Thứ Sáu, 24/10/2014 13:04

Ông Tống Minh Tuấn (VCBS): Khi giá được định đoạt bởi cung cầu, việc thoái vốn của SCIC sẽ nhanh chóng

Câu chuyện thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) luôn là đề tài nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Là người trực tiếp tham gia tư vấn khá nhiều thương vụ thoái vốn tại SCIC, ông Tống Minh Tuấn, Giám đốc khối IB Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đã có những chia sẻ thú vị với người viết.

Ông Tống Minh Tuấn, Giám đốc khối IB Chứng khoán Vietcombank

Để quá trình thoái vốn được nhanh chóng và thành công, ông Tuấn cho rằng về bản chất quá trình thoái vốn sẽ nhanh chóng khi nó có “tính thị trường hơn”, tức là giá cả được xác định thông qua cung cầu thị trường tại từng thời điểm và được pháp luật cho phép (đủ điều kiện thoái của SCIC). Trong điều kiện thị trường tốt, giá khởi điểm thấp hơn kỳ vọng trả giá của nhà đầu tư thì buổi đấu giá sẽ thành công.

Khi nhà đầu tư được phổ cập thông tin về doanh nghiệp SCIC thoái vốn họ đương nhiên sẽ tự tìm hiểu kỹ lợi thế của doanh nghiệp để có thể đưa ra một mức giá đầu tư cho riêng mình. Tùy vào sức khỏe và sự hấp dẫn của doanh nghiệp, mỗi nhà đầu tư sẽ tự đặt giá cho doanh nghiệp theo quan điểm của riêng mình.

Được biết, có khá nhiều buổi đấu giá cổ phần SCIC sở hữu không thể tổ chức do không một nhà đầu tư nào đăng ký tham gia, theo ông nguyên nhân xuất phát từ đâu?

Điều này theo tôi được biết là có song chưa hẳn là nhiều, nhất là trong năm nay. Với tư cách là người trực tiếp tham gia tư vấn khá nhiều các thương vụ thoái vốn tại SCIC tôi thấy rằng tiến trình thoái vốn tại SCIC là khá thuận lợi trong năm nay. Sự hồi phục của thị trường chứng khoán (TTCK), cùng với mặt bằng lãi suất thấp đã kích thích đầu tư và do vậy hỗ trợ mạnh mẽ cho sự thoái vốn của SCIC.

Tình trạng đấu giá cổ phần không thể tổ chức do không một nhà đầu tư nào đăng ký chỉ xảy ra đối với một số ít các doanh nghiệp (DN) thoái vốn không hấp dẫn, có kết quả kinh doanh yếu kém trong khi lại có giá đấu giá khởi điểm cao (theo quy định thường là đấu giá lần đầu không thấp hơn mệnh giá 10,000 đồng và không thấp hơn trị sổ sách). Điều này có nghĩa là khi giá chào bán ban đầu của SCIC mà không phản ánh kỳ vọng của thị trường (có sự chênh lệch lớn) thì có thể xảy ra trường hợp không có nhà đầu tư nào đăng ký mua.Trong trường hợp này SCIC có thể phải điều chỉnh lại giá chào bán khởi điểm, hoặc xem xét thay đổi phương thức chào bán.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm SCIC mới chỉ thoái thành công vốn tại 26 doanh nghiệp, ông đánh giá thế nào về kết quả này?

Theo ước tính của tôi có lẽ con số thoái thành công sẽ nhiều hơn con số này. Mặc dù vậy, ngoài số lượng doanh nghiệp, còn phải lưu ý tới tổng giá trị thoái vốn của SCIC, đặc biệt có một số trường hợp giá trị thoái lớn và chất lượng, kể cả cổ phiếu niêm yết lẫn chưa niêm yết như TBC, NSC, TSC, HAI, DQC

Sự thành công của các đợt thoái vốn này góp phần không nhỏ vào sự sôi động của thị trường chứng khoán năm 2014. Về phía SCIC đã thoái và thoái được giá tốt. Còn TTCK thì cũng được hưởng lợi khi có một lượng tiền đổ vào mua các doanh nghiệp này từ SCIC và đi kèm với đó thường là doanh nghiệp được tái cấu trúc lại sau khi đã giảm tỷ lệ phần vốn nhà nước. Sau đó, doanh nghiệp sẽ xuất hiện trên thị trường với diện mạo khác hẳn và hấp dẫn được một lượng lớn dòng tiền đầu tư (trong đó có cả đầu cơ tăng giá).

Theo tôi điều này là rất tốt cho thị trường và doanh nghiệp. Chúng ta nên nhìn nhận yếu tố tích cực trên của việc SCIC thoái vốn, thay vì cứ tính toán xem việc thoái vốn này hút bao nhiêu lượng tiền của thị trường và ảnh hưởng tiêu cực đến TTCK như một số quan điểm đã từng đưa ra.

Trong các yếu tố, giá đấu khởi điểm, tình hình kinh doanh và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, cách thức truyền tải thông tin đến nhà đầu tư, theo ông yếu tố nào quan trọng ảnh hưởng đến mức độ thành công của buổi đấu giá cổ phần SCIC nắm giữ? Các yếu tố khác thì sao?

Theo tôi, yếu tố nào cũng quan trọng.

Thông thường SCIC đưa ra giá khởi điểm để bảo đảm các yếu tố cơ bản chống thất thoát vốn nhà nước như: không thấp hơn giá mệnh, không thấp hơn giá thị trường, không thấp hơn định giá của tổ chức độc lập và trong một số trường hợp không thấp hơn giá trị đầu tư ban đầu của SCIC.

Trong điều kiện thị trường tốt, giá khởi điểm thấp hơn kỳ vọng trả giá của nhà đầu tư thì buổi đấu giá sẽ thành công. Tuy nhiên để có được điều này sự thông báo rộng rãi cũng như phổ cập thông tin về doanh nghiệp được thoái đối với nhà đầu tư rất quan trọng. Càng tăng sự phổ biến thông tin thì SCIC sẽ càng có lợi vì sẽ càng có thêm đối tượng tham gia. Khi nhà đầu tư tham gia đấu giá đương nhiên họ đã tìm hiểu kỹ lợi thế của doanh nghiệp để có thể đưa ra một mức giá đầu tư cho riêng mình. Tùy vào sức khỏe và sự hấp dẫn của doanh nghiệp, mỗi nhà đầu tư sẽ tự đặt giá cho doanh nghiệp theo quan điểm của riêng mình.

Ngoài ra còn một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến thành công của quá trình đấu giá như sự minh bạch của doanh nghiệp, hay sự hậu thuẫn của lãnh đạo doanh nghiệp đối với quá trình thoái vốn của SCIC. Cũng có nhiều trường hợp sự thoái vốn của SCIC có thể dẫn tới sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp. Trong một số trường hợp việc này nằm ngoài mong muốn của lãnh đạo của doanh nghiệp và họ sẽ tìm cách chống đối việc chuyển nhượng vốn này của SCIC, khi đó quá trình đấu giá cũng như thoái vốn sẽ khó khăn hơn.

Ông có đề xuất gì để thúc đẩy tiến trình thoái vốn của SCIC?

Tôi nghĩ ngoài hàng hóa tốt để thoái, các văn bản pháp quy của việc thoái vốn cần được thông thoáng hơn. Hiện nay theo Quyết định 51 của Thủ tướng Chính phủ mới đây đã định hướng “mở” hơn cho việc thoái vốn như thoái dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách ... Tuy nhiên cần có những thông tư hướng dẫn cụ thể để việc thực hiện sớm đi vào thực tế và được SCIC triển khai sớm. Về bản chất quá trình thoái vốn sẽ nhanh chóng khi nó có “tính thị trường hơn”, tức là giá cả được xác định thông qua cung cầu thị trường tại từng thời điểm và được pháp luật cho phép.

Ngoài ra còn một số yếu tố khác liên quan tới phương thức giao dịch khi phát sinh như các thủ tục chào mua công khai phức tạp và thường kéo dài (đối với sở hữu trên 25%), giao dịch ngoài biên độ phải xin phép ... Hoàn thiện và chuẩn hóa hơn nữa các quy trình này sẽ thúc đẩy nhanh quá trình thoái vốn của SCIC.

Cám ơn ông!

Xem thêm:

* Chứng khoán xôm tụ, SCIC có thoát bế tắc thoái vốn?

* M&A theo sóng thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước

* SCIC thoái vốn trên sàn chứng khoán: “Hàng” có dễ đẩy?

Mỹ Hà thực hiện

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 23/10: Rủi ro giảm điểm đã suy yếu (22/10/2014)

>   Xu hướng thị trường chứng khoán trong tương quan với vĩ mô và CPI tháng 10 (22/10/2014)

>   Góc nhìn 22/10: Lập vùng an toàn củng cố đà phục hồi (21/10/2014)

>   Góc nhìn 21/10: Áp lực bán sẽ lại gia tăng? (20/10/2014)

>   Đâu là cổ phiếu tốt để đầu tư vào thời điểm này? (20/10/2014)

>   Góc nhìn tuần 20-24/10: Đà giảm sẽ kết thúc? (19/10/2014)

>   Chuyên gia: Cơ hội bắt đáy! (16/10/2014)

>   Góc nhìn 17/10: Tiếp tục giảm điểm và test hỗ trợ 580 (16/10/2014)

>   Góc nhìn 16/10: Hỗ trợ cứng tại mốc 600 điểm (15/10/2014)

>   Góc nhìn 15/10: Xu hướng tăng đã bị phá vỡ? (14/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật