Thứ Năm, 23/10/2014 16:13

Doanh nghiệp cần tự lực cánh sinh

Không ít người cho rằng cần tiếp tục giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Nhưng thực tế lãi suất đang ở mức thấp nhất trong hàng chục năm qua, khó kỳ vọng có thể giảm thêm nên DN cần phải tìm cách tăng cường hiệu quả kinh doanh để tạo ra tỷ suất lợi nhuận ít nhất cao hơn mặt bằng lãi suất trung bình hơn 10%/năm như hiện nay.

Lãi vay khó giảm

Đầu tháng 10, một loạt NH tiếp tục giảm lãi suất huy động như Vietcombank, Techcombank, Eximbank, BIDV, MB. Hiện lãi suất huy động các kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng được các NH giảm 0,3-0,5% xuống còn khoảng 4,5%/năm. Lãi suất các kỳ hạn trên 12 tháng cũng giảm 0,3% xuống còn quanh mức 6,3%/năm.

Đây là đợt điều chỉnh thứ ba trong năm nay của các NH, do đó mặt bằng lãi suất huy động đang được thiết lập một mức mới. Việc giảm lãi suất được xem là điều dễ hiểu khi lạm phát trong 9 tháng năm 2014 mới chỉ tăng 2,25%. Trước đó, NHNN dự báo lạm phát năm nay chỉ còn 4,5-5%.

Còn báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2014 khoảng 4,5%. Bên cạnh lạm phát tăng thấp, một trong những nguyên nhân khiến lãi suất giảm là các NH đang thừa vốn. NHNN cũng cho biết tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng năm 2014 chưa đến 7%, trong khi đó huy động vốn tăng 11,01% (huy động bằng VNĐ tăng 12,37%, huy động bằng ngoại tệ tăng 2,78%). Trước việc tăng trưởng tín dụng thấp hơn huy động, nhiều NH dư thừa vốn và buộc phải mua trái phiếu dù suất sinh lời khá thấp.

Kết quả điều tra gần đây của NHNN cho thấy có đến 85-88% tổ chức tín dụng cho rằng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay VNĐ sẽ tiếp tục được duy trì ổn định hoặc giảm trong 3 tháng cuối năm 2014. Thống đốc NHNN mới đây cũng đề cập một nội dung khá quan trọng là việc NHNN sẽ tiếp tục xem xét và điều chỉnh lãi suất cho phù hợp trong thời gian tới.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng thực tế lãi suất sẽ khó giảm nhanh trong thời gian tới bởi mặt bằng lãi suất hiện nay đã xuống mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Hơn nữa với mức huy động hiện nay các NH khó có thể giảm lãi vay trung và dài hạn.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, việc kéo giảm lãi suất cho vay không phải dễ. Do vậy, DN muốn đầu tư phải tính đến những dự án có suất sinh lời trên 10% để đủ tiền trả lãi suất. Đối với những DN như bất động sản thường cần nguồn vốn trung và dài hạn thì càng khó trông đợi vào việc giảm mức lãi suất cho vay xuống hơn nữa so với lãi suất huy động hiện nay của NH.

Đại diện Hiệp hội DN TPHCM cũng cho rằng, lãi suất huy động đã ở mức 6-7%/năm làm sao NH cho DN vay ở mức này. Lãi suất thực tế các DN hiện đang vay là 10%/năm. Vị đại diện này cũng cho rằng mức lãi suất như vậy còn cao so với các nước trong khu vực và nên chăng hạ thêm 1-2%. Tổng giám đốc một NH cũng thừa nhận nếu cho DN vay ở mức 6-7%/năm thì NH sẽ không có lời vì đây cũng là mức lãi suất đang huy động vào.

Đừng trông chờ giảm lãi suất

Về lý thuyết kinh tế, khi lãi suất giảm DN sẽ tăng đầu tư do chi phí vốn rẻ hơn. Người tiêu dùng cũng sẽ tăng chi tiêu do lãi suất tiết kiệm giảm và dễ dàng vay vốn cho việc tiêu dùng hơn. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam những tháng đầu năm 2014 vừa qua tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp và tỷ lệ đầu tư trong nền kinh tế chỉ tương đương với những năm trước.

Điều đó cho thấy việc lãi suất giảm trong thời gian qua không ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động đầu tư và tiêu dùng ở Việt Nam. Theo một chuyên gia kinh tế, lãi suất giảm từ mức 15-16%/năm vài năm trước đây xuống còn chỉ 10-12%/năm giúp DN bớt khó khăn, đặc biệt DN sử dụng đòn bẩy tài chính lớn. Tuy vậy, lãi suất thấp không có nghĩa DN sẽ làm ăn dễ dàng hơn mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Theo báo cáo, trong những tháng đầu năm có tới hơn 60% DN bị thua lỗ. Như vậy, rõ ràng lãi suất giảm không làm cho sức khỏe nhiều DN tốt hơn. Vị chuyên gia này phân tích thêm, nếu lãi suất giảm 1-2% trên thực tế không làm ảnh hưởng quá lớn đến tổng chi phí của một DN.

Điều này cũng không phải là yếu tố trọng yếu trong các quyết định đầu tư của DN vì những khoản vay dài hạn thường để lãi suất thả nổi. Do đó điều quan tâm của DN là dự án có hiệu quả hay không. Để dự án hiệu quả, ngoài thị trường tiêu thụ và các yếu tố vĩ mô khác, hàng sản xuất ra phải có tính cạnh tranh.

Hiện nay, nhiều chuyên gia cũng đưa ra một số lời khuyên là đối với DN vào lúc này, điều quan trọng không phải trông chờ vào việc giảm lãi suất mà phải “tự lực cánh sinh”. DN phải đẩy mạnh việc tái cấu trúc, nâng cao chất lượng quản trị, nguồn nhân lực, đầu tư cho khoa học công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất. Đó là yếu tố sống còn đối với DN.

Trong khi đó, về phía cơ quan nhà nước, cũng không nên đặt nặng vấn đề giảm lãi suất mà tập trung vào những yếu tố thực tế hơn như giảm thủ tục hành chính trong cấp phép, thông quan, thuế… để giảm chi phí cho DN. Bên cạnh đó cần đầu tư vào những điểm có thể thúc đẩy nền kinh tế phát triển như cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ DN tiếp cận thị trường quốc tế, trợ cấp cho những lĩnh vực trọng yếu.

Xem thêm:

* Kinh doanh dựa trên sự sáng tạo: Hướng đi cần thúc đẩy của doanh nghiệp Việt

* Cạnh tranh với hàng ngoại: Động lực đổi mới mô hình kinh doanh

* Không thể “chữa bệnh” cho doanh nghiệp cùng một “thuốc”

Xuân Anh

sgđt

Các tin tức khác

>   Tận thu tài nguyên: Hệ quả buông lỏng quản lý (23/10/2014)

>   Nghịch lý thừa, thiếu cảng biển (23/10/2014)

>   Mất 4,5 tỷ USD nhập hàng xa xỉ về Việt Nam (23/10/2014)

>   Thị trường hay định hướng? (23/10/2014)

>   Khánh thành nhà máy lắp ráp cửa máy bay Boeing 777 tại Việt Nam (23/10/2014)

>   Chuyện “hai vai” và bản lĩnh của Đại biểu Quốc hội (23/10/2014)

>   Dệt may về đích sớm (23/10/2014)

>   1.000 người nộp đơn, xếp hàng: Nghịch cảnh ô tô Việt (23/10/2014)

>   Sân bay Long Thành: Hai điểm yếu và dự báo ảo (23/10/2014)

>   Ngành in ấn kỳ vọng tăng trưởng 12% trong năm 2015 (23/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật