Cơ chế chính sách cần hướng tới tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Đó là ý kiến của diễn giả tại hội thảo “Động thái doanh nghiệp (DN) Việt Nam và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2015 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại TP.HCM ngày 1-10-2014.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong năm 2014 vẫn còn nhiều khó khăn.
|
DN còn rất khó khăn
Theo ý kiến của các diễn giải tại hội thảo, mặc dù tình hình kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN đã được cải thiện so với những năm trước đây. Tuy nhiên, vẫn có nhiều vấn đề Chính phủ và Quốc hội cần phải quan tâm để hỗ trợ sự phát triển của DN trong thời gian tới.
Nhận định về tình hình kinh tế năm 2014, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, mặc dù đối mặt với những khó khăn, thách thức song kinh tế nước ta vẫn đảm bảo đúng theo mục tiêu tổng quát đã xác định là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng ở mức hợp lí. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề đáng lo ngại. Cụ thể, tăng trưởng GDP dự báo đạt 5,8%, mặc dù cao hơn năm 2013 (5,42%) nhưng tăng trưởng kinh tế còn thiếu đột phá và chưa thật bền vững.
Nguyên nhân xuất phát từ một số yếu tố rất căn bản gồm: Tổng đầu tư toàn xã hội giảm từ khoảng 40% GDP trong năm 2011 xuống còn 30,1% GDP trong năm 2014. Tình hình hoạt động của các DN trong nước còn hết sức khó khăn, số DN giải thể ngừng hoạt động liên tục có xu hướng tăng cao. Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2014 cả nước có 47.450 DN thành lập mới (giảm 9,5% so với cùng kì năm 2013) và 44.509 DN giải thể, ngừng hoạt động (tăng 12,9% so với cùng kì năm 2013).
Ngoài số lượng DN giải thể ngừng hoạt động có một số chỉ số khác cho thấy tình hình hoạt động của DN trong nước còn hết sức khó khăn. Cụ thể, chỉ số hàng tồn kho tăng cao hơn so với năm 2013 ở mức 13,4%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tại một số vùng công nghiệp trọng điểm tăng chậm. Năm 2014 là năm thứ 3 liên tiếp có xuất siêu nhưng kim ngạch xuất khẩu tăng chủ yếu ở khối DN FDI. Tổng cầu của nền kinh tế vẫn ở mức thấp...
Tập trung hỗ trợ DN
Từ tình hình của DN nêu trên, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, trong năm 2015 sẽ có một số yếu tố tác động lớn đến tình hình hoạt động của DN. Theo đó, năm 2015 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần XI và theo thông lệ cuối nhiệm kì sẽ có nhiều yếu tố về công tác chuẩn bị cho đại hội khóa tới có thể tác động tới việc triển khai các chính sách phát triển kinh tế.
Đây cũng là năm thứ 2 tiếp tục hoàn thiện công tác xây dựng thể chế liên quan đến tổ chức bộ máy quyền con người, cải cách tư pháp, quản lí kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần Hiến pháp 2013. Năm 2015 cũng là thời điểm quan trọng để nước ta đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Với các Hiệp định thương mại tự do đã và sắp được kí kết sẽ cho phép dịch chuyển lao động, dịch vụ, đầu tư và hàng hóa giữa các nước diễn ra một cách tự do hơn và là cơ hội để DN Việt Nam mở rộng thị trường XK, thúc đẩy đầu tư...
Từ tình hình của DN trong năm 2014 và dự báo các yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô năm 2015, ông Bảo cho rằng vấn đề quan trọng mà các cơ chế, chính sách cần hướng đến là phải tập trung tháo gỡ khó khăn, sản xuất, kinh doanh cho DN và người dân vì đây là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
Ngoài ra để tháo gỡ khó khăn cho DN, Quốc hội cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở pháp lí đầy đủ, tạo sự thay đổi đột phá mạnh mẽ về thể chế quản lí nhà nước, quản lí kinh tế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định để thu hút nguồn lực đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo động lực mới cho sự phát triển của nền kinh tế. Sớm hoàn thiện hệ thống dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Quản lí, sử dụng vốn tài sản nhà nước, đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại DN, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản.
Cũng liên quan đến cơ chế, chính sách đối với DN trong năm 2015, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư kí VCCI cho rằng, Quốc hội và Chính phủ cần tháo gỡ một cách căn bản khó khăn cho DN, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để phát triển DN tư nhân. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho DN tham gia thị trường và rút khỏi thị trường một cách thuận lợi. Ngoài ra, cần ban hành Luật DN nhỏ và vừa để giải quyết các vấn về quy mô của DN tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa có thể cạnh tranh với DN lớn.
Còn đối với các DN, theo khuyến nghị của bà Đoàn Thị Quyên, Viện Nghiên cứu phát triển DN (VCCI), các DN cần tiếp tục thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ vì đây là biện pháp cần thiết và hiệu quả để năng cao năng lực của DN. Bên cạnh đó, cần có chiến lược kinh doanh tầm trung và dài hạn; cần xây dựng, rà soát cơ chế giảm sát chặt chẽ hệ thống chi phí trong quá trình sản xuất kinh doanh. Nâng cao năng lực quản trị rủi ro quản trị DN, Đặc biệt, cần thường xuyên cập nhật và theo dõi cơ chế chính sách để vận dụng kịp thời trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Nguyễn Huế
hải quan
|