Thứ Năm, 23/10/2014 09:24

Dệt may về đích sớm

XK dệt may đang có nhịp độ tăng trưởng tương đối tốt. Nhiều khả năng kim ngạch XK của ngành hàng này vượt kế hoạch được Chính phủ, Bộ Công Thương giao từ 0,5-1 tỷ USD.

* Doanh nghiệp dệt may tìm đường cán đích tỷ USD

* Ngành dệt may đi tìm đơn hàng giá cao

* Tạo “cú đấm” cho ngành dệt may, da giày

Dệt may vẫn giữ vai trò quan trọng trong bức tranh XK chung của cả nước.

Thêm thị trường tiềm năng

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay, hết 9 tháng, kim ngạch XK dệt may đạt 17,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ. Ở các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ngành dệt may Việt Nam giữ được đà tăng trưởng XK mạnh mẽ, thậm chí, vượt xa mức tăng trưởng NK hàng may mặc của các thị trường này. Cụ thể, hàng dệt may Việt Nam XK vào Mỹ tăng khoảng 15%, trong khi tổng kim ngạch NK hàng dệt may của thị trường này chỉ tăng 3,9%. Tương tự, thị trường EU là 19% và 9,9%; Nhật Bản là 14% và 0,3%. Điều này chứng tỏ, khả năng cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam ngày càng tăng lên.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nhờ nỗ lực của các DN trong việc tìm kiếm thị trường mới cho cả đầu ra và đầu vào đã mở ra cơ hội tăng kim ngạch và thị phần XK của dệt may Việt Nam. Nhờ thế, sản phẩm của ngành dệt may đã có chỗ đứng ở các thị trường truyền thống. Riêng tại thị trường EU, Việt Nam đang có cơ hội mở rộng thị trường do nhu cầu hàng dệt may tại thị trường này rất lớn, nhất là khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU dự kiến được ký kết vào cuối năm nay.

Một điểm đáng lưu ý được vị Phó Chủ tịch Vitas vui mừng chia sẻ là việc mở rộng thị trường XK mới bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực. Thị trường đầu tiên phải kể đến là Trung Quốc. Nếu năm 2013, dệt may Việt Nam XK 1,5 tỷ USD (chủ yếu là sợi bông) sang thị trường này thì trong 9 tháng năm 2014, kim ngạch đã tăng tới 40% (ngoài sợi bông còn XK quần áo hoàn chỉnh). Dự kiến, XK sang Trung Quốc năm 2014 có thể đạt 2,2 tỷ USD, giúp thu hẹp khoảng cách nhập siêu với Trung Quốc, (khoảng trên 3 tỷ USD thấp hơn 5,3 tỷ USD của năm 2013). Với thị trường Canada, dự kiến năm 2014, ngành dệt may sẽ XK khoảng 800 triệu USD sang thị trường này, tăng 250 triệu USD so với năm 2013.

Trong những thị trường “mới nổi” của ngành dệt may, thị trường Nga được đánh giá là thị trường quan trọng. Năm 2011, kim ngạch XK sang thị trường này chỉ đạt 80 triệu USD, năm 2013 đã tăng lên 220 triệu USD và năm 2014 dự kiến sẽ đạt trên 300 triệu USD. “Nếu Hiệp định thương mại Việt Nam với Liên minh Thuế quan Nga, Kazathstan, Beralus được ký kết, chính sách thuế, hải quan được thực hiện tốt hơn thì khả năng tăng trưởng sang thị trường Nga là tương đối tốt”, ông Trường nhận định.

Có thể vượt kế hoạch 1 tỷ USD

Không chỉ đa dạng thị trường XK mà các DN dệt may đã chú trọng tới việc đa dạng hóa thị trường NK nguồn cung nguyên phụ liệu để tránh phụ thuộc vào một thị trường. Trước đây, Việt Nam NK bông nhiều nhất từ thị trường Mỹ, tiếp đến là Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay, Ấn Độ đã thay thế vị trí của Trung Quốc đứng thứ 2 trong nhóm thị trường NK bông của Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm, ngành dệt may đã NK 1,1 tỷ USD giá trị mặt hàng bông, trong đó, hơn 500 triệu USD là từ Mỹ, trên 300 triệu USD là từ Ấn Độ. Nguồn cung vải cho sản xuất may mặc của Việt Nam cũng được dịch chuyển tốt, chỉ trong quý II, lượng NK vải từ Ấn Độ đã tăng tới 60% so với cùng kỳ.

Cũng theo ông Trường, trừ tháng 7 và tháng 8, một số DN nhỏ ngành may có gặp khó khăn về đơn hàng, nhưng sang tháng 9, đơn hàng đã khá dồi dào, đảm bảo đủ cho sản xuất đến hết năm. Với đà tăng trưởng XK mạnh mẽ của 9 tháng, đơn hàng của DN khả quan, dự kiến năm 2014, ngành dệt may Việt Nam có thể đạt từ 24,5 đến 25 tỷ USD kim ngạch XK, vượt từ 0,5 đến 1 tỷ USD so với kế hoạch đã đăng ký với Chính phủ và Bộ Công Thương.

Nhìn vào những con số trên có thể thấy rằng, ngành dệt may vẫn giữ vai trò quan trọng trong bức tranh XK chung của cả nước, chỉ đứng sau ngành hàng điện thoại các loại và linh kiện. Dự báo là chưa có ngành nào có thể “soán ngôi” vị trí của ngành dệt may. Theo nhận định của ông Trường, khi các hiệp định thương mại được ký kết, nhất là Hiệp định kinh tế đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), quy mô và tiềm năng của ngành dệt may có khả năng tăng lên 50 tỷ USD trong 5-6 năm tới. Bởi thế, cần có quy hoạch toàn diện ở các địa phương với quy mô đất đai, lao động. “Muốn hỗ trợ DN Việt Nam có khả năng đầu tư nhanh cần có khu công nghiệp được Chính phủ đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng xử lý môi trường. Nếu khu công nghiệp hoàn toàn chưa có xử lý môi trường, DN vừa đầu tư nhà máy vừa đầu tư vấn đề xử lý ô nhiễm thì nặng quá đối với DN Việt Nam. Cuối cùng khả năng đầu tư nhanh rơi vào tay các DN FDI”, ông Trường lo lắng.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex):

Vinatex đã thực hiện xong chương trình cổ phần hóa với 53% vốn nhà nước, 47% vốn của các cổ đông bên ngoài, trong đó 24% vốn từ 2 nhà đầu tư chiến lược và 23% số vốn còn lại là của các cổ đông. Ba tháng cuối năm, Vinatex sẽ tập trung hoàn thành thủ tục, chuẩn bị các điều kiện để tiến hành đại hội đồng cổ đông vào đầu tháng 12-2014. Dự kiến, ngày 1-1-2015, tập đoàn sẽ chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần.

Theo quyết định 320 của Thủ tướng, Vinatex phải thoái vốn ở 37 đơn vị với tổng số vốn 1.230 tỷ đồng. Đến hết tháng 9, đã thực hiện được 21/37 đơn vị, số vốn thoái được là 1.030/1.230 tỷ đồng, việc thoái vốn không bị suy giảm vốn, thậm chí còn “có lời” 56 tỷ đồng.


Phan Thu

hải quan

Các tin tức khác

>   1.000 người nộp đơn, xếp hàng: Nghịch cảnh ô tô Việt (23/10/2014)

>   Sân bay Long Thành: Hai điểm yếu và dự báo ảo (23/10/2014)

>   Ngành in ấn kỳ vọng tăng trưởng 12% trong năm 2015 (23/10/2014)

>   Đau đầu xử lý hàng ngàn container “bỏ quên” (23/10/2014)

>   Xu hướng đầu tư dự án nhỏ từ Nhật (23/10/2014)

>   Đề xuất kiểm toán Tập đoàn điện lực, Tập đoàn dầu khí và 28 tổng công ty lớn (23/10/2014)

>   Doanh nghiệp than phiền thủ tục hải quan tùy tiện (23/10/2014)

>   Siết chặt mọi hoạt động sản xuất và kinh doanh phân bón (22/10/2014)

>   Kế hoạch hành động phát triển Ngành Công nghiệp đóng tàu (22/10/2014)

>   Đầu tư gần 2 tỷ USD mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất (22/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật