Chưa rõ định hướng kinh tế biển
Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường và biển đảo
Hôm qua 22-10, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Trong bối cảnh các nguồn tài nguyên đất liền ngày càng cạn kiệt, càng đẩy mạnh khuynh hướng tiến ra biển, khai thác và làm giàu từ biển, việc quy hoạch, phát triển bền vững nguồn tài nguyên biển được coi hết sức cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là trong định hướng phát triển kinh tế biển.
* Đánh mất lợi thế kinh tế biển
* Vận tải biển “than” khó đủ bề
Nặng kinh tế, nhẹ môi trường
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Nguyễn Minh Quang, ở Việt Nam hiện nay, nhiều hoạt động khai thác chủ yếu tập trung các mục tiêu phát triển kinh tế để đạt được các mong muốn tối đa, trong khi xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường, không có hoặc thiếu những quy hoạch. Không những vậy, việc khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ của các tổ chức, cá nhân chưa thực sự hiệu quả, chưa đem lại giá trị kinh tế cao.
Ở nhiều nơi, tình trạng khai thác tài nguyên vùng bờ đang báo động về khả năng suy thoái. Trên thực tế, các ngành nông nghiệp, công nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy hải sản… theo các dự án của ngành đã được phê duyệt, nhưng chưa có sự quản lý khai thác thống nhất, sử dụng tài nguyên biển còn lãng phí, hiệu quả chưa cao.
Các ngành, địa phương khai thác tài nguyên biển phục vụ phát triển ngành, địa phương chưa hoàn toàn dựa trên chiến lược tổng thể về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo.
Quy hoạch của các ngành, địa phương (du lịch, cảng biển, nuôi trồng thủy hải sản…) còn nặng về khai thác phục vụ riêng cho phát triển ngành, địa phương mình, chưa chú trọng đến khả năng của từng khu vực biển do thiếu quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.
Bên cạnh đó, nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản biển, tài nguyên dầu khí và những nguồn tài nguyên biển không tái tạo khác đang bị khai thác quá mức. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường mà còn gây phát sinh nhiều vấn đề kinh tế - xã hội do sự thiếu hụt thực phẩm cung cấp cho cư dân sống ở các đảo và vùng ven biển.
Cùng với sự suy giảm, cạn kiệt nhiều nguồn lợi biển do khai thác, sử dụng không hợp lý và thiếu tính bền vững, các hoạt động kinh tế ven biển ngày càng phát triển, nhiều cửa sông bị ô nhiễm do nước thải của các khu công nghiệp, khu đô thị cùng nạn phá hủy rừng ngập mặn ngày càng tăng, dẫn đến sự gia tăng về tần suất và mức độ ảnh hưởng của thiên tai bão lũ do biến đổi khí hậu…
Thiếu định hướng thu hút đầu tư
|
|
|
Thu ngân sách từ ngành khai thác khoáng sản chưa thực sự tương xứng với chi phí đầu tư, sản lượng khai thác và tổn thất môi trường. Chính sách quản lý hiện tại cũng chưa khuyến khích để doanh nghiệp khai thác khoáng sản tiết kiệm và hiệu quả. Đặc biệt, hệ thống quản lý tài chính về khoáng sản vẫn còn tồn tại nhiều lỗ hổng, tạo ra kẽ hở cho việc thất thoát nguồn thu.
Ông Vũ Tiến Lộc,
Chủ tịch VCCI
|
Theo Bộ TN-MT, quan điểm của dự luật là phải thể hiện được các nguyên tắc: Nhà nước bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả theo chiến lược, quy hoạch phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; Nhà nước đầu tư, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, ưu tiên công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học nhằm phát hiện các nguồn tài nguyên mới, tại các hải đảo, vùng biển sâu, biển xa và vùng biển quốc tế liền kề, có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng; Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, hợp tác để điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo…
Đóng góp cho dự thảo, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn), cho rằng việc nghiên cứu khoa học về tài nguyên môi trường và biển đảo trong dự thảo không phù hợp với chức năng của Bộ TN-MT.
Tại Khoản 2 Điều 14 Luật Thủy sản cũng quy định: “Bộ Thủy sản chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, UBND cấp tỉnh tổ chức việc điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản ở từng vùng biển”. Do vậy, không cần thiết thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động điều tra cơ bản với Bộ TN-MT.
Mặt khác, việc giao thẩm quyền cấp phép nghiên cứu khoa học về biển và hải đảo trong vùng biển Việt Nam cho tàu thuyền, tổ chức, cá nhân nước ngoài cho bộ này cũng không phù hợp, bởi các hoạt động liên quan đến nghiên cứu nguồn lợi thủy sản phải được thực hiện theo Luật Thủy sản, hoặc dầu khí tuân thủ theo Luật Dầu khí…
Theo Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dự thảo hầu như không có nội dung nào về các khía cạnh kinh tế, môi trường đầu tư ở biển và hải đảo, về quyền và nghĩa vụ của các đối tượng khai thác các lợi ích kinh tế từ các địa bàn này…
Nói cách khác, dự thảo luật hầu như thiếu các quy định thực chất điều chỉnh hoạt động kinh tế của các tổ chức, cá nhân. Cũng theo VCCI, từ góc độ doanh nghiệp, dự thảo không làm rõ được việc Nhà nước có chính sách phát triển kinh tế, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để khuyến khích nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội ở môi trường biển và hải đảo. Trong khi, việc đầu tư, khai thác ở vùng biển, hải đảo không chỉ liên quan đến lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa quan trọng trong thực thi chủ quyền quốc gia.
Liên quan tới khai thác lợi ích kinh tế từ biển và hải đảo, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, vẫn còn nhiều trở ngại khiến họ ngần ngại đầu tư, khai thác, như thiếu thông tin về tài nguyên thiên nhiên và các cơ hội kinh doanh; thiếu cơ sở hạ tầng (điện, nước, viễn thông…); thiếu biện pháp quản lý, kiểm soát rủi ro kinh doanh gây nên những rủi ro trong hoạt động (thiên tai, thiếu hụt cơ sở hạ tầng, an ninh…).
Ngọc Quang
sgđt
|