Nghịch lý thừa, thiếu cảng biển
Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) cho biết 9 tháng năm 2014, sản lượng hàng container thông qua các cảng trong cả nước đạt 6,34 triệu TEU, tăng 18,58% so với cùng kỳ 2013. Tuy sản lượng tăng nhưng hàng hóa phân bổ không đồng đều, đặc biệt ở các cảng khu vực phía Nam.
* Tháo ngòi cho cảng biển
* Dịch vụ cảng biển: Triển vọng không chia đều cho tất cả
Nơi quá tải
Thống kê của VPA cho thấy, khu vực cảng TPHCM (gồm cảng Bình Dương, Đồng Nai, Sài Gòn, Bến Nghé, Tân Cảng Cát Lái, VICT, SPCT, Lotus, ICD Gemadept) đứng đầu cả nước về sản lượng container thông qua, đạt 3,73 triệu TEU chiếm 58,81% thị phần. Nếu xét riêng, thị phần lớn nhất là Tân Cảng Cát Lái (quận 2) chiếm tỷ lệ 48% cả nước, và chiếm 80,89% khu vực cảng TPHCM.
Sự thành công của cảng Cát Lái nhờ sự hoàn thiện các dịch vụ hậu cần, gồm: kho bãi, giao nhận và vận chuyển. Đặc biệt, tại đây có các dịch vụ hậu cần, kho bãi, hoa tiêu, lai dắt hoàn chỉnh và quy tụ nhiều hãng tàu quốc tế lớn nên các chủ hàng không lo thiếu tàu bất cứ thời điểm nào trong năm. Cảng Cát Lái còn có nhiều ưu điểm nằm gần trung tâm TPHCM và các khu công nghiệp, kho hàng của các DN ở Đồng Nai, Bình Dương.
Cùng với Tân Cảng Cát Lái, cảng SPCT ở Khu đô thị Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, cũng hấp dẫn DN xuất nhập khẩu với sản lượng hàng container thông qua trong 9 tháng tăng 32,65%, đạt 226.716 TEU. Khu cảng này có tổng vốn đầu tư 398,75 triệu USD, trong đó giai đoạn 1 đầu tư 248,75 triệu USD và đi vào hoạt động từ tháng 10-2009, công suất thiết kế 1 triệu TEU/năm.
“Dự án đầu tư nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 2 (tới độ sâu -9,5m) đã hoàn thành vào tháng 6-2014 và SPCT trở thành cảng sâu nhất hiện nay tại TPHCM. Với việc sử dụng luồng mới, các hãng tàu sẽ giảm 2 giờ hành trình, tiết kiệm chi phí chạy tàu và chi phí hoa tiêu, đồng thời có thể tăng kích cỡ tàu để khai thác hiệu quả hơn” - bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc cảng SPCT, kỳ vọng.
Chỗ đìu hiu
Trong khi đó, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) gồm: SP-PSA, Tân Cảng-TCIT, Tân Cảng-TCCT, Tân Cảng-TOCT, CMIT sản lượng 9 tháng chỉ đạt 846.083 TEU chiếm 13,33% thị phần cả nước. Đây là con số rất khiêm tốn nếu xét trên tổng công suất xấp xỉ 10 triệu TEU/năm.
Các DN ở ĐBSCL than phiền do không có tàu container nên hàng nông sản, thủy hải sản và trái cây của các tỉnh miền Tây xuất khẩu phải vận chuyển và thông qua cụm cảng TPHCM. Chi phí hàng hóa tăng cao 170-180USD/container hoặc 7-10USD/tấn chi phí vận chuyển và lưu kho.
Thời gian vận chuyển kéo dài, bất lợi và giảm lợi thế cạnh tranh của nông sản. Sản lượng container qua cảng khu vực ĐBSCL từ đầu năm đến nay chỉ đạt 34.339 TEU, chiếm 0,54% thị phần cả nước. Tương tự, một lượng lớn cà phê, cao su, hồ tiêu và hải sản xuất khẩu miền Trung - Tây nguyên cũng phải chuyển vào TPHCM vì các hãng tàu lớn có rất ít tuyến vận tải qua đây.
Lý giải nguyên nhân trên, ông Trần Văn Danh, Cục trưởng Cục Hải quan Bà Rịa-Vũng Tàu, cho rằng do chi phí vận chuyển container bằng đường bộ từ Cái Mép-Thị Vải về TPHCM mất 5-8 triệu đồng/container, trong khi vận chuyển container bằng đường thủy chỉ mất 1,5-2,5 triệu đồng/container.
Vì vậy, hàng hóa nhập khẩu vào cảng chuyển tiếp qua sà lan đi TPHCM chiếm tỷ lệ rất lớn, hàng làm thủ tục thông quan tại chỗ chỉ chiếm 3% so với tổng số lượng hàng hóa ra vào cảng. Bên cạnh đó, khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải tuy là cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu hàng có tải trọng lớn, tuy nhiên các bãi tập kết để nhận và trả contairner rỗng vẫn chưa được đầu tư.
Việc này dẫn đến DN phải mất nhiều thời gian, chi phí lấy và trả rỗng container do các bãi container nằm tại TPHCM, Bình Dương. Ngoài ra, khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải cũng chưa có điểm thu gom hàng lẻ, kho CFS. Do đó, các DN xuất nhập khẩu hàng hóa phải làm thủ tục tại các đơn vị khác.
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Bình Dương.
|
Còn theo ông Ngô Minh Thuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, giải pháp căn cơ lâu dài để thu hút hàng là phải phát triển được các khu công nghiệp, khu chế xuất tại khu vực cụm cảng Cái Mép.
Để tăng lượng hàng hóa thông quan, ông Thuấn cho biết đang có kế hoạch làm việc với các hãng tàu thu hút DN xuất nhập khẩu trực tiếp làm thủ tục tại đây. Theo đó, cảng sẽ cùng với hãng tàu có chính sách ưu đãi cho DN xuất nhập khẩu như giảm giá, tổ chức cung ứng dịch vụ logistics vận tải hàng hóa khối lớn giá thành thấp nhằm giảm chi phí cho DN.
Ngoài ra, hiện nay hàng xuất nhập khẩu của Campuchia có nhu cầu trung chuyển qua các cảng Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành các loại hàng đã qua sử dụng, hàng cấm xuất nhập khẩu (trong danh mục Việt Nam nhưng được phép ở nước bạn) không được phép trung chuyển.
Do vậy, DN xuất nhập khẩu các mặt hàng này của Campuchia phải qua các cảng của Singapore, Malaysia, Thái Lan. Nếu thay đổi được quy định này sẽ thu hút được một lượng hàng lớn qua cảng Cái Mép-Thị Vải.
Xem thêm:
* IPO cảng biển: Vì sao èo uột?
* Cổ phiếu cảng biển không tiếng nhưng được miếng
Duy Khánh
sgđt
|