất khẩu xuống còn 14 ngày, hàng nhập khẩu còn 13 ngày….
Các bộ ngành khác cũng đều đặt ra mục tiêu cải thiện các thủ tục, hồ sơ trong các hoạt động có liên quan đến doanh nghiệp, như Bộ Công Thương với mục tiêu “tiếp cận điện năng”, Bộ Quốc phòng với mục tiêu “bình đẳng kinh doanh cho các doanh nghiệp trong quân đội”; Bộ Y tế với mục tiêu “minh bạch các thủ tục cấp phép”.
UBND 18 tỉnh, thành nói trên cũng đưa ra khá nhiều các giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, song chỉ có báo cáo của tỉnh Gia Lai là có kế hoạch hành động với lộ trình thời gian cụ thể.
Trong khi đó, với một báo cáo tổng hợp tương tự, VCCI cho biết, tính đến tháng 9, cơ quan này đã thu thập được 305 ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp liên quan chủ yếu đến 11 bộ, ngành. Hiện VCCI đã nhận được phản hồi của 7 bộ, ngành với các trả lời kiến nghị của doanh nghiệp.
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 29/9, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói, qua khảo sát động thái của doanh nghiệp trong 9 tháng, cho thấy cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn, nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh đã bước đầu có cải thiện.
Đặc biệt, cùng với quyết tâm của Chính phủ, niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh đang dần được khôi phục. Báo cáo khảo sát của VCCI cho thấy, “dự cảm của doanh nghiệp về môi trường kinh doanh 6 tháng cuối năm 2014 và những năm tiếp theo là tốt hơn so với 6 tháng đầu năm và tốt hơn hẳn so với năm 2013”.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo VCCI, hiện vẫn có một số bộ, ngành, địa phương khi giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp chủ yếu dẫn chiếu, giải thích các quy định hiện hành, thiếu các biện pháp có tính chất đột phá về chính sách và thủ tục hành chính.
Thậm chí còn có hiện tượng tham mưu cho Chính phủ và tự ban hành các văn bản quay trở lại xác lập các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính đã lỗi thời và rất phiền hà, cản trở quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đặc biệt, ông Lộc cho biết, theo phản ánh của doanh nghiệp “có đồng chí chủ tịch tỉnh từ đầu nhiệm kỳ chưa bao giờ dành thời gian gặp gỡ để lắng nghe, trao đổi và giải quyết các vấn đề của cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương”.
Bảo Quyên
vneconomy
|