Góc nhìn 23/10: Rủi ro giảm điểm đã suy yếu
Thị trường tiếp tục có phiên tăng điểm, kèm theo đó thanh khoản gia tăng. Dưới diễn biến này, các chuyên gia cho rằng rủi ro giảm điểm đã suy yếu, tâm lý nhà đầu tư đã ổn định hơn nhưng cả hai chỉ số sẽ khó có nhịp bứt phá.
Rủi ro giảm điểm đã suy yếu
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Thị trường đang trong trạng thái tăng trong nghi ngờ. Dòng tiền bắt đáy bắt đầu xu hướng hoạt động tích cực trở lại, kết hợp cùng những thông tin tốt từ kết quả kinh doanh trong quý 3 của nhiều doanh nghiệp chủ chốt trên cả 2 sàn cùng đà bán ròng của khối ngoại đã chậm lại là các nhân tố giúp thị trường chung có dấu hiệu ổn định sau giai đoạn điều chỉnh giảm điểm mạnh vừa qua.
Xét trong ngắn hạn, thị trường đang dần tìm được điểm cân bằng, rủi ro giảm điểm đã suy yếu tuy nhiên vẫn hiện hữu. Chiến thuật trong giai đoạn này nên giữ tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt trong tài khoản ở mức cân bằng, tiếp tục mua vào các mã tốt có sẵn trong danh mục, tránh mở vị thế mua mới đặc biệt với các mã mang tính đầu cơ cao.
Tâm lý nhà đầu tư đã ổn định
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trở lại sau nhiều ngày bán ròng liên tiếp, đem lại sự tích cực hơn cho thị trường, trong phiên 22/10 khối ngoại mua ròng hơn 55 tỷ đồng trên toàn thị trường tập trung ở một số cổ phiếu NBB, ITA, HAG, HPG….
Sự tích cực đến từ HNX khi nhóm cổ phiếu dẫn dắt tăng điểm, diễn biến tăng điểm của cổ phiếu trụ ở phiên trước ít nhiều đã tác động lên phần còn lại của thị trường, tại những thời điểm chùng xuống trong phiên, FPTS quan sát thấy áp lực bán đã giảm, sức mua chủ động hơn, tâm lý nhà đầu tư phần nào đã ổn định trở lại.
Sau phiên 22/10 HNX-Index đang tạm thời có đáy ngắn hạn tại ngưỡng 86, diễn biến sắp tới cần sự tích cực hơn từ thanh khoản và nhóm cổ phiếu trụ để thoát hẳn ra khỏi xu thế điều chỉnh, nhà đầu tư tiếp tục theo dõi kỹ thị trường và có thể cân nhắc giải ngân trở lại với một phần danh mục, ưu tiên vào những cổ phiếu thuộc nhóm ngành dầu khí, chứng khoán.
Khó có nhịp bứt phá
CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS): Nếu nhìn vào chỉ số VN-Index cho ta cảm giác như sự lo ngại rủi ro của NĐT đang tăng lên khi cây nến tăng giá co hẹp lại và KLGD đồng thời gia tăng. Nhưng thực tế không phải vậy, sự co hẹp đà tăng này chủ yếu bị tác động từ những cổ phiếu lớn GAS, VIC... nhiều hơn. Bởi xét tổng thế thì số lượng mã gia tăng là nhiều hơn và KLGD tăng mạnh tương ứng với số cổ phiếu tăng giá.
Nói chung là 2 sàn phiên 22/10 đều thể hiện đà hững khởi và cầu mua đã có xu hướng tăng lên. Nhiều mã cổ phiếu đã có xu hướng bứt phá ra khỏi vùng giá cân bằng được thiết lập từ 4 phiên trước. Tuy nhiên câu chuyện nợ công đang là chủ đề nóng của kỳ họp QH lần này, và hẳn nhiên nó có tác động nhất định lên thị trường. Vì thế kỳ vọng và một nhịp bứt phá là rất khó, đặc biệt là những cổ phiếu có tính thanh khoản cao. Nhưng ở những cổ phiếu có KLGD hạn hẹp thì sự bứt phá về giá là hoàn toàn có.
Khó duy trì sắc xanh
CTCK Saigonbank Berjaya (SBBS): VN-Index vẫn tăng nhẹ 1.04 điểm lên 601.59 điểm trong phiên 22/10 nhưng nó vẫn đóng cửa ở dưới đường MA(20). Thêm vào đó, VN-Index cũng chỉ dao động trong biên độ hẹp cho thấy áp lực bán ở trên 600 điểm khá mạnh. Tuy nhiên, thanh khoản trên HOSE tiếp tục có sự cải thiện khi tăng 20.77% lên 97.19 triệu đơn vị khớp lệnh; đây là một tín hiệu lạc quan củng cố cho sự phục hồi.
MACD dịch chuyển lên mức -4.93 nhưng chỉ báo này vẫn ở dưới đường trung bình của nó. Stochastic Oscillator tiếp tục đi lên từ vùng quá bán, trong khi RSI lại cho thấy sự suy yếu của lực cầu. Do đó, VN-Index sẽ khó duy trì sắc xanh trong phiên tới. Và mốc 608 điểm vẫn là kháng cự mạnh đối với VN-Index trong ngắn hạn. SBBS vẫn khuyến nghị nhà đầu tư không nên mua thêm cổ phiếu ở thời điểm này và chờ tín hiểu rõ ràng.
Duy Hoàng tổng hợp
|