Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Chính phủ phải là “bà đỡ”
“Không khó khi xác định điều kiện cần và đủ để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Quan trọng là thực hiện thế nào? Ví như, người ta vay vốn với lãi suất 1, 2 hoặc 3%/năm trong khi DN Việt Nam vay với mức 15% - 18%/năm thì sao mà cạnh tranh về giá được”, GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhận định.
Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực để chuẩn bị phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, sáng 11/10, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Tập đoàn Samsung cùng Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài đã tổ chức Hội thảo phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nhằm phân tích chi tiết về thực trạng và chiến lược của ngành này.
Chủ trì Hội thảo, GS. TSKH Nguyễn Mại cho rằng, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn nhiều điều đáng bàn. Giá trị gia tăng của sản phẩm còn rất thấp: may mặc khoảng 35-40%, giày dép: 30%, hàng điện tử: 30% (phần lớn là của DN FDI)…Tỷ lệ linh kiện, phụ kiện nội địa trong sản phẩm công nghiệp: Trung Quốc- Thái Lan chiếm 50-60% trong khi Việt Nam chỉ chiếm khiêm tốn 27.8%.
Ngay từ đầu Thế kỉ 21, Chính phủ đã có chủ trương phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng sau 14 năm triển khai công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn mơ hồ, chưa định hình được sản phẩm. Nhiều loại sản phẩm như ô tô, điện thoại di động, da dày, dệt may…vẫn chủ yếu là gia công, lắm ráp.
Ông Shim Won Hwan, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung nhận định, thực tế công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam còn tương đối lạc hậu. Hiện nay các DN Việt Nam chỉ cung ứng được sản phẩm như: in ấn, bao bì… cho Samsung.
Hiện nay các DN Việt Nam chỉ cung ứng được sản phẩm như: in ấn, bao bì… cho Samsung
|
Nguyên nhân của những bất cập này, theo GS. TSKH Nguyễn Mại là do Việt Nam chưa có chiến lược ưu tiên phát triển một vài loại công nghiệp hỗ trợ quốc gia để tạo ra sản lượng quy mô lớn. Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ chưa tạo lập mối liên kết giữa DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với DN trong nước. Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa tạo lập được mô hình liên kết theo chiều dọc và chiều ngang để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm quốc gia.
“Nếu nói về điều kiện để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thì giá là một điều kiện hết sức quan trọng. Ở nước ngoài người ta vay với lãi suất 1,2 hoặc 3% trong khi DN trong nước vay với mức 15% - 18% thì sao mà cạnh tranh về giá được! Vậy nên Chính phủ phải có chính sách ưu đãi, hỗ trợ thông qua quỹ tín dụng ưu đãi trong công nghiệp hỗ trợ như việc hỗ trợ ngư dân đóng tàu sắt vậy! Ngoài ra, cũng cần phải ưu đãi về chính sách thuế. Chính phủ phải là “bà đỡ” để giúp DN lớn dần”, GS. TSKH Nguyễn Mại phân tích.
Rất nhiều cơ hội cho Việt Nam
Theo ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới như Nokia, Samsung…đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đây chính là cơ hội “ngàn năm có một” cho Việt Nam.
"Vấn đề đặt ra ở đây là các DN Việt làm thế nào để tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện cho các tập đoàn lớn, sẽ rất khó nhưng không phải không làm được", ông Trung nói.
Đại diện Samsung, ông Shim Won Hwan cho biết, tổng số vốn đầu tư đăng ký của tập đoàn này tại tại Việt Nam trong lĩnh vực điện tử và công nghiệp hỗ trợ đã lên tới gần 8 tỷ USD và đang tiếp tục mở rộng đầu tư.
"Chúng tôi mong muốn giúp đỡ Việt Nam phát triển nhưng vẫn cần có điều kiện tiền đề, trong đó nổi bật là công nghiệp hỗ trợ. Nếu như DN Việt Nam đáp ứng được chúng tôi sẵn sàng mở rộng vòng tay", ông Shim Won Hwan cho hay.
Tại Hội thảo, nhiều quan điểm cho rằng, mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được đề cập đến rất nhiều, song còn rất chung chung. Vì thế, cần phải ấn định rõ mỗi năm phát triển cụ thể ngành gì? Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ phải rõ ràng như thế nào?
Đồng ý với quan điểm này, GS. TSKH Nguyễn Mại nhấn mạnh, không thể nào phát triển đa dạng, “tùm lum” mà phải lựa chọn:
“Thái Lan họ tập trung từ một ngành công nghiệp ô tô rất nhỏ, chỉ trong vòng 5-7 năm họ thu hút 17 nhà đầu tư lớn nước ngoài như: Force, Toyota, Mescedes. ..Rồi họ làm công nghiệp hỗ trợ từ cấp 3 lên cấp 2 và bây giờ 700-800 DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ Thái Lan đang làm cấp 1. Thái Lan hiện sản xuất 2.450.000 ô tô/ năm trong khi Việt Nam chỉ sản xuất có 100.000 ô tô/ năm, thuế cao, giá đắt… thì làm sao gọi là công nghiệp hỗ trợ được? Nói điều này để thấy chúng ta phải có chính sách cụ thể là rất đúng.”
Chia sẻ với Tổ Quốc, , GS. TSKH Nguyễn Mại bày tỏ hy vọng Chính phủ sẽ có chiến lược rõ ràng, có lựa chọn. Chẳng hạn như Samsung, tại Việt Nam họ sản xuất 200 triệu điện thoại di động, hàng triệu tivi… Không phủ nhận họ đang rất cần công nghiệp phụ trợ. Chúng ta cần tập trung hợp tác với hãng này để phát triển công nghiệp phụ trợ cho lĩnh vực điện tử .
“Quan trọng là Chính phủ phải quyết tâm chọn một vài ngành như vậy, tập trung đầu tư, chính sách, giao cho các Hiệp hội tổ chức các DN hợp tác với nhau để làm cho bằng được, để chúng ta có thể chiếm được 40-50% giá trị gia tăng của công nghiệp điện tử xuất khẩu”, GS. TSKH Nguyễn Mại nói thêm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội chia sẻ quan điểm, nghành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam tương đối yếu. Đại diện Ủy ban kinh tế Quốc hội hôm nay tham dự Hội thảo này để lắng nghe các DN FDI trình bày những khó khăn của họ khi tham gia vào thị trường Việt Nam và họ thiếu những nhà cung cấp thuộc lĩnh vực gì?
“Chúng tôi đã thống nhất là sẽ tập trung vào một ngành, một lĩnh vực cụ thể để làm sao ngành công nghiệp phụ trợ của chúng ta với những chính sách đang ban hành sẽ được áp dụng hiệu quả, đồng thời cũng lắng nghe DN trong nước khi họ tham gia vào công tác hình thành ngành công nghiệp này.
Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn hiểu rõ các nhà sản xuất Việt Nam muốn tiếp cận vào chuỗi hàng hóa sản xuất giá trị của một nhà sản xuất nổi tiếng thế giới như Samsung thì gặp khó khăn gì để từ đó chúng ta có những chính sách ưu đãi cụ thể, để tác động luôn, thể hiện luôn trong phần thông tư mà Quốc hội sẽ thông qua vào kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới”, ông Kiên cho hay./.
Quỳnh Anh
Tổ quốc
|