Thứ Hai, 27/10/2014 10:24

Cổ phiếu tốt đáng quan tâm

Danh mục cổ phiếu tốt đáng quan tâm được các chuyên gia khuyến nghị trong tuần này là DXG, DMC, PNJ và PVS. Đáng chú ý, giá của số cổ phiếu này đều kỳ vọng tăng trưởng hơn 30% so với thị giá ở thời điểm hiện tại.

DXG: Triển vọng lớn trong năm tới

CTCK Maritime Bank (MSBS) đánh giá cổ phiếu DXG của CTCP Dịch vụ & Xây dựng Địa ốc Đất Xanh vẫn là cổ phiếu tốt mà nhà đầu tư cần quan tâm, tuy nhiên nên chú ý tới tình hình kinh doanh của công ty trong quý 4/2014 để xem xét thực hiện đầu tư.

6 tháng cuối năm, kết quả kinh doanh của DXG sẽ không thuận lợi như đầu năm, việc hoàn thành kế hoạch của của công ty sẽ rất khó để thực hiện được. Được biết, kế hoạch kinh doanh năm 2014 với doanh thu thuần là 520 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế (LNST) là 125 tỷ đồng. Kết quả 6 tháng đầu năm DXG đã thực hiện được 40% doanh thu thuần và 54% LNST. Bên cạnh đó, việc tăng vốn nhanh trong thời gian tới cũng sẽ làm tăng áp lực pha loãng cổ phiếu.

Theo MSBS, kết quả kinh doanh năm 2015 vẫn sẽ khả quan do nguồn thu sẽ đến từ các dự án chính là Sun View Town, dự án Green City, bất động sản nghỉ dưỡng ở Phú Quốc và 1 phần còn lại từ dự án Gold Hill. Ngoài ra, khoản thu từ môi giới Bất động sản cũng sẽ duy trì ổn định.

Tại thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu DXG là 14,200 đồng/cp (ngày 20/10/2014), P/E và P/B của DXG lần lượt là 9.3 và 1.2 lần trong khi mức P/E và P/B trung bình một số công ty cùng ngành có quy mô tương đương là 14.7 và 0.95 lần.

>>Xem báo cáo chi tiết

DMC: Mua với giá mục tiêu là 54,500 đồng

CTCK VPBank (VPBS) đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu DMC của CTCP XNK Y Tế Domesco với giá mục tiêu 12 tháng là 54,500 đồng (tăng 33% so với giá hiện tại).

Dựa trên kết quả 6 tháng đầu năm 2014 và cuộc trao đổi gần đây với ban điều hành, VPBS dự phóng lợi nhuận ròng sẽ đạt mức tăng trưởng là 18% trong năm 2014 (so với mức 9% đưa ra trong báo cáo lần đầu). Các nỗ lực của DMC trong công tác tái cơ cấu danh mục và giá thành sản phẩm là nhân tố chính đằng sau mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2014 này.

Chỉ số P/E dự phóng năm 2014 của DMC là 8.6 lần, thấp hơn 25% so với mức trung vị của nhóm công ty cùng ngành trong nước (11.5 lần). Với mức tăng trưởng lợi ròng năm 2014 đạt 18% (dự phóng), VPBS tin rằng cổ phiếu DMC sẽ tăng giá mạnh trong 12 tháng tới.

Theo kết quả dự phóng, VPBS cho biết lợi nhuận ròng của DMC ước đạt 127 tỷ đồng trong năm 2014, tăng 18% so với cùng kỳ. EPS trong năm 2014 và 2015 sẽ lần lượt đạt 4,754 đồng và 5,373 đồng.

>>Xem báo cáo chi tiết

PNJ: Giữ nguyên giá mục tiêu là 41,400 đồng

Do từ nay trở đi không còn dòng tiền từ SFC trong mô hình định giá chiết khấu dòng tiền, tuy điều chỉnh tăng dự báo EPS 2014 nhưng VCSC giữ nguyên giá mục tiêu đối với cổ phiếu PNJ của CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận là 41,400 đồng.

Nếu không tính khoản lợi nhuận bất thường từ việc thoái vốn khỏi CTCP Nhiên liệu Sài Gòn (SFC) hồi Quý 3, LNST 9 tháng đầu năm 2014 của PNJ tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ lĩnh vực kinh doanh cốt lõi bán lẻ trang sức với doanh thu tăng trưởng tốt đến 34%.

PNJ đã mở thêm 10 cửa hàng trang sức vàng mới trong 9 tháng đầu năm, nâng tổng số cửa hàng lên 177. Vì vậy, VCSC cho rằng các cửa hàng mới đóng góp chưa đến 10% tăng trưởng, trong khi doanh thu từ các cửa hàng hiện hữu đóng góp phần còn lại. VCSC giữ nguyên giá mục tiêu 41,400 đồng. PNJ hiện đang giao dịch với giá cổ phiếu 9.8 lần EPS 2015 theo dự báo của VCSC là 3,834 đồng.

Việc PNJ tập trung trở lại vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi đã mang lại những kết quả rất tích cực. Cụ thể, tuy doanh thu từ kinh doanh vàng miếng giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái, lĩnh vực bán lẻ trang sức đạt tăng trưởng doanh thu lên đến 34%. Vì vậy, doanh thu thuần chỉ giảm 7%. Bên cạnh đó, EPS 9 tháng đầu năm 2014 tăng mạnh 77% so với cùng kỳ năm ngoái, nếu tính cả khoản lợi nhuận bất thường từ việc thoái vốn khỏi SFC, tương đương 74% dự báo EPS 2014 sau điều chỉnh của VCSC là 3.667 đồng (tăng 70% so với năm 2013).

Trong Quý 3/2014, PNJ đã chuyển nhượng toàn bộ 50.2% cổ phần tại SFC và thu về 35.8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Vì vậy, VCSC điều chỉnh tăng dự báo EPS 2014 từ 3,254 đồng như trong báo cáo trước lên 3,667 đồng để phản ánh khoản lợi nhuận này. VCSC cho rằng việc thoái vốn khỏi SFC là một tín hiệu tích cực vì điều này khẳng định cam kết tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của ban giám đốc.

>>Xem báo cáo chi tiết

PVS: Mua vào với giá mục tiêu 60,000 đồng/cp

Với vai trò là công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí hàng đầu của PVN, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) trở thành sự lựa chọn tốt nhất cho nhà đầu tư trong việc thâm nhập thị trường dầu mỏ có tiềm năng tăng trưởng to lớn tại Việt Nam. VCSC khuyến nghị mua PVS và giá mục tiêu 60,000 đồng/cổ phiếu.

Theo VCSC, PVS gần như độc quyền trong việc cung cấp các loại hình dịch vụ trong suốt vòng đời của một dự án dầu khí. Công ty cung cấp 97% trong số 80 tàu dịch vụ dầu khí đang hoạt động hàng ngày tại Việt Nam; cung cấp 100% dịch vụ căn cứ cảng dầu khí; cung cấp 90% dịch vụ khảo sát địa chấn; và vận hành 8 kho nổi (5 do PVS sở hữu, 3 thuê ngoài) trong số 12 kho nổi FSO/FPSO đang hoạt động ngoài khơi Việt Nam.

VCSC cho rằng mức giá hợp lý dành cho PVS là 60,000 đồng/cổ phiếu, tăng trưởng tiềm năng 52.6% so với giá thị trường vào thời điểm hiện tại. PVS đang giao dịch với mức định giá rẻ, cụ thể PER năm 2014 là 10.3 lần và PER năm 2015 là 8.7 lần, thấp hơn nhiều so với bình quân của các công ty cùng ngành trong khu vực lần lượt là 16.2 lần và 14.5 lần.

Với giá trị vốn hóa thị trường hiện đạt 901 triệu USD, PVS chỉ đứng sau hai công ty dầu khí niêm yết khác cũng là công ty con của PVN là GAS (vốn hóa 10 tỷ USD) và PVD (vốn hóa 1,3 tỷ USD). Trong số ba công ty này, trong giai đoạn từ 2015-2019, VCSC ước tính lợi nhuận của PVS sẽ có tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) cao nhất, đạt 11%, do PVS có mức độ tham gia rộng hơn vào các hoạt động thăm dò - khai thác dầu khí thông qua việc cung ứng một chuỗi các loại hình dịch vụ kỹ thuật dầu khí.

>>Xem báo cáo chi tiết

Gia Nguyên tổng hợp

-----------------------------------------

Khuyến nghị mua bán cổ phiếu của các công ty chứng khoán được trích dẫn lại có giá trị như một nguồn thông tin để nhà đầu tư tham khảo cho các quyết định đầu tư. Các khuyến nghị này có thể có những xung đột lợi ích với nhà đầu tư.

Các tin tức khác

>   Góc nhìn tuần 27-31/10: Tiếp tục quan sát! (26/10/2014)

>   Góc nhìn 24/10: Khó phục hồi trong ngắn hạn (23/10/2014)

>   Ông Tống Minh Tuấn (VCBS): Khi giá được định đoạt bởi cung cầu, việc thoái vốn của SCIC sẽ nhanh chóng (24/10/2014)

>   Góc nhìn 23/10: Rủi ro giảm điểm đã suy yếu (22/10/2014)

>   Xu hướng thị trường chứng khoán trong tương quan với vĩ mô và CPI tháng 10 (22/10/2014)

>   Góc nhìn 22/10: Lập vùng an toàn củng cố đà phục hồi (21/10/2014)

>   Góc nhìn 21/10: Áp lực bán sẽ lại gia tăng? (20/10/2014)

>   Đâu là cổ phiếu tốt để đầu tư vào thời điểm này? (20/10/2014)

>   Góc nhìn tuần 20-24/10: Đà giảm sẽ kết thúc? (19/10/2014)

>   Chuyên gia: Cơ hội bắt đáy! (16/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật