Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cấp giấy phép nhập nông sản Việt Nam
Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 11/9, tại Hà Nội, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã thông báo về một số hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới và trả lời các câu hỏi của phóng viên Việt Nam và nước ngoài về các vấn đề báo chí quan tâm.
Trước việc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ gần đây cho phép nhập khẩu một số mặt hàng nông sản của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: Việt Nam hoan nghênh việc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã cấp giấy phép nhập khẩu cho một số mặt hàng nông sản của Việt Nam như quả vải, quả nhãn. Có thể nói, đây là bước đi nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại đang phát triển rất tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Ông Lê Hải Bình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao phát biểu tại buổi họp báo
|
Việt Nam hy vọng rằng phía Hoa Kỳ sẽ tiếp tục xem xét việc cấp giấy phép cho việc nhập khẩu thêm các mặt hàng nông sản có chất lượng cao của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về kết quả Cuộc họp Vòng V Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam-Tòa thánh Vatican tại Hà Nội, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, thực hiện Thỏa thuận tại cuộc họp Vòng IV của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam-Tòa thánh Vatican hồi tháng 6/2013, cuộc họp Vòng V Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam-Tòa thánh Vatican, diễn ra tại Hà Nội ngày 10-11/9, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng Ngoại giao Vatican ông Antoine Camilleri, Trưởng đoàn đồng chủ trì cuộc họp này.
Hai bên đánh giá những vấn đề Việt Nam và Tòa thánh Vatican đã có những bước phát triển tích cực thể hiện qua các cuộc tiếp xúc của các cấp, qua các cuộc họp của các Nhóm Công tác hỗn hợp cũng như qua hoạt động của đặc phái viên không thường trú của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam.
Hai bên thống nhất tích cực duy trì đối thoại tiếp xúc tạo điều kiện thuận lợi cho đặc phái viên không thường trú của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam, góp phần hướng dẫn Giáo hội Công giáo Việt Nam thực hiện tốt lời dặn của Giáo hoàng Francis.
Hai bên cũng nhấn mạnh lại các đường hướng như: “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc,” “Giáo dân tốt phải là một công dân tốt.”
Phía Vatican khẳng định Giáo Hoàng luôn theo sát tình hình phát triển của quan hệ Việt Nam với Tòa thánh Vatican và khuyến khích cộng đồng tôn giáo Việt Nam tiếp tục đóng góp vào công việc chung của đất nước; đồng thời ghi nhận những tiến bộ trong chính sách tôn giáo của Việt Nam, đặc biệt thể hiện trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013.
Phía Việt Nam khẳng định Đảng và Nhà nước Việt Nam nhất quán và không ngừng hoàn thiện chính sách tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của người dân, ủng hộ Giáo hội Công giáo Việt Nam tham gia tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng đất nước, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động xây dựng trái phép trên đảo Gạc Ma và trên quần đảo Trường Sa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa.
Mọi hành động đơn phương của nước ngoài nhằm làm thay đổi hiện trạng tại khu vực này đều là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông và khu vực.
Liên quan đến cuộc biểu tình chống Việt Nam tại Campuchia thời gian vừa qua, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: Lập trường của Việt Nam về vấn đề này là rõ ràng và nhất quán, Việt Nam đề nghị Chính quyền Campuchia có các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn các hoạt động sai trái, không phù hợp với quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia.
Điệp-Huy
vietnam+
|