Thứ Tư, 01/10/2014 22:50

Doanh nghiệp lo mất tiền tỉ để ký quỹ NK phế liệu

Việc ký quỹ NK phế liệu đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, song mức ký quỹ dự tính lên tới 80% tổng giá trị lô hàng NK khiến đại diện cộng đồng DN lo ngại sẽ thêm một gánh nặng.

Doanh nghiệp chỉ muốn 1-5%

Dự thảo Nghị định quy định về quản lý chất thải và phế liệu đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến yêu cầu ký quỹ đảm bảo phế liệu NK với khoản ký quỹ được quy định là 80% tổng giá trị hàng phế liệu NK. Mục đích nhằm đảm bảo tổ chức, cá nhân NK phế liệu chịu trách nhiệm khắc phục các rủi ro môi trường do việc không tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động NK phế liệu. Khoản chi phí này sẽ được hoàn trả cho tổ chức cá nhân và DN hoàn tất các thủ tục thông quan đối với phế liệu NK.

Tuy nhiên mức ký quỹ lên đến 80% tổng giá trị lô hàng khiến nhiều DN hoang mang. Tại cuộc họp lấy ý kiến về dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 26-9, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam cho rằng: Đề xuất DN NK phế liệu phải ký quỹ với số tiền bằng 80% tổng giá trị lô hàng phế liệu là quá lớn.

Ông Sưa phân tích, năm 2013 ngành thép sản xuất 5,5 triệu tấn thép thô. Năm nay dự tính sản lượng 6 triệu tấn thép thô. 80-90% sản lượng thép thô luyện bằng công nghệ lò điện hồ quang, nguyên liệu chính là sắt thép phế. Nhưng nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được 2 triệu tấn sắt thép phế, trong khi nhu cầu cần đến 5,5-6 triệu tấn. Cho nên mỗi năm, các DN thép phải NK 3,5 triệu tấn sắt thép phế với số tiền lên đến 1,4 tỉ USD. Nếu theo quy định của dự thảo 80% giá trị lô hàng thì số tiền ký quỹ lên đến trên 1 tỉ USD, tương đương khoảng 23 nghìn tỉ đồng/năm. “Đó là gánh nặng quá lớn đối với các DN ngành thép”.

Cũng theo ông Sưa, ngành thép Việt Nam dù phát triển nhanh nhưng còn non trẻ, cho nên tính cạnh tranh của sản phẩm thép thực sự chưa cao so với các nước phát triển. Nếu gánh thêm số tiền ký quỹ khổng lồ, ngành thép sẽ vô vàn khó khăn. Đặc biệt thời gian tới, Việt Nam thực hiện hàng loạt hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, với Liên minh Hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan và với Trung Quốc thì khó khăn càng chồng chất.

“Tôi rất chia sẻ với cơ quan quản lý về tình trạng vừa qua một số đơn vị NK phế liệu bị cấm rồi bỏ lại cảng, nhưng số lượng DN như vậy chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với cả cộng đồng DN. Cho nên chúng ta cần có quy định xử lý thật nghiêm các đơn vị như vậy thay vì bắt cả ngành thép bỏ ra lượng tiền lớn như thế chỉ vì một vài DN làm ăn không chân chính. Chúng tôi kiến nghị Nhà nước quy định mức ký quỹ này ở mức tối thiểu, từ 1-5%” - ông Sưa kiến nghị.

Cùng chung tâm tư như của ngành thép, ông Vũ Ngọc Bảo, Hiệp hội DN Giấy và Bột giấy Việt Nam cho rằng: Luật Bảo vệ môi trường đã quy định việc ký quỹ thì phải tuân thủ, nhưng tôi đề xuất chỉ nên ký quỹ ở mức 1% . Nếu thực hiện việc ký quỹ lên đến 80% giá trị lô hàng thì trung bình một DN ngành giấy phải ký quỹ gần 1 tỉ đồng/lô hàng. Nếu DN phải đi vay tiền để ký quỹ, thì lãi suất vay trong 2 tháng sẽ khiến chi phí tăng gần 2%. Như vậy năng lực cạnh tranh ngành giấy giảm sút rất lớn. Hiện nay chúng tôi “thoi thóp sống” trong thời khó khăn, nếu phải chịu thêm tiền ký quỹ nữa chúng tôi khó sống lắm.

Tính theo giá trị lô hàng là chưa hợp lý?

Đại diện ban soạn thảo, ông Dương Thành An, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế -Tổng cục Môi trường cho rằng: Ký quỹ NK phế thải là việc “chẳng đặng đừng” mới phải đưa vào Luật Bảo vệ môi trường. Bởi vì có tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” một số DN NK phế thải rồi không nhận hàng, gây ùn ứ, ô nhiễm ở các kho bãi, cảng. Đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, Ban soạn thảo dự thảo đã cân nhắc giảm mức giá trị tiền ký quỹ về 50% thay vì 80% như trước. Tuy nhiên, các DN và hiệp hội cho rằng, mức ký quỹ 50% vẫn là con số cao, và gây khó khăn cho DN.

Ông Thái Minh Sâm, Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam góp ý: Việc ký quỹ nên có nghiên cứu thêm. Mục đích của việc này là để xử lý hậu quả các DN NK phế liệu gây ra với môi trường. Cho nên phải xem từng loại phế liệu, có loại xử lý mất nhiều tiền, có loại xử lý mất ít tiền. Tôi đồng ý rằng tiền ký quỹ phải đủ để trang trải xử lý hậu quả DN gây ra nhưng không phải tất cả đều quy định giống nhau.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Minh Đức, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: Quy định về ký quỹ NK phế liệu đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường nên không thể không thực hiện. Điều cần làm bây giờ là xem xét mức ký quỹ và phương pháp tính. Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường đưa ra cách tính theo giá trị lô hàng dẫn đến một nghịch lý. Đó là những lô hàng phế thải càng chứa nhiều tạp chất thì giá lại càng rẻ. Nếu tính theo giá trị lô hàng thì tiền ký quỹ sẽ thấp hơn những lô hàng chứa ít tạp chất hơn. Trong khi nếu xảy ra sự cố nào đó, việc xử lý môi trường đối với lô hàng ấy lại cần chi phí cao hơn rất nhiều. Cho nên phương pháp tính cách ký quỹ nên chăng thay đổi, thay vì tính theo phần trăm giá trị lô hàng thì nên tính theo số lượng tuyệt đối, ví dụ bao nhiêu tấn thì khoảng bao nhiêu tiền. Như vậy đảm bảo hơn về mặt ý nghĩa bảo vệ môi trường .

“Về phương pháp ký quỹ, thay vì phải nộp vào Quỹ Bảo vệ môi trường với lãi suất không kỳ hạn, thì cho phép DN gửi vào ngân hàng với lãi suất kỳ hạn 2 tháng (1 tháng trước khi lô hàng đến cảng và 1 tháng sau thông quan). Hoặc cho phép các ngân hàng cấp chứng từ bảo lãnh để DN làm thủ tục thông quan. Như vậy, số tiền ký quỹ sẽ không nằm “chết” mà vẫn có thể sinh lợi cho DN, bù đắp phần nào khó khăn mà họ phải chịu từ việc ký quỹ” - ông Nguyễn Minh Đức góp ý.

Lương Bằng

hải quan

Các tin tức khác

>   VASEP kháng kiện thuế chống bán phá giá tôm lần thứ tám (01/10/2014)

>   Ngân hàng Bangkok đánh giá cao cơ hội kinh doanh ở Việt Nam (01/10/2014)

>   Samsung nhận giấy phép đầu tư 1,4 tỉ đô la Mỹ vào TPHCM (01/10/2014)

>   Vỡ đập tràn bùn: Khoáng sản Tây Bắc phải chịu trách nhiệm (01/10/2014)

>   Samsung và Nokia nhập siêu gần 700 triệu USD (01/10/2014)

>   Sức mua tại TP. Hồ Chí Minh tăng do khuyến mãi (01/10/2014)

>   Ma trận thuốc giá rẻ (01/10/2014)

>   Đặc khu trưởng Phú Quốc sẽ có một số thẩm quyền đặc biệt (01/10/2014)

>   Giảm thêm 5 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh (01/10/2014)

>   Giá bia tăng, doanh nghiệp nội sẽ chết! (01/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật